Phần 4 Kết quả và thảo luận
4.5. Hiệu quả sử dụng đất sản xuất nông nghiệp trước và sau khi thực hiện
4.5.4. Nhận xét chung về quá trình dồn điền đổi thửa trên địa bàn huyện Thanh
Thanh Liêm
Trong những năm gần đây nhờ ứng dụng mạnh mẽ các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Thanh Liêm nói riêng và cả nước nói chung đã đạt được những thành tựu hết sức to lớn, nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác góp phần nâng cao mức sống về vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn, có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Đây là một trong những nội dung quan trọng góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, khai thác tốt tiềm năng đất đai quá trình dồn điền đổi thửa nhằm khắc phục những manh mún, tạo thành các ô thửa lớn là một quá trình tất yếu. Thực tế việc sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn huyện thông qua các kiểu sử dụng đất chính đã chứng minh tính đúng đắn của chủ trương này.
Nếu như trước đây mỗi hộ được chia từ 4 - 10 thửa đất theo kiểu bình quân xã hội chủ nghĩa, có xấu, có tốt, có xa có gần, có những thửa diện tích chỉ vài chục m2, cách nhà vài km, hệ thống bờ vùng, bờ thửa chiếm diện tích đất rất lớn, hệ thống thủy lợi nhỏ hẹp, chất lượng kém thì đến nay, thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa một hộ dân trong huyện đã giảm số thửa một cách đáng kể, trung bình mỗi hộ chỉ còn từ 2 - 3 thửa, rất nhiều hộ gia đình chỉ còn 1 thửa, diện tích các thửa đất cũng đã tăng lên, hình thành hàng trăm trang trại quy mô lớn. Đồng ruộng được quy hoạch lại, hệ thống giao thông, thủy lợi được cải tạo, xây mới, kiên cố hóa, giúp chủ động tưới tiêu, giảm các chi phí không đáng có.
Sau dồn điền đổi thửa hộ nông dân đã yên tâm đầu tư sản xuất, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất từ đó đã làm tăng năng suất cũng như chất lượng cây trồng vật nuôi, mở rộng thị trường, giao lưu với các thị trường lân cận và dần dần tiến đến sản xuất hàng hóa quy mô lớn.
DĐĐT không những tạo nên sự thay đổi lớn bộ mặt kinh tế nông thôn mà còn có những tác động không nhỏ đến mọi mặt của đời sống xã hội ở nông thôn. Việc dồn điền đổi thửa, giao đất ổn định, lâu dài cho người dân đã khiến người nông dân
yên tâm đầu tư sản xuất, không xảy ra tranh chấp, khiếu kiện gây mất đoàn kết trong dân. Đồng ruộng được quy hoạch, hệ thống kênh mương được cải tạo, kiên cố đã giúp chủ động tưới tiêu, mở rộng các diện tích canh tác, tăng vụ, thâm canh, hình thành các trang trại đã tạo ra rất nhiều việc làm mới, giảm thời gian nông nhàn, giúp người nông dân yên tâm gắn bó với đồng ruộng. Cùng với việc phát triển sản xuất thì hệ thống dịch vụ, thị trường cũng thay đổi theo vì thế lại càng tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, nhờ vậy mà bộ mặt nông thôn ngày càng thay đổi.
Ngoài ra, dồn điền đổi thửa cũng có những tác động không nhỏ đến môi trường sống. Việc quy hoạch lại đồng ruộng, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, người nông dân có điều kiện tiếp cận với khoa học, với thông tin nên cũng đã sử dụng các loại phân bón và thuốc BVTV khoa học và hợp lý hơn, chú trọng việc cải tạo phục hồi đất bằng cách tăng cường lượng phân chuồng, phân xanh. Người dân đã nhận thức rõ hơn việc bảo vệ môi trường sống nên đã chủ động tìm các biện pháp xử lý ô nhiễm, trong đó có một biện pháp đang được nhân rộng vừa xử lý được ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi và vừa tiết kiệm được chi phí sinh hoạt đó là mô hình sử dụng khí sinh học (Biogas).
Tuy nhiên thực khi thực hiện chính sách dồn điền đổi thửa thì vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Thực chất của công cuộc dồn điền đổi thửa trên địa bàn huyện Thanh Liêm hiện nay mới chỉ dừng lại ở công cuộc chuyển đổi ruộng đất, các hộ nông dân tự nguyện chuyển đổi ruộng đất cho nhau theo chủ trương chung của huyện và vẫn đảm bảo gia đình nào cũng có đất sản xuất, chính vì thế mà số thửa tuy có giảm nhưng diện tích các ô thửa vẫn còn nhỏ, chưa thể tiến đến sản xuất hàng hóa lớn.
Sau dồn điền đổi thửa phần lớn các kiểu sử dụng đất chính trên địa bàn huyện đều cho hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội cao nhưng vấn đề bảo đảm môi trường vẫn là vấn đề cấp thiết. Nhất là khi tiến đến sản xuất lớn thì vấn đề xử lý môi trường lại càng trở nên cấp thiết. Một vấn đề khác cũng đang là nỗi lo lớn của người nông dân đó là vấn đề dịch bệnh, khi quy mô diện tích ngày càng mở rộng thì quy mô đàn cũng tăng theo và cùng với đó là việc kiểm soát dịch bệnh ngày càng trở lên khó khăn và phức tạp. Đây cũng chính là lý do mà hiện nay nhiều hộ nông dân chưa dám đầu tư lớn vào sản xuất.
Một vấn đề ảnh hưởng lớn đến sản xuất đó là nguồn vốn đầu tư, đây là một vấn đề khó khăn lớn ảnh hưởng đến việc phát triển sản xuất. Khi muốn dồn điền
đổi thửa triệt để, hình thành các trang trại quy mô lớn thì vấn đề vốn đầu tư là không thể thiếu. Hiện nay người dân mới chỉ tự mình sản xuất trên chính thửa ruộng nhà mình mà hầu như chưa có các giao dịch thuê, chuyển nhượng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Chính vì thế mà diện tích các ô thửa vẫn còn nhỏ và chưa thể tiến hành sản xuất hàng hóa quy mô lớn.
4.6. ĐỀ XUẤT CÁC GIẢI PHÁP ĐỂ NÂNG CAO HIỆU QUẢ SỬ DỤNG ĐẤT TRONG CÔNG TÁC DỒN ĐIỀN ĐỔI THỬA