Quá trình tổ chức thực hiện dồn điền đổi thửa

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu ảnh hưởng của dồn điền đổi thửa đến hiệu quả sử dụng đất của hộ nông dân ở huyện thanh liêm, tỉnh hà nam (Trang 83 - 87)

4.3.2.1. Mục đích

- Tiếp tục khắc phục tình trạng manh mún ruộng đất, tạo ra các ô thửa có diện tích lớn, các vùng sản xuất chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hoá, bền vững; đảm bảo theo quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới được phê duyệt. Phấn đấu sau thực hiện dồn điền đổi thửa mỗi hộ còn từ 1 đến 2 thửa.

- Thông qua dồn điền đổi thửa để dồn đổi lại quỹ đất công và phân định cụ thể đất công ích, đất dự trữ theo quy hoạch; đặc biệt đất quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; làm cơ sở để việc quản lý, sử dụng đất đai đảm bảo theo quy hoạch, kế hoạch và pháp luật.

- Thiết lập hệ thống hồ sơ địa chính đảm bảo đồng bộ để quản lý, sử dụng quỹ đất nông nghiệp của các xã, thị trấn được hiệu quả và chặt chẽ hơn.

4.3.2.2. Yêu cầu

- Tập trung cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền và sự tham gia của cả hệ thống chính trị về công tác thực hiện dồn điền đổi thửa.

- Tổ chức tuyên truyền chủ trương của Đảng, nhà nước để nhân dân hiểu rõ dồn điền đổi thửa mang lại lợi ích thiết thực cho chính các hộ sử dụng đất và đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn; từ đó các hộ tự nguyện thực hiện việc dồn điền đổi thửa.

- Đảm bảo công khai dân chủ và tuân thủ những quy định của pháp luật. - Sau khi hoàn thành việc chuyển đổi, triển khai công tác đo vẽ bản đồ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhằm tạo điều kiện cho người sử dụng đất thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.

4.3.2.3. Nguyên tắc thực hiện

- Trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch xây dựng nông thôn mới đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, UBND cấp xã thông báo tới các thôn để thống nhất xác định vị trí, diện tích, các loại đất nông nghiệp theo quy hoạch chuyển mục đích sử dụng đất sang các mục đích sử dụng đất khác, đặc biệt xác định vị trí, diện tích đất quy hoạch giao thông, thuỷ lợi nội đồng và các công trình phúc lợi công cộng lên sơ đồ để công khai cho toàn thể nhân dân được biết.

- Phương án DĐĐT phải tuân thủ theo Luật đất đai và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Các xã, thị trấn có trách nhiệm lập phương án DĐĐT cho từng thôn theo hướng các hộ nông dân đã được giao ruộng theo địa bàn thôn tại thời điểm năm 1993.

- Phần diện tích đất đã tự chuyển đổi, chuyển nhượng và đang sử dụng đất sang trồng cây lâu năm, làm trang trại phù hợp với quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì tiếp tục được sử dụng ổn định đầu tư sản xuất nông nghiệp theo quy định.

- Diện tích để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội, an ninh-quốc phòng, mục đích công cộng,....đã có thông báo chủ trương tiếp nhận đầu tư hoặc thông báo thu hồi đất hoặc quyết định thu hồi đất hoặc các dự án có quy hoạch chi tiết được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc dự án có tính khả thi cao đến năm 2015 thì không đưa vào phương án DĐĐT.

- Những thôn có diện tích đã thu hồi đất và diện tích các dự án quy hoạch vào các mục đích phi nông nghiệp để phát triển kinh tế-xã hội chiếm khoảng 2/3 diện tích đất nông nghiệp của thôn thì không thực hiện DĐĐT.

- Phải đặt dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của cấp uỷ Đảng, chính quyền; sự phối hợp của các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và tham gia ý kiến của nhân dân.

- Tạo sự đồng thuận của nông dân, ổn định tình hình an ninh nông thôn; bám sát mục tiêu, chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015 và những năm tiếp theo.

- Trên cơ sở diện tích đất nông nghiệp các hộ đang sử dụng ổn định để dồn điền đổi thửa, không đặt vấn đề xem lại những nội dung đã thực hiện trước đây.

