Phần 2 Cơ sở lý luận và thực tiễn
2.1. Cơ sở lý luận
2.1.5. Các nội dung quản lý chợ
2.1.5.1. Ban hành các chính sách
Việc ban hành các văn bản, chính sách trực tiếp ảnh hưởng và điều chỉnh hành vi trong hoạt động quản lý và kinh doanh chợ. Hoạt động này mang tính chất đa ngành nên hành lang pháp lý của lĩnh vực này cũng rất rộng. Trong đó Luật thương mại 2005 là cơ sở pháp lý cơ bản để các cơ quan quản lý nhà nước, các chủ thể cũng như các thương nhân hoạt động thương mại nói chung và kinh doanh chợ nói riêng thực hiện. Hai đạo luật cần được kể đến đó là Luật Doanh nghiệp và Luật Hợp tác xã. Bởi theo quy định của Nghị định 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 về phát triển và quản lý chợ, tất cả các chợ trên toàn quốc đều phải dần chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp chợ hoặc hợp tác xã chợ. Do vậy các chủ thể quản lý kinh doanh chợ phải dựa vào hai luật này và các văn bản hướng dẫn thi hành để tổ chức và hoạt động (Phạm Quang Thao, 2008).
Nghị định 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 về phát triển và quản lý chợ là văn bản pháp lý đầu tiên đưa ra các quy định toàn diện làm cơ sở cho công tác quản lý chợ một cách thống nhất trên phạm vi toàn quốc. Nghị định này đã quy định và hướng dẫn cách phân loại chợ, về quy hoạch phát triển và đầu tư xây dựng chợ, cũng như các quy định về quyền hạn và trách nhiệm của chủ đầu tư xây dựng chợ, bố trí các công trình trong phạm vi chợ, kinh doanh khai thác quản lý chợ,...
Hoạt động đầu tư xây dựng chợ được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định của Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi) số 03/1998/QH10, ngày 20/5/1998, Nghị định số 51/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Khuyến khích đầu tư trong nước. Sau khi có Luật Đầu tư, thực hiện theo Nghị định 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật đầu tư. Riêng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp thực hiện theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 09/2003/QH11 ngày 17/6/2006 và Nghị định số 164/2003/NĐ-CP ngày 22/12/2003 của Chính phủ
quy định chi tiết thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản quy định khác có hiệu lực thực hiện.
Nhìn chung, các văn bản được ban hành phải đảm bảo tính kịp thời, tạo điều kiện để cho công tác quản lý và phát triển chợ diễn ra thuận lợi nhưng phải phù hợp với các quy định chung và định hướng phát triển của toàn quốc; phải có tính lâu dài, kịp với xu thế phát triển chung. Kịp thời sửa đổi các văn bản không còn phù hợp. Các văn bản cần được phổ biến, hướng dẫn cụ thể tới các đối tượng liên quan để đảm bảo thực hiện đúng, đủ.
2.1.5.2. Về quản lý quy hoạch
Theo quy định của Nghị định 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 về phát triển và quản lý chợ, chợ có vai trò quan trọng trong tổng thể kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, do đó công tác quy hoạch chợ cũng rất quan trọng và mỗi địa phương khi quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội phải bao gồm quy hoạch phát triển chợ: chợ là một bộ phận quan trọng trong tổng thể kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; từ nay trở đi, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ của địa phương phải bao gồm quy hoạch phát triển chợ. Tại điều 13, Nghị định 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 về phát triển và quản lý chợ, một trong những nội dung chủ yếu của quản lý nhà nước về chợ là: xây dựng quy hoạch, kế hoạch, phương hướng phát triển chợ từng thời kỳ phù hợp với quy hoạch, kế hoạch, phương hướng phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương, khu vực, đáp ứng nhu cầu sản xuất, lưu thông hàng hóa và tiêu dùng của nhân dân.
Theo tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam 361:2006: Khi quy hoạch mạng lưới chợ, tuỳ theo mật độ dân cư của từng khu vực, trên cơ sở đó xác định quy mô và bán kính phục vụ của chợ, để thuận tiện cho việc đáp ứng nhu cầu sử dụng của dân cư trong khu vực.
- Chợ loại 1 không quy định bán kính phục vụ.
