Với nền kinh tế thị trường phát triển ở trình độ tư nhân hoá cao, các nước phát triển và đang phát triển dành vốn đầu tư XDCB vào phát triển cơ sở hạ tầng, các cơ sở kinh tế lớn mà tư nhân không thể đầu tư được và dùng chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua con đường tín dụng Nhà nước. Đầu tư vào các cơ sở sản xuất chủ yếu là các doanh nghiệp tư nhân, các tập đoàn kinh doanh. Gần chúng ta hơn là các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Thái lan... là những nước sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư XDCB hơn so với các nước trong khu vực với hệ số ICOR thấp hơn 3 - 4 lần.
- Kinh nghiệm Bra-xin
Đầu tư công ở Bra-xin (tỷ lệ so với GDP) đã liên tục giảm trong giai đoạn kể từ năm 1984. Xu hướng cắt giảm đầu tư công đã ảnh hưởng đến cả quy mô và chất lượng của các dịch vụ hạ tầng được Chính Phủ Bra-xin cung ứng.
Trên thực tế, tỷ lệ đầu tư công so với GDP giảm chủ yếu là do Bra-xin xin thực hiện cắt giảm đầu tư của chính Phủ Trung ương. Nguyên nhân chính của tình trạng này là định hướng điều chỉnh tài khóa của Bra-xin. Kể từ năm 1994, Bra-xin thực hiện kiểm soát chặt chẽ hơn đối với tài chính công nhằm giảm áp lực thâm hụt tài khóa.
Tuy nhiên, việc quản lý và thực hiện đầu tư công trong từng lĩnh vực còn một số hạn chế như ngành giao thông vận tải, ngành logistics. Vấn đề quan trọng ở đây là không nhận thức đầy đủ được tầm quan trọng của quản lý đầu tư công, bất cập về năng lực lập kế hoạch, khu vực tư nhân chưa chủ động tham gia các hoạt động đầu tư cơ bản, thủ tục hành chính, hải quan nhiêu khê, môi trường pháp lý – với nhiều cơ quan đề ra các thủ tục chồng chéo, trùng lặp – cũng tỏ ra thiếu hiệu lực... (Vũ Sỹ Cường và cs., 2014).