- Gắn thực hiện dồn điền đổi thửa với việc tổ chức thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp và quy hoạch sử dụng đất; tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ sử dụng đất thực hiện các quyền: chuyển đổi, chuyển nhượng đất nông nghiệp theo quy định của Luật Đất đai nhưng không được làm thay đổi mục đích sử dụng đất.

- Thông qua dồn điền đổi thửa vận động các hộ gia đình, cá nhân hiến diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng để thực hiện xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ trực tiếp cho việc sản xuất và đời sống của các hộ.

- Trong quá trình dồn điền đổi thửa tùy điều kiện chất lượng đất đai, điều kiện thuận lợi cho thâm canh của từng xứ đồng cụ thể của từng địa phương để vận dụng việc phân nhóm đất và xác định hệ số dồn đổi (hệ số K) được các hộ dân bàn bạc, thống nhất:

Phân nhóm đất: Trừ các thửa đất, phần diện tích đất dành cho quy hoạch vào các mục đích phi nông nghiệp; các thửa đất, diện tích đất công ích. Toàn bộ diện tích còn lại giao cho các hộ nông dân được phân loại theo từng nhóm đất. Những căn cứ phân nhóm đất:

+ Chất đất (đất tốt, xấu và khả năng cho năng xuất). + Điều kiện tưới tiêu (thuận lợi hay khó khăn). + Độ cao tương đối (chân cao, vàn, trũng).

+ Vị trí thửa đất (xa, gần hoặc đi lại khó khăn, thuận lợi).

Những căn cứ phân loại nhóm đất trên đây chủ yếu dựa vào thực trạng ruộng đất của địa phương. Những thửa đất có các điều kiện nêu trên tương tự nhau được xếp cùng loại. Trường hợp yếu tố này hơi thấp, nhưng yếu tố khác lại cao hơn (có thể bù trừ nhau) được xếp cùng loại.

Việc phân nhóm đất được thực hiện cụ thể theo từng thôn. Việc sắp xếp những thửa đất nào vào cùng một loại và mỗi thôn phân chia đất đai ra làm mấy loại do các hộ nông dân tự bàn bạc, tự thảo luận và đánh giá.

Xác định hệ số quy đổi: Phương pháp DĐĐT chủ yếu là phương pháp rút, bù diện tích. Việc xác định hệ số (K) phải cho các hộ nông dân công khai bàn bạc, tính toán, quyết định phù hợp với các điều kiện, đặc điểm cụ thể của vùng sản xuất nông nghiệp, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng nông thôn mới đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt ở từng thôn trong xã.

+ Trên cơ sở đã xác định được vị trí, diện tích đất nông nghiệp để thực hiện DĐĐT lên trên sơ đồ, Tiểu ban ở từng thôn tiến hành thảo luận cùng người nông dân thống nhất dự kiến hệ số “K” cho từng khu vực và khoanh định cụ thể các khu vực có hệ số “K” tương ứng lên trên sơ đồ.

+ Tổ chức công khai dự kiến khoanh định vùng, khoảnh và hệ số “K” trên Sơ đồ tại thôn để lấy ý kiến nhân dân hoặc họp dân để thảo luận, bàn bạc thống nhất theo nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số. Trên cơ sở đó, hoàn chỉnh lại việc khoanh định các vùng, khoảnh sản xuất và ghi rõ hệ số “K” tương ứng tại các

khu vực đó theo ý kiến thống nhất của nhân dân. Đây là căn cứ chính thức để tính toán diện tích cho từng hộ thực hiện DĐĐT.

- Trong quá trình thực hiện dồn điền đổi thửa phải đồng thời đo đạc, chỉnh lý hồ sơ địa chính, đảm bảo chính xác so với thực tế để làm cơ sở cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa.

4.3.2.4. Nội dung thực hiện

- Cấp tỉnh, cấp huyện hướng dẫn, theo dõi, chỉ đạo; cấp xã tự làm là chính; lấy thôn hoặc khu dân cư làm địa bàn trực tiếp thực hiện dồn đổi ruộng đất giữa các hộ.

- Căn cứ vào đặc điểm địa hình cụ thể của các xứ đồng, từng khu dân cư để xây dựng phương án dồn đổi ruộng đất tại địa bàn đó cho phù hợp.

