2.1.3.1 Quy trình, thủ tục cho vay làng nghề của ngân hàng thương mại
Quy trình thủ tục vay vốn tại ngân hàng được thực hiện theo các bước sau: - Tiếp thị khách hàng
Các cán bộ tín dụng tiếp nhận yêu cầu vay vốn từ khách hàng, tiến hành đánh giá phân tích triển vọng khách hàng, đánh giá phương án sản xuất kinh
doanh, dự án đầu tư… sau đó lập báo cáo đề xuất tín dụng trình lên lãnh đạo phòng quan hệ khách hàng tại chi nhánh và trình lên hội sở chính. Khi báo cáo đề xuất tín dụng được chấp nhận, hồ sơ tín dụng được chuyển cho bộ phận quản lý rủi ro để thẩm định rủi ro (Trần Thanh Bình, 2012).
- Thẩm định rủi ro
Đề xuất tín dụng phải được rà soát lại một cách độc lập bởi bộ phận quản lý rủi ro tín dụng (không tiếp xúc với khách hàng để hạn chế rủi ro đạo đức). Nếu đề xuất tín dụng được đánh giá là không hoàn chỉnh hoặc không đầy đủ, bộ phận quản lý rủi ro tín dụng sẽ nhận xét và chuyển trả lại bộ phận đề xuất tín dụng. Ngược lại, bản đề xuất tín dụng và nhận xét của bộ phận quản lý tín dụng được chuyển lên cấp có thẩm quyền phê duyệt tín dụng phù hợp (Trần Thanh Bình, 2012).
- Phê duyệt cấp tín dụng
Quyết định phê duyệt được thực hiện bởi hội đồng tín dụng, hoặc trưởng/phó phòng, trưởng/phó chi nhánh, tách biệt với chức năng khởi tạo tín dụng và đánh giá rủi ro. Người phê duyệt có thể phê duyệt hoặc bác bỏ đề xuất tín dụng hoặc quyết định tạm ngừng đề xuất tín để yêu cầu thông tin bổ sung.
- Thực hiện thủ tục cấp tín dụng (các thủ tục sau khi được phê duyệt) Cán bộ ngân hàng soạn thảo dự thảo hợp đồng tín dụng (loại hình tín dụng, mục tiêu vay vốn, hạn mức, lãi suất, thời hạn tín dụng và thời hạn trả nợ, điều kiện đảm bảo…). Hợp đồng tín dụng sẽ được phòng quản lý rủi ro tín dụng kiểm soát lại, sau đó chuyển cho cán bộ phòng khách hàng để thương lượng hợp đồng với khách hàng và lấy đủ chữ ký. Nếu khách hàng không chấp nhận được bản thảo hợp đồng hoặc yêu cầu sửa đổi thì một đề xuất sửa đổi phải được lập và phê duyệt trước bởi cùng một cấp phê duyệt đã phê duyệt ban đầu. Toàn bộ hợp đồng tín dụng và hồ sơ vay vốn cuối cùng phải được kiểm soát bởi phòng quản lý rủi ro tín dụng.
- Giải ngân/Phát hành thẻ
Khi khách hàng có yêu cầu rút vốn cùng với hợp đồng đã ký kết hoàn chỉnh. Yêu cầu này được gửi cho cán bộ phòng khách hàng, sau đó tới bộ phận quản lý tín dụng để xử lý tác nghiệp.
Bộ phận quản lý tín dụng sẽ kiểm tra mục đích của khoản rút vốn và kiểm tra tính hoàn chỉnh của hợp đồng/hồ sơ vay vốn.
- Quản lý tín dụng
Cán bộ phòng khách hàng thường xuyên kiểm tra việc sử dụng vốn vay thực tế của khách hàng, hiện trạng tài sản đảm bảo, tình hình tài chính của khách hàng… để đảm bảo khả năng thu nợ hoặc có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện những dấu hiệu bất thường.
