Phần 2 Cơ sở lý luận và thực tiễn về phát triển sản xuất chè dây
2.2. Thực tiễn về phát triển sản xuất chè dây
2.2.1. Tình hình phát triển sản xuất chè dây trên thế giới
Tại một số nước châu Á, đặc biệt là ở Trung Quốc – Một nước có “Ngành công nghiệp dược liệu” (Pharmaceutical Material Industry) phát triển, họ đã hoàn thiện Hệ thống tổng thể, chính sách đồng bộ với việc Quy hoạch tổng thể và Quy hoạch vùng/ địa phương. Đồng thời chuẩn hóa và đồng bộ Quy trình, từ khâu chọn tạo giống, nuôi trồng, thu hái, chế biến, bảo quản, bảo tồn. Chỉ riêng trong khu vực Châu Á, các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan đều có nguồn tài nguyên dược liệu phong phú, đa dạng và được sử dụng hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng của mỗi nước. Mối quan hệ của các nước này trong “Cộng đồng dược liệu” khá chặt chẽ để hỗ trợ lẫn nhau trong nghiên cứu và phát triển nguồn dược liệu của mỗi nước, điều này được thể hiện rõ là gần đây nhất Hội nghị Dược Đông Dương lần thứ 6 đã có tới 45 báo cáo trình bày về cả quản lý dược phẩm cũng như phát triển ngành dược phẩm trong tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu. Trong số các nước Châu Á có nguồn dược liệu phát triển, Trung Quốc có khoảng 300 vùng nguyên liệu và huy động được trên 340.000 nông dân chuyển sang sống bằng nghề trồng cây thuốc. Trung Quốc có những chính sách rất cụ thể để tạo điều kiện cho người nông dân yên tâm chăm sóc, phát triển cây thuốc như bằng các ưu đãi về cách giao ruộng đất, giao rừng, cử chuyên gia về hướng dẫn cách chăm sóc, chế biến, cho vay vốn, miễn thuế (Hội đồng chính sách khoa học và công nghệ quốc gia, 2015).
a.Kinh nghiệm của Trung Quốc
Quy hoạch phát triển dược liệu là một trong các chính sách được Trung Quốc ưu tiên phát triển. Trung Quốc là một trong những quốc gia có hệ đa dạng
thực vật lớn, hiện sở hữu hơn 30.000 loài thực vật bậc cao. Trong Luật phát triển dược liệu, Trung Quốc quy định trong trổng số hơn 6.000 loài cây thuốc chỉ có 100 cây có quy mô lớn để phát triển công nghiệp dược và trở thành thế mạnh xuất khẩu của Trung Quốc trong tương lai. Quy hoạch phát triển dược liệu của Trung Quốc được chia thành 6 vùng trồng và khai thác gồm (Sơn dược, Xuyên dược, Triết Dược, Hoài dược, Nam dược và Tây Tạng). Để đáp ứng nhu cầu về nguồn nguyên liệu, Trung Quốc đã tiến hành nhiều nghiên cứu đồng bộ về dược liệu và thuốc thảo mộc, đầu tư và áp dụng các thành quả khoa học và công nghệ trong phát triển dược liệu, do vậy đã đạt được nhiều thành tựu lớn trong phát triển dược liệu, đã có rất nhiều khu vực trồng cây thuốc theo tiêu chuẩn GAP được thiết kế ở Bạch Vân Sơn, Khu công nghệ cao Ninh Hạ để trồng nhiều loài cây thuốc như: Bản lam căn, Xuyên tâm liên, Tây hoàng thảo, Đảng sâm, Củ mài gừng, Cam thảo với diện tích hàng trăm nghìn ha. Để thực hiện các mục tiêu phát triển dược liệu, Trung Quốc đã xác định và tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng về khao học công nghệ cho phát triển dược liệu, cụ thể: đến năm 2010, xây dựng 2-3 phòng thí nghiệm chủ chốt về Y học cổ truyền, 10 trung tâm khoa học và công nghệ y học cổ truyền, 20 trung tâm công nghiệp cơ khí và công nghệ về y học cổ truyền và 10 cơ sở nuôi trồng chất lượng cao. Đồng thời, hiện thực hóa các mục tiêu chính sách phát triển dược liệu, Trung Quốc đã xác định các mục tiêu cụ thể như: xác định được 100 loại thuốc mới từ Y học cổ truyền được nghiên cứu, cải tiến được 100 bài thuốc được dùng trong Y học cổ truyền, nghiên cứu 2-3 thuốc từ Y học cổ truyền để đưa vào sử dụng (Hội đồng chính sách khoa học và công nghệ quốc gia, 2015).
Như vậy có thể thấy, để phát triển dược liệu, Trung Quốc vừa thực hiện quy hoạch, vừa xây dựng trung tâm nghiên cứu để kết hợp áp dụng tiến bộ khoa học.