- Quá trình đồn đổi ruộng đất phải đảm bảo dân chủ, công khai, tự nguyện gắn chặt với sự chỉ đạo chặt chẽ của các cấp uỷ đảng và chính quyền. Đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, thuyết phục làm chuyển biến nhận thức từ trong Đảng đến quần chúng nhân dân để cùng hưởng ứng thực hiện.

* Các bước thực hiện

- Bước 1: Tuyên truyền, học tập, quán triệt chủ trương và làm công tác chuẩn bị:

+ Họp Đảng bộ, HĐND, UBND xã, các đoàn thể, ban ngành, các khu hành chính và toàn thể nhân dân để tổ chức tuyên truyền và quán triệt chủ chương thực hiện;

+ Thành lập ban chỉ đạo dồn đổi ruộng đất nông nghiệp của xã; ban chỉ đạo xã có nhiệm vụ giúp Đảng uỷ, UBND xã xây dựng kế hoạch dồn đổi ruộng đất nông nghiệp của xã mình, trình UBND huyện phê duyệt và thực hiện phương án được duyệt;

+ Thu thập tài liệu: Tiến hành thu thập tài liệu bản đồ, sổ sách có liên quan, số hộ, số khẩu., diện tích, vị trí...Kiểm tra, đánh giá chất lượng, độ tin cậy và hướng xử lý của từng loại tài liệu thu thập được;

+ Chuẩn bị vật tư, kỹ thuật phục vụ cho công tác này như: thước dây, giấy can, bút..., đảm bảo đầy đủ so với khối lượng công việc.

- Bước 2: Xây dựng kế hoạch dồn đổi ruộng đất và lập phương án dồn đổi ruộng đất ở cấp huyện và cấp xã:

+ Cấp huyện căn cứ vào Chỉ thị của ban thường vụ huyện uỷ, kế hoạch thực hiện của UBND huyện tiến hành xây dựng kế hoạch dồn đổi ruộng đất trên địa

bàn theo đúng nội dung và thời gian quy định.

+ Cấp xã căn cứ vào kế hoạch của UBND xã để tiến hành xây dựng phương án dồn đổi ruộng đất tại địa phương: điều chỉnh bổ sung hệ thống giao thông, thuỷ lợi nội đồng, quỹ đất công ích 5% của xã; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi của xã mình. Từng khu dân cư thống kê phân loại ruộng đất hiện có theo 5 loại: rất thuận lợi cho sản xuất; thuận lợi, trung bình; khó khăn và rất khó khăn cho sản xuất.

- Bước 3: Thực hiện dồn đổi ruộng đất trên thực địa, ghi điều chỉnh tên, diện tích thửa đất vào giấy chứng nhận đã được cấp.

Sau khi phương án đã được duyệt, các thôn tổ chức giao nhận đất cho các chủ sử dụng đất trên bản đồ và ngoài thực địa theo phương án được duyệt. Căn cứ vào bản đồ, số khẩu, diện tích từng loại đất của từng khu dân cư đã được UBND xã xác nhận, tiến hành lập danh sách các hộ sử dụng đất của từng khu dân cư trên bản đồ theo thứ tự ưu tiên: ưu tiên ruộng gần, ruộng tốt cho các hộ chính sách, người có công, người già neo đơn,...

Khuyến khích các hộ có khả năng về vốn, kỹ thuật nhận phần đất ở xa hơn, khó khăn hơn; các hộ không thuộc đối tượng ưu tiên nói trên tham ra bốc thăm để xác định vị trí đất cụ thể của từng hộ.

Căn cứ đối tượng ưu tiên và kết quả bốc thăm, Ban chỉ đạo lập danh sách cụ thể về chủ sử dụng đất, diện tích, xứ đồng làm cơ sở cho việc giao nhận đất ngoài thực địa rồi lập biên bản giao đất tại thực địa.

- Bước 4: Tổng kết công tác dồn đổi ruộng đất nông nghiệp và hoàn thiện các nội dung về quản lý đất đai, chỉnh lý hồ sơ địa chính như: chỉnh lý bản đồ, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp sau khi đã thực hiện dồn đổi xong.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu ảnh hưởng của dồn điền đổi thửa đến hiệu quả sử dụng đất của hộ nông dân ở huyện thanh liêm, tỉnh hà nam (Trang 83 - 87)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)