Các nghiên cứu trước đây về phát triển dược liệu Chè dây

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển sản xuất chè dây trên địa bàn huyện bát xát, tỉnh lào cai (Trang 44 - 46)

Phần 2 Cơ sở lý luận và thực tiễn về phát triển sản xuất chè dây

2.2. Thực tiễn về phát triển sản xuất chè dây

2.2.3. Các nghiên cứu trước đây về phát triển dược liệu Chè dây

Nhóm nghiên cứu gồm các giáo sư, bác sĩ, dược sĩ uy tín của bộ môn Dược liệu, Đại học Dược Hà Nội, Viện kiểm nghiệm Bộ Y tế do GS.TS Phạm Thanh Kỳ đứng đầu đã kết hợp với Công ty Cổ phần Traphaco hoàn thiện quy trình sản xuất viên nang Ampelop quy mô công nghiệp 100.000 viên/mẻ và 1 triệu viên trong một lô sản xuất. Thực tế sử dụng tại các cơ sở điều trị cho thấy, chi phí điều trị bằng thuốc Ampelop thấp hơn nhiều loại thuốc tân dược điều trị loét dạ dày – tá tràng đang bán trên thị trường Việt Nam hiện nay. Do đó công ty Traphaco nghĩ rằng cần phải phát triển nguyên liệu Chè dây cho việc sản xuất thuốc Ampelop, bên cạnh đó cũng đã góp phần tăng thu nhập cho nhân dân vùng núi, nơi có cây Chè dây mọc hoang, như Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo cho người nông dân (Biotrade, 2014).

Helvetas có dự án “Phát triển các hoạt động Thương mại Sinh học đối với các hợp chất tự nhiên - BioTrade” phối hợp cùng Traphaco nghiên cứu trồng và thu hái cây Chè dây ở vùng núi cao theo tiêu chuẩn GACP-WHO (trồng trọt và thu hái sạch cây thuốc theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới). Dự án đã tổ chức hướng dẫn nhân dân vùng cao, nơi có cây Chè dây mọc hoang, bảo tồn nguồn nguyên liệu sạch này bằng cách thu hái lá, không chặt cành để bảo vệ và giúp cây Chè dây tái sinh. Việc trồng và thu hái Chè dây theo tiêu chuẩn GACP- WHO đã góp phần đảm bảo nguồn dược liệu đầu vào ổn định, chất lượng tốt để sản xuất ra thuốc điều trị dạ dày Ampelop hiệu quả, an toàn (Helvetas, 2012).

Theo các nhà nghiên cứu đã công bố, chè dây có thành phần hoạt chất phù hợp với chữa viêm loét dạ dày, cũng theo (Phạm Thanh Kỳ, 1995, 2001, 2004), người đầu tiên đặt nền móng cho công trình nghiên cứu tác dụng của cây chè dây, ông nói rằng nỗ lực hoàn thiện quy trình sản xuất thuốc Ampelop từ cây chè dây là một quá trình nghiên cứu hiện đại kết hợp những giá trị truyền thống, vì thế tiếp theo đó nhiều công trình nghiên cứu về việc trồng cây chè dây an toàn làm nguyên liệu phục vụ sản xuất thuốc trong sản xuất dược phẩm được tiến hành nghiên cứu thêm. Ngoài các công trình nghiên cứu khoa học mang tính học thuật thì còn có các dự án như công ty CP Traphaco đã tham gia pha 1 dự án Biotrade (Phát triển các hoạt động thương mại sinh học trong lĩnh vực các hợp chất thiên nhiên tại Việt Nam) trong đó đã thực hiện nội dung xây dựng bền vững chuỗi cung ứng dược liệu Chè dây tại Lào Cai và Đinh Lăng tại Nam Định. Các dự án khoa học công nghệ nhận được sự đồng tình của địa phương, đáng kể nhất

là dự án Khảo nghiệm mô hình trồng cây chè dây (Ampelopsis cantoniensis) tại xã Mường Hum – Huyện Bát Xát – Tỉnh Lào Cai (dự án cấp tỉnh) do công ty TNHH MTV làm chủ nhiệm đề tài. Năm 2013-2015, công ty TNHH MTV Traphacosapa đã thực hiện dự án “Ổn định vùng dược liệu quý và đảm bảo chất lượng dược liệu Actiso, Đương quy và Chè dây tại Lào Cai, Sơn La và Lai Châu, tạo nguồn thu nhập ổn định cho đồng bào dân tộc thiểu số” được tài trợ bởi Quỹ Thách thức doanh nghiệp Việt Nam (VBCF). Trong đó có phát triển vùng trồng và vùng thu hái Chè dây theo GACP-WHO. Trong giai đoạn đó công ty cổ phần Traphaco, Viện Dược liệu và dự án Biotrade đã tiến hành nghiên cứu và xây dựng được quy trình thu hái Chè dây theo GACP-WHO. Sắp xếp các nghiên cứu trên chúng tôi nhận thấy các nghiên cứu được triển khai đều xuất phát từ thực tiễn và có tính hệ thống, từ các nghiên cứu bài bản về công dụng cây chè dây đến phương thức chế biến, thiết lập tiêu chuẩn chất lượng của chè dây trong sản xuất. Bài toán tiếp theo là xác định thị trường chè dây khô, tiềm năng phát triển thị trường, từ đó mới có được những quyết định đúng đắn trong việc phát triển vùng trồng và các hoạt động sản xuất chè dây.

Từ các nghiên cứu trước đây, chúng tôi nhận thấy các vấn đề đặt ra cần tiếp tục được nghiên cứu là: Quy hoạch mở rộng diện tích cần chi tiết để có những bước tiếp theo. Cần xây dựng các hoạt động đánh giá chất lượng sản phẩm chè dây, nghiên cứu công nghệ chế biến và đề ra các phương án tiêu thụ sản phẩm, một điểm quan trọng nữa là xác định thị trường giải quyết đầu ra của sản phẩm chè dây khô.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển sản xuất chè dây trên địa bàn huyện bát xát, tỉnh lào cai (Trang 44 - 46)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(118 trang)