- Điều chỉnh/sửa đổi tín dụng
Trong suốt thời hạn của hợp đồng vay, có thể khách hàng hoặc ngân hàng có yêu cầu điểu chỉnh/sửa đổi các điều khoản trong hợp đồng tín dụng (xin rút thêm vốn, điều chỉnh lãi suất, tài sản đảm bảo, giảm hạn mức…). Cả ngân hàng và khách hàng đều phải thảo luận về những điều chỉnh/sửa đổi này trên cơ sở đảm bảo an toàn và sinh lời cho ngân hàng cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng.
- Thu nợ, lãi và phí
Phòng quản lý tín dụng gửi thông báo cho khách hàng và cán bộ phòng khách hàng có trách nhiệm liên hệ với khách hàng để trao đổi về khả năng, ý định trả nợ vào ngày đáo hạn của khách hàng. Từ đó xác định việc có gia hạn nợ và trích lập dự phòng rủi ro hay không (Trần Thanh Bình, 2012).
- Xử lý thu hồi nợ quá hạn
Cán bộ phòng khách hàng thông báo cho khách hàng ngay khi có nợ quá hạn phát sinh, phân tích nguyên nhân nợ quá hạn, đôn đốc khách hàng trả nợ, đề xuất với cấp có thẩm quyền phê duyệt biện pháp thu hồi nợ quá hạn.
Phòng quản lý rủi ro kết hợp với phòng khách hàng rà soát, phân tích nguyên nhân và đề xuất biện pháp xử lý, kiểm tra đối chiếu số nợ gốc, phí, lãi phạt quá hạn…
- Thanh lý hợp đồng, giải tỏa bảo lãnh
Khi khách hàng đã trả hết nợ gốc, lãi, phí… phòng quan hệ khách hàng, dịch vụ khách hàng đối chiếu kiểm tra lại số tiền thu nợ gốc, lãi, phí… để tất toán hồ sơ tín dụng, giải chấp các hợp đồng đảm bảo, thanh lý các hợp đồng (nếu có). Bộ phận quản trị tín dụng chịu trách nhiệm lưu trữ hồ sơ tín dụng đã tất toán theo quy định của ngân hàng Nhà nước (Trần Thanh Bình, 2012).
2.1.3.2. Tình hình cho vay làng nghề của ngân hàng thương mại
Doanh thu từ hoạt động cho vay mới bù đắp nổi chi phí tiền gửi, chi phí dự trữ, chi phí kinh danh và quản lý, chi phí vốn trôi nổi, chi phí thuế các loại và các chi phí rủi ro đầu tư.
Kinh tế càng phát triển, doanh số cho vay (DSCV) của các NHTM càng tăng nhanh và loại hình cho vay, về phương thức cho vay, về loại khách… ngày càng trở nên vô cùng đa dạng ở hầu hết các nước phát triển hàng đầu thế giới, cho vay của các NHTM đã chuyển dần từ cho vay ngắn hạn sang cho vay dài hạn, khu vực cho vay ngắn hạn nhường chỗ cho thị trường tài chính - tiền tệ cung ứng, ngược lại ở hầu hết các nước đang phát triển, cho vay ngắn hạn vẫn chiếm bộ phận lớn hơn cho vay dài hạn, xuất phát từ chỗ thiếu an toàn cho các khoản đầu tư dài hạn (trong đó có những tác nhân chủ yếu như tình hình tăng trưởng, lạm phát…).
Doanh số cho vay (DSCV) đối với làng nghề là số tiền mà ngân hàng đã giải ngân cho làng nghề thực hiện hoạt động của mình trong một khoảng thời gian nhất định. Đây là số vốn giúp doanh nghiệp đầu tư, cải tiến máy móc thiết bị, ứng dụng công nghệ mới, mở rộng sản xuất kinh doanh hoặc đáp ứng nhu cầu vốn lưu động cho doanh nghiệp. Giá trị và tốc độ của doanh số cho vay qua các năm phản ánh quy mô và xu hướng hoạt động tín dụng là rộng hay hẹp
Doanh số thu nợ (DSTN) là số vốn ngân hàng đã thu hồi được từ khách hàng vay vốn trong một thời kì nhất định. Nó phản ánh việc chấp hành hợp đồng tín dụng của khách hàng và công tác giám sát, quản lý việc sử dụng nguồn vốn của ngân hàng.
