Hoàn thiện và nâng cao chất lượng cán bộ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoạt động cho vay làng nghề truyền thống đồ gỗ mỹ nghệ đồng kỵ tại ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển việt nam chi nhành từ sơn (Trang 112 - 113)

Phần 4 Kết quả nghiên cứu và thảo luận

4.3. Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động cho vay làng nghề truyền thống

4.3.3. Hoàn thiện và nâng cao chất lượng cán bộ

Kết luận tín dụng là một yếu tố chủ quan, phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức, đánh giá của cán bộ quan hệ khách hàng và cán bộ thẩm định tín dụng. Để giải quyết được vấn đề trên, một loạt các biện pháp phải được ngân hàng thực hiện nhằm hỗ trợ cho cán bộ tác nghiệp. Các chuẩn mực cho việc đánh giá khách hàng và thẩm định dự án vay vốn là vấn đề cần được giải quyết trước. Nó sẽ tạo ra căn cứ xác thực và đồng thời làm tăng sự tự tin của cán bộ quan hệ khách hàng khi xem xét các đơn xin vay vốn. Do vậy, để các món vay tăng về chất lượng thì nhân tố con người đóng vai trò đặc biệt quan trọng.

Các cán bộ làm công tác liên quan đến hoạt động tín dụng cần được tuyển dụng đúng chuyên ngành tài chính tín dụng ngân hàng vì chỉ có cán bộ có trình độ chuyên sâu về nghiệp vụ tín dụng mới hiểu được bản chất của các hình thức cho vay, phương thức cho vay, lãi suất và các nhân tố ảnh hưởng đến việc ra quyết định cấp tín dụng. Nhờ đó hình thức, phương thức, và lãi suất cho vay mới có thể được lựa chọn đúng, phù hợp với đặc điểm của khách hàng. Kiến thức về kế toán, tài

chính… giúp cho người thẩm định phát hiện ra những điểm đáng ngờ về nguồn vốn và tài sản thể hiện qua báo cáo tài chính, báo cáo kết quả kinh doanh của khách hàng vay, đi tìm nguyên nhân và từ đó nhận định về yêu cầu vay chính xác hơn.

Bên cạnh kiến thức sâu về chuyên môn, cán bộ tín dụng cần có kiến thức tổng hợp về nhiều lĩnh vực liên quan đến ngành nghề mà mình phụ trách như: Nguyên liệu, thị trường, công nghệ, lao động, thị hiếu, nhà đất, các sản phẩm truyền thống… điều đó cũng tham gia rất tích cực vào quá trình thẩm định, phân tích tín dụng và ra quyết định cho vay với làng nghề. Chính vì vậy, việc nâng cao trình đồ cán bộ tín dụng thông qua đào tạo và đào tạo lại là hết sức cần thiết. Ngoài việc tự mình đi học tại các trường lớp, Trung tâm đào tạo, các cán bộ tín dụng phải tham gia nghiên cứu về làng nghề của các nhà chuyên môn, tìm hiểu thực tế, đi sâu sát xuống các làng nghề, giao lưu rộng rãi để bổ sung kiến thức và hiểu biết về làng nghề. Ngân hàng cũng có thể mở rộng các lớp huấn luyện tại chỗ hoặc cử cán bộ đi tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, tham dự các cuộc hội thảo, các chương trình hướng dẫn chuyên đề về làng nghề khuyến khích cán bộ, nhân viên ngân hàng đăng ký tham gia vào các chương trình đào tạo dài hạn.

Ngoài việc đào tạo, việc bố trí, sắp xếp, luân chuyển cán bộ quan hệ khách hàng và cán bộ thẩm định là một trong những việc nên làm, một mặt tạo hứng thú và động lực cho cán bộ, mặt khác giảm thiểu rủi ro đạo đức nghề nghiệp gây