Đa dạng hoá các hình thức cho vay là một vấn đề tất yếu không chỉ cho vay đối với làng nghề truyền thống đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ mà đối với các đối tượng nói chung. Việc áp dụng nhiều hình thức cho vay sẽ đáp ứng nhu cầu vốn của các cơ sở, hộ sản xuất làng nghề đồng thời ngân hàng sẽ sử dụng triệt để, có hiệu quả cơ sở vật chất kỹ thuật và đội ngũ cán bộ tín dụng ngân hàng. Điều này sẽ dẫn đến giảm được chi phí quản lý, chi phí hoạt động, lợi nhuận tăng lên, hiệu quả sử dụng vốn của ngân hàng. Hơn nữa nhu cầu về vốn của khách hàng là rất đa dạng mà việc áp dụng nhiều hình thức cho vay khác nhau là cần thiết, nó sẽ giúp ngân hàng tránh được nhiều rủi ro không đáng kể.
Mở rộng hình thức cho vay theo hạn mức tín dụng
Hiện tại cho vay đối với làng nghề truyền thống đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ tại BIDV chi nhánh Từ Sơn phần lớn là áp dụng phương thức cho vay từng lần, một số ít các món vay là cho vay theo phương thức hạn mức tín dụng. Trong thời gian tới ngân hàng cần mở rộng phương thức cho vay theo hạn mức tín dụng đối với các hộ, cơ sở sản xuất có đủ điều kiện nhằm đơn giản thủ tục, giảm hồ sơ vay vốn đồng thời tiết kiệm chi phí cho cả ngân hàng và khách hàng, đáp ứng kịp thời vốn cho làng nghề đặc biệt là các cơ sở có nhu cầu vốn thường xuyên.
Triển khai áp dụng hình thức tín dụng cho thuê tài chính đối với các làng nghề
Cho thuê tài chính là hoạt động cho vay trung và dài hạn giữa bên cho thuê và bên đi thuê trên cở sở hợp đồng cho thuê máy móc thiết bị và các động sản khác. Khi triển khai hình thức tín dụng này ngân hàng sẽ mua máy móc thiết bị theo yêu cầu của các hộ, cơ sở sản xuất và nắm quyền sở hữu với tài sản thuê; khách hàng nắm quyền sử dụng tài sản thuê và có trách nhiệm định kỳ thanh toán tiền thuê. Khi kết thúc thời hạn thuê bên thuê có quyền mua lại hoặc tiếp tục thuê hoặc trả lại tài sản thuê.
Tại các làng nghề truyền thống đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ số doanh nghiệp là khá nhiều nếu mạnh dạn áp dụng phương thức này sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp có được công nghệ hiện đại và đồng bộ để sản xuất ra sản phẩm có chất lượng cao. Mặt khác, do sản xuất ở nhiều làng nghề thường mang tính thời vụ nên nếu áp dụng hình thức này sẽ giúp họ tiết kiệm được những chi phí phát sinh khi máy không được sử dụng đồng thời khách hàng chỉ phải trả tiền thuê nên tiết kiệm được số tiền để mua nguyên liệu, trả lương… BIDV Việt Nam đã thành lập công ty cho thuê tài chính và bước đầu phát triển, đối tượng tìm đến đa phần là doanh nghiệp ngoài quốc doanh. BIDV chi nhánh Từ Sơn cần xây dựng đề án cụ thể để triển khai, phát triển tích cực nghiệp vụ này.
Đẩy mạnh cho vay đối với làng nghề qua các tổ chức trung gian:
Cho vay qua tổ chức trung gian là hình thức cho vay gián tiếp. Ngân hàng có thể chuyển một vài khâu của hoạt động cho vay sang các tổ chức trung gian như thu nợ, phát tiền vay….
Đa số khách hàng ở làng nghề truyền thống đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ đều phân tán, nằm sâu trong các ngõ xóm, điều kiện đi lại khó khăn, nhiều món vay nhỏ lẻ; chi phí hoạt động của ngân hàng cũng như chi phí giao dịch của khách hàng tăng cao làm giảm hiệu quả hoạt động từ cả hai phía. Mặt khác, do số lượng khách hàng ở các làng nghề lớn trong khi cán bộ tín dụng là không nhiều nên một cán bộ tín dụng phải phụ trách nhiều khách hàng từ 60 – 80 hộ, cơ sở sản xuất. Đây là nguyên nhân dẫn đến phát sinh nợ quá hạn hay tâm lý e ngại khi cho vay với khu vực này. Để khắc phục tình trạng trên, ngân hàng cần mở rộng hình thức tín dụng gián tiếp.