- Chợ loại 2 có bán kính đến 3000m (phục vụ từ 9 đến 12 vạn dân). - Chợ loại 3 có bán kính đến 1200m (phục vụ từ 1,5 đến 2 vạn dân).
- Xác định vị trí xây dựng chợ phải phù hợp với mạng lưới chợ hiện có, gắn với các khu vực dân cư, các khu trung tâm trong quy hoạch thành phố và thuận lợi với các nguồn cung cấp hàng chuyên doanh. Đối với các loại chợ như chợ đầu mối, chợ truyền thống văn hoá,... được xây dựng mới nên đặt ở vùng ngoại vi đô thị.
- Đối với chợ đầu mối chuyên doanh nông phẩm cần được khuyến khích xây dựng nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp, nhưng cần phải được đặt ở vị trí thích hợp trong quy hoạch mạng lưới.
Vị trí của chợ phải thỏa mãn các khoảng cách về an toàn phòng cháy chữa cháy và điều kiện an toàn vệ sinh môi trường. Không bố trí chợ gần trường học, bệnh viện hoặc những công trình có yêu cầu cách ly về tiếng ồn.
- Các hướng giao thông tiếp cận chợ phải được phối hợp với hệ thống giao thông đô thị, liên hệ thuận tiện với bến xe, bến tàu, đảm bảo lưu thông hàng hóa.
- Quy hoạch phát triển chợ phải gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ của địa phương; phải hình thành hệ thống chợ với quy mô khác nhau phù hợp với dung lượng hàng hoá lưu thông trên địa bàn, đảm bảo sự phát triển hài hòa giữa hệ thống chợ với siêu thị, trung tâm thương mại và các loại hình thương nghiệp khác góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, đẩy mạnh giao lưu hàng hoá. Chú trọng phát triển chợ ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo gắn với yêu cầu giao lưu văn hoá của đồng bào các dân tộc.
- Quy hoạch phát triển chợ phải đồng bộ với quy hoạch xây dựng các khu dân cư, các công trình giao thông, điện, cấp thoát nước và các công trình công cộng khác, bảo đảm vệ sinh môi trường.
2.1.5.3. Quản lý về đầu tư xây dựng
Việc quản lý đầu tư xây dựng chính là việc ban hành các văn bản quy định các vấn đề liên quan tới đầu tư xây dựng như thiết kế, nguồn vốn, trên cơ sở đó, giám sát việc thực hiện của chủ đầu tư. Để đảm bảo các chợ được thực hiện đúng theo dự án đầu tư xây dựng và phương án sắp xếp, khai thác các điểm kinh doanh.
Theo điều 5 Nghị định 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ:
- Tất cả các dự án đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa lớn, nâng cấp chợ phải thực hiện theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt; phải thực hiện theo các quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng và được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định hiện hành.
- Thiết kế xây dựng chợ phải đảm bảo số điểm kinh doanh phù hợp với diện tích phạm vi chợ và bố trí ở hướng hợp lý, đón gió mát, tránh nắng nóng trực tiếp, thuận lợi cho khách hàng tiếp cận từ mọi phía, đồng thời mang lại hiệu quả tốt cho cảnh quan khu vực.
- Việc bố trí các công trình trong phạm vi chợ phải thực hiện đúng quy trình quy phạm về xây dựng chợ, trong đó cần chú trọng các nội dung sau:
+ Bố trí đầy đủ mặt bằng và các trang thiết bị phục vụ cho công tác phòng cháy chữa cháy theo quy định hiện hành.
+ Bố trí các công trình cấp thoát nước, khu vệ sinh công cộng, các thiết bị chiếu sáng, thông gió, bảo đảm vệ sinh môi trường trong phạm vi chợ theo các tiêu chuẩn quy định.
+ Bố trí khu để xe có diện tích phù hợp với dung lượng người vào chợ bảo đảm trật tự an toàn và thuận tiện cho khách.
+ Đối với các chợ đầu mối chuyên ngành phải bố trí khu kho bảo quản, cất giữ hàng hoá, phù hợp với các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, quy mô và tính chất của chợ.