b.Kinh nghiệm của Thái Lan
Chính phủ Thái Lan đã ban hành các chính sách thúc đẩy nâng cao năng lực và các sáng kiến trong phát triển dược liệu. Thái Lan hiện có khoảng 11.000 loài thực vật có mạch (vascular plants) trong đó 10.200 loài có hoa, khoảng 1400 loài đã được đưa vào danh mục cây thảo dược và hương liệu làm nguyên liệu đựơc sản xuất và sử dụng trong các ngành dược phẩm, nước hoa, mỹ phẩm, hóa chất thơm và các ngành công nghiệp liên quan khác. Đồng thời, Chính phủ khuyến khích người dân và các cơ sở y tế sử dụng cây dược liệu trong chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Thái Lan đã xác định mục tiêu sẽ “Trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe bằng Y học cổ truyền của thế giới và đứng đầu thế giới về mỹ phẩm từ thảo dược”. Trong chiến lược phát triển công nghiệp sản phẩm dược thảo giai đoạn 2005 – 2009, Thái Lan đã chia thành 8 giai đoạn, gồm: nghiên cứu và phát triển, sản xuất nguyên liệu thô chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn và quản lý chất lượng, nâng cao tiêu chuẩn sản xuất, marketing, sửa đổi/ bổ sung luật, quản lý kiến thức và cơ chế hợp tác. Để thực hiện được mục tiêu này, Thái Lan đã tăng cường các biện pháp ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm phổ biến, tuyên truyền các kiến thức khoa học công nghệ và hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trong phát triển dược liệu (Hội đồng chính sách khoa học và công nghệ quốc gia, 2015).
c.Kinh nghiệm của Ấn Độ
Chính phủ Ấn Độ rất quan tâm tới giữ gìn, khai thác, bảo tồn và phát triển các vùng dược liệu bền vững. Trong giải đoạn 2005-2012, Chính phủ đã phê duyệt nhiều dự án nghiên cứu và phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển dược liệu để không những nâng cao chất lượng giống, mà còn tăng cường dự trữ, đảm bảo hiệu quả chữa bệnh. Hơn nữa, để phát triển dược liệu, Chính phủ khuyến khích thành lập các trung tâm tư vấn, hỗ trợ cho thầy thuốc, cáp bằng sáng chế cho những phát kiến điều trị bệnh của mình. Đồng thời tiến hành phổ biến việc sử dụng các loại thuốc nguồn gốc thảo dược thông qua các hình thức kê đơn, thúc đẩy hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân, thiết lập mạng lưới cung cấp nguồn gen giống chất lượng cao, ngoài ra hỗ trợ kiến thức khoa học công nghệ cho người dân để có nguồn nguyên liệu cung cấp bền vững, hỗ trợ tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm từ dược liệu, thúc đẩy xây dựng mối quan hệ đối tác giữa người trồng trọt, người tiêu thụ, các nhà khoa học và các hãng sản xuất dược phẩm công nghiệp. Phát triển ngành công nghiệp dược liệu là một trong những bộ phận quan trọng của y học Ấn Độ. Chính phủ Ấn Độ đã ban hành chính sách thúc đẩy và thương mại hóa sản phẩm của ngành công nghiệp dược liệu. Bên cạnh đó, còn đề xuất ưu tiên nghiên cứu và phát triển 32 loài thảo mộc quan trọng nhằm đáp ứng mục tiêu đặt ra của ngành. Luật đa dạng sinh học năm 2002 đã đưa ra cơ chế sử dụng hợp lý, bền vững nguồn dược liệu và ngăn chặn tình trạng vi phạm tác quyền sinh học. Thị trường xuất khẩu của Ấn Độ chiếm 12% doanh số thị trường dược liệu thế giới. Số lượng cây thuốc sử dụng ở Ấn Độ bằng ¼ số lượng cây thuốc được biết đến trên thế giới, có 90-95% số dược liệu sử dụng ở Ấn Độ được khai thác từ cây
hoang dại (Hội đồng chính sách khoa học và công nghệ quốc gia, 2015).
d.Kinh nghiệm của Indonesia
Indonesia hiện có khoảng 7.000 loài cây thuốc, trong đó có 283 loài được sử dụng trong công nghiệp thuốc Y học cổ truyền, 250 loài được khai thác trong tự nhiên. Doanh số thuốc Y học cổ truyền ở Indonesia tăng nhanh, năm 1996 là 12,4 triệu USD, đến năm 2000 là 130 triệu USD. Số xí nghiệp sản xuất thuốc Y học cổ truyền cũng tăng mạnh, từ 578 cơ sở (1996) lên đến 810 cơ sở (2010), trong đó có 87 cơ sở có quy mô lớn. Trên cơ sở về môi trường sống, phân bố, phương pháp thu hái, các thành phần chính của cây dược liệu, Indonesia đã đánh giá tiềm năng phát triển và đã lựa chọn khoảng hơn 100 loài cây thuốc dùng trong phòng và chữa bệnh thường gặp để đưa vào gieo trồng. Indonesia đã xây dựng các chính sách phát triển cây dược liệu, khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ và tập trung ưu tiên phát triển 9 loài có nhu cầu lớn (trên 100 tấn/tháng) như Xuyên tâm liên, Nghệ, Nghệ sâm, Địa hoàng, Nhàu, Tiêu dội, Sắn thuyền, Gừng để sản xuất các loại thuốc chống lão hóa, tiểu đường, huyết áp cao, thấp khơp, kích thích miễn dịch. Bên cạnh đó, để sử dụng bền vững nguồn tài nguyên cây thuốc và cung cấp dược liệu cho y học cổ truyền. Ngoài ra, Indonesia còn hình thành một cơ sở dữ liệu về các loại dược liệu, phát triển giống và bảo vệ cây dược liệu, thúc đẩy ứng dụng khoa học trong chế biến nguyên liệu thảo dược. Đồng thời Indonesia còn thúc đẩy hình thành các liên minh giữa nhà sản xuất thuốc, nhà sản xuất dược liệu, người trồng dược liệu và các nhà khoa học (Hội đồng chính sách khoa học và công nghệ quốc gia, 2015).