Ngân hàng cho vay qua tổ, hội, đội như: tổ hợp tác, Quỹ tín dụng nhân dân, hội phụ nữ, hội nông dân…Các tổ chức này sẽ đứng ra bảo lãnh cho các thành viên trong hội vay vốn của ngân hàng nhằm mục đích phát triển kinh tế cho các thành viên trong hội
Khi cho vay thông qua tổ chức như: Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức hội, đoàn thể… ngân hàng sẽ mua lại các giấy nợ trong hạn của Quỹ tín dụng nhân dân, các hội, các đoàn thể. Các tổ chức này thường gần với các làng nghề và có quan hệ gần gũi do vậy mà xác định đúng nhu cầu vay vốn và đảm bảo khả năng trả nợ tiền vay của khách hàng. Đối với những làng nghề cách xa ngân hàng, việc thu thập thông tin về khách hàng là rất khó khăn thì hình thức này tỏ ra có ưu thế rõ rệt mặc dù mạng lưới của chi nhánh đã rộng khắp toàn tỉnh.
Ngân hàng cũng nên đẩy mạnh cho vay qua tổ nhóm hợp tác. Tổ, nhóm hợp tác là loại hình mới xuất hiện ở các làng nghề truyền thống đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ tuy số lượng chưa nhiều nhưng đã tỏ ra có ưu thế rõ rệt. Đặc trưng của mô hình này là một số hộ sản xuất kết hợp với nhau thành lập tổ sản xuất và bầu ra một chủ hộ giỏi nhất và có uy tín làm tổ trưởng. Tổ hợp tác sẽ cùng nhau tìm thị trường đầu vào cung cấp nguyên liệu, sản suất sản phẩm và tìm thị trường đầu ra. Bên cạnh đó tổ hợp tác còn có thể ký chung một hợp đồng tín dụng. Điều này sẽ làm giảm chi phí cho ngân hàng bởi thay vì phải thẩm định, kiểm tra nhiều hợp đồng tín dụng thì CBTD chỉ phải kiểm tra một hợp đồng. Đối với các thành viên trong tổ hợp tác sẽ nhận được vốn vay mặc dù họ không có hoặc không đủ tài sản thế chấp. Như vậy, mô hình tổ chức nhóm sẽ buộc các chủ hộ phải giám sát, đồng thời giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình sử dụng tiền vay để hạn chế rủi ro phát sinh. Bên cạnh đó tổ hợp tác còn giúp ngân hàng trong khâu thẩm định dự án vốn vay cẩn thận, chu đáo ở các cơ sở trước khi gửi dự án lên ngân hàng, ấn định mức vay phù hợp với nhu cầu thực tế của từng đối tượng không quá cao hay quá thấp.
Ngân hàng có thể cho vay qua các người buôn. Họ là các doanh nghiệp, công ty, cửa hàng cung cấp nguyên liệu và thu mua sản phẩm của làng nghề. Việc cho vay theo cách này có thể hạn chế người vay sử dụng sai mục đích. Quá trình cho vay sẽ được tiến hành như sau:
- Ngân hàng sẽ ký hợp đồng tín dụng với các cơ sở làng nghề. - Người vay mua hàng và bán hàng.
- Các nhà buôn tập trung hóa đơn bán hàng gửi lên ngân hàng đề nghị thanh toán. Sau đó ngân hàng thu nợ của người vay.
Khi cho vay với hình thức này ngân hàng sẽ nắm chắc được số tiền cho vay được dùng cho việc mua nguyên liệu hay tiêu thụ sản phẩm, khắc phục rủi ro đối với cho vay trực tiếp do thị trường tiêu thụ và cung cấp nguyên liệu không ổn định, phụ thuộc vào các nhà buôn và các nhà cung cấp nguyên liệu ở các tỉnh lân cận. Tuy nhiên khách hàng chưa quen với cách sử dụng và lập các chứng từ cũng như hình thức này. Do vậy CBTD cần phải hướng dẫn họ về cách lập chứng từ, qui trình để họ hiểu rõ được những ưu điểm của hình thức cho vay này.