Dư nợ tín dụng đối với làng nghề là số tiền mà ngân hàng hiện còn đang cho khách hàng vay tại một thời điểm nhất định (hay là lượng vốn mà doanh nghiệp còn nợ ngân hàng tại một thời điểm cụ thể) được xác định bằng số dư cuối kỳ trên bảng cân đối kế toán của ngân hàng (Phan Thị Thu Hà, 2010).
2.1.3.3. Kết quả cho vay làng nghề của ngân hàng thương mại
Hoạt động cho vay là hoạt động mang lại nguồn thu chủ yếu cho ngân hàng để bù đắp các khoản chi phí và sinh lợi nhuận. Hoạt động của ngân hàng luôn tiềm ẩn những rủi ro và hoạt động cho vay cũng không loại trừ. Vì vậy, trong quá trình hoạt động các ngân hàng luôn quan tâm đến chất lượng hoạt động cho vay do nó có ảnh hưởng quan trọng đến sự tồn tại, phát triển của mỗi ngân hàng. Kết
quả cho vay làng nghề của ngân hàng thương mại bao gồm: a. Quản lý nợ quá hạn
Là khoản nợ mà một phần hoặc toàn bộ nợ gốc và/hoặc lãi đã quá hạn. Chỉ tiêu này phản ánh rõ chất lượng cho vay của ngân hàng. Để đánh giá chỉ tiêu nợ quá hạn, người ta dùng chỉ tiêu tỷ lệ nợ quá hạn, chỉ tiêu này càng thấp thì chứng tỏ chất lượng cho vay của ngân hàng càng cao và ngược lại.
b. Thực hiện trích lập dự phòng rủi ro
Ngân hàng phải thực hiện trích lập dự phòng rủi ro tín dụng bao gồm dự phòng cụ thể và dự phòng chung. Đây cũng là một chỉ tiêu quan trọng phản ánh chất lượng cho vay của ngân hàng trong công tác xử lý rủi ro.
c. Vòng quay vốn tín dụng đối với làng nghề
Để khoản vay được coi là hiệu quả, ngân hàng cần đưa ra các biện pháp nhắm khắc phục, giải quyết các khó khăn vướng mắc trong thủ tục cho vay, khâu thẩm định… tăng cường công tác quản trị rủi ro, thường xuyên quan tâm nghiên cứu dự đoán những biến động của môi trường kinh doanh làng nghề để có những giải pháp xử lý kịp thời, đảm bảo an toàn trong hoạt động cho vay.
Vòng quay vốn tín dụng là một chỉ tiêu đánh giá chất lượng cho vay trên khía cạnh tốc độ luân chuyển vốn của ngân hàng trong việc cho vay làng nghề. Vòng quay vốn tín dụng càng lớn thì hoạt động cho vay làng nghề càng có hiệu quả.
d. Lợi nhuận từ hoạt động cho vay đối với làng nghề
Cho vay là hoạt động kinh doanh chủ yếu của NHTM để tạo ra lợi nhuận. Lợi nhuận là một trong các mục tiêu mà các ngân hàng hướng tới. Vì thế, ngoài những chỉ tiêu đã nêu trên, để đánh giá hiệu quả cho vay còn có thể xem xét đến mức sinh lời của đồng vốn thông qua chỉ tiêu mức sinh lời và tỷ lệ lợi nhuận của hoạt động tín dụng đối với làng nghề (Lê Văn Tú, 2009).