- Nguồn vốn đầu tư xây dựng chợ bao gồm: nguồn vốn của các doanh nghiệp, cá nhân sản xuất kinh doanh và của nhân dân đóng góp; nguồn vốn vay tín dụng; nguồn vốn đầu tư phát triển của Nhà nước, trong đó chủ yếu là khuyến khích nguồn vốn của các doanh nghiệp, cá nhân sản xuất kinh doanh và nguồn vốn vay tín dụng.
2.1.5.4. Quản lý hoạt động kinh doanh chợ
a. Tổ chức bộ máy kinh doanh chợ: Ban quản lý chợ, hợp tác xã chợ, doanh nghiệp chợ
Tổ chức bộ máy quản lý kinh doanh chợ là vấn đề quan trọng trong hoạt động kinh doanh chợ. Một tổ chức quản lý chợ chỉ có thể hoạt động hiệu quả khi được tổ chức tốt. Cho tới nay có các hình thức tổ chức quản lý kinh doanh chợ như: Ban quản lý chợ (trực thuộc UBND các cấp hoặc trực thuộc một doanh nghiệp chợ), Hợp tác xã chợ, doanh nghiệp chợ, Trung tâm thương mại địa phương. Cho dù dưới hình thức tổ chức quản lý kinh doanh nào thì việc tổ chức bộ máy quản lý chợ cũng tuân theo những nguyên tắc cơ bản của công tác tổ chức quản lý kinh doanh như: chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức.... Nhìn chung đơn vị quản lý và kinh doanh chợ có các nhiệm vụ chủ yếu sau:
- Tổ chức kinh doanh các dịch vụ tại chợ.
- Phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, an ninh, an toàn thực phẩm. - Xây dựng nội quy chợ.
- Bố trí sắp xếp mặt bằng kinh doanh trong chợ. - Ký hợp đồng và cho thuê địa điểm kinh doanh.
- Phổ biến chính sách, quy định của pháp luật về nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh trong chợ.
- Tổng hợp tình hình và báo cáo định kỳ cho các cơ quan quản lý nhà nước theo hướng dẫn. Ngoài ra đơn vị quản lý kinh doanh chợ còn một số nhiệm vụ khác tùy theo tình hình cụ thể ở từng địa phương (Phạm Quang Thao, 2008).
b. Quản lý hàng hóa kinh doanh trong chợ
Trong nền kinh tế thị trường, vì lợi nhuận, nhiều tổ chức, cá nhân đã và đang sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, mất vệ sinh thậm chí gây độc hại, gây nguy hiểm đến sức khỏe, sự an toàn và tính mạng của con người... Việc quản lý, kiểm tra và phối hợp với các cơ quan chức năng để kiểm soát thị trường hàng hóa trên địa bàn chợ sẽ góp phần phát hiện, ngăn chặn, hạn chế bớt những hành vi vi phạm trên nhằm bảo vệ lợi ích người tiêu dùng. Ngoài ra, quản lý hàng hóa kinh doanh trong chợ còn góp phần bảo vệ lợi ích của những nhà sản xuất kinh doanh chân chính, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh ngay trong phạm vi của chợ cũng như thị trường. Nội dung quản lý hàng hóa kinh doanh trong chợ gồm:
+ Quản lý danh mục hành hóa lưu thông trong chợ: hàng hóa, dịch vụ kinh doanh tại chợ là hàng hóa, dịch vụ không thuộc danh mục pháp luật cấm.
+ Quản lý số lượng hàng hóa kinh doanh trong chợ: số lượng hàng hóa đưa vào trong chợ cần đáp ứng đủ cơ số hợp lý và chỉ được để trong phạm vi quầy tủ hoặc ki ốt, không được lấn chiếm hành lang và phải đảm bảo mỹ quan và công tác phòng chống cháy nổ trong chợ.
+ Quản lý chất lượng hàng hóa lưu thông trong chợ: không để hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhái lưu thông trong chợ, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm (Phạm Quang Thao, 2008).
c. Quản lý thương nhân
Chợ là thị trường thu nhỏ, nơi diễn ra các hoạt động thương mại. Thương nhân kinh doanh trong chợ là đối tượng chính thực hiện các hoạt động thương mại đó. Các thương nhân kinh doanh trong chợ có thể là các cá nhân, doanh nghiệp, hộ cá thể thuộc các thành phần kinh tế được pháp luật thừa nhận. Do đó có thể nói thương nhân chính là một bộ phận cấu thành nên chợ, không có các thương nhân thì sẽ không có chợ. Thương nhân là đối tượng chính đem lại nguồn thu cho các nhà đầu tư kinh doanh chợ (Phạm Quang Thao, 2008).