2.1.3.4. Ý kiến đánh giá của khách hàng về dịch vụ cho vay
Để có sự đánh giá khách quan về hoạt động cho vay làng nghề tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Từ Sơn cần phải thực hiện khảo sát ý kiến một số khách hàng. Các khách hàng được khảo sát phần lớn là những khách hàng đã từng sử dụng nhiều dịch vụ của ngân hàng, gắn bó với ngân hàng được một thời gian, điều này sẽ giúp kết quả đạt được khách quan và chính xác hơn. Việc lấy ý kiến khách hàng được thông qua tổng hợp thông tin thu
thập được từ các phiếu điều tra khách hàng và nhu cầu của khách hàng khi sử dụng dịch vụ.
Về đối tượng khảo sát được nghiên cứu theo hai nhóm đối tượng là cá nhân - hộ và doanh nghiệp. Đây là hai nhóm đối tượng mang lại thông tin chính cho quá trình khảo sát và nghiên cứu.
Về yếu tố để khách hàng lựa chọn dịch vụ cho vay của ngân hàng, nghiên cứu tiêu chí này cho ta biết rõ hơn, chi tiết hơn khách hàng biết đến ta, đến với ta, gắn bó với ta vì lý do gì. Vì thủ tục, hình thức, chính sách mà ngân hàng áp dụng, mức lãi suất, qua kênh thông tin nào mà khách hàng chọn vay vốn tại ngân hàng ta… qua đây ngân hàng biết điểm mạnh, điểm yếu của chính ngân hàng mình để duy trì những điểm mạnh và khắc phục những điểm yếu để khách hàng gắn bó lâu dài với ta vì nhiều lý do hơn nữa.
Về phương thức vay, thời hạn vay thu thập ý kiến này để thấy phương thức khách hàng vay phổ biến, phương thức khách hàng ưa dùng để có chiến lược phát triển nhiều hơn các phương thức cho vay, tìm hiểu được lý do khách hàng lựa chọn phương thức đó là do đâu để cung cấp nhiều lựa chọn hơn cho khách hàng. Qua thời hạn vay ta tìm hiểu kĩ hơn mong muốn thời gian vay của khách hàng cũng như mục đích vay của khách hàng để giới thiệu, tư vấn cho họ một cách hợp lý nhất giúp họ chọn được phương thức vay phù hợp. Nhờ đây thu hút được nhiều khách hàng đến với ngân hàng.
Qua việc khảo sát ý kiến khách hàng về các yếu tố sử dụng dịch vụ trong tương lai với mong muốn tìm hiểu xem khách hàng có muốn tiếp tục gắn bó với ngân hàng không chỉ ở dịch vụ cho vay mà còn ở những dịch vụ khách hay không, từ đó đưa ra những chính sách tín dụng, chương trình ưu đãi phù hợp nhằm đảm bảo quyền lợi của khách hàng gắn bó cũng như tạo mối quan hệ tốt giữa ngân hàng và khách hàng.
Về tiêu chí tính chuyên nghiệp và phong cách phục vụ của nhân viên qua nghiên cứu sẽ cho thấy chất lượng nhân viên của ngân hàng để kịp thời đưa ra các biện pháp nâng cao chất lượng nhân viên của ngân hàng cũng chính là nâng cao hiệu quả kinh tế cho chính ngân hàng.
Qua việc đánh giá chất lượng cho vay thông qua ý kiến khách hàng sẽ thấy được ưu nhược điểm, thấy được nhu cầu của khách hàng, những ý kiến đóng góp của khách hàng. Thấy được khách hàng cần gì ở ngân hàng và ngân hàng phải làm gì để đáp ứng được nhu cầu ấy, làm gì để duy trì cũng như phát triển
mở rộng số lượng và chất lượng khách hàng. Đưa ra giải pháp giúp ngân hàng phát triển tốt nhất, giúp khách hàng tin tưởng nhất (Lê Văn Tú, 2009).