Quản lý thương nhân là một bộ phận quan trọng trong quản lý thương mại. Mặt khác, quản lý đối với thương nhân phải có sự liên hệ và gắn chặt với quản lý nhà nước theo từng vùng lãnh thổ và từng không gian. Vì vậy quản lý nhà nước đối với các thương nhân hoạt động kinh doanh trong chợ thì ngoài khung quản lý chung cho tất cả các thương nhân trên thị trường rất cần phải có những hoạt động quản lý riêng phù hợp với những đặc thù của chợ. Đơn vị quản lý chợ được nhà nước giao nhiệm vụ tổ chức các hoạt động quản lý đặc thù này. Nội dung quản lý thương nhân kinh doanh trong chợ trên góc độ quản lý nhà nước về thương mại gồm:
+ Xây dựng các quy chế cho các hoạt động kinh doanh của thương nhân trong chợ nhằm hướng dẫn, phổ biến các quy định của nhà nước về quyền và nghĩa vụ của thương nhân và đảm bảo việc thực hiện những quy tắc đã được ban hành đó bằng các công cụ của ban quản lý chợ.
+ Thực hiện sự hỗ trợ (trực tiếp hoặc gián tiếp) đối với các thương nhân theo các phương thức khác nhau như hoàn thiện các công trình hạ tầng của chợ, phổ biến thông tin thị trường, chính sách của nhà nước, hỗ trợ các giao dịch với cơ quan quản lý nhà nước (như cấp đăng ký kinh doanh, chế độ thuế).
+ Giám sát hoạt động của thương nhân: Trong cơ chế thị trường, nhà nước không can thiệp trực tiếp vào các hoạt động của thương nhân. Nhưng không phải vì thế mà thương nhân có thể tự do tùy tiện hoạt động mà không bị khống chế, ràng buộc bởi khuôn khổ pháp luật và sự kiểm tra, giám sát của nhà nước. Thực tế cho thấy, thương nhân càng mở rộng và phát triển hoạt động thương mại, nhà nước càng phải tăng cường các hoạt động kiểm tra giám sát. Đối với thương nhân kinh doanh trong chợ, đơn vị quản lý chợ là đối tượng chủ yếu thực hiện chức năng giám sát này. Nếu việc kiểm tra giám sát của đơn vị quản lý chợ bị buông lỏng thì kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động thương mại của thương nhân tại chợ sẽ bị phá vỡ, ngược lại sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến hoạt động thương mại của thương nhân (Phạm Quang Thao, 2008).
d. Quản lý tài chính
Quản lý tài chính chợ là một bộ phận trong hoạt động quản lý kinh doanh chợ. Nó gồm một số nội dung sau:
+ Các khoản thu chính từ hoạt động chợ: thu từ cho thuê địa điểm kinh doanh; thu từ các dịch vụ như cấp điện, nước, trông giữ xe, bảo vệ, quảng cáo... và các nguồn thu khác: thu được trích lại theo hợp đồng ủy nhiệm thu, thu tiền phạt, thu bồi thường hợp đồng.
+ Các khoản chi: thực hiện theo luật doanh nghiệp và các quy định của pháp luật (Phạm Quang Thao, 2008).
e. Quản lý vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm trong chợ
- Quản lý vệ sinh môi trường trong chợ là việc quản lý, khắc phục và phòng chống nguy cơ ô nhiễm môi trường chợ. Gồm:
+ Quản lý chất thải trong chợ: các chất thải trong chợ có khối lượng rất lớn, thành phần đa dạng, sự tồn đọng của rác thải sẽ tạo điều kiện cho nhiều loại vi sinh vật phát triển và gây ô nhiễm thực phẩm, nguồn nước và ảnh hưởng tới sức khỏe của con người. Vì vậy rác thải sau khi quét dọn cần phải được cho vào thùng đựng rác đúng quy cách và hàng ngày phải thu gom, vận chuyển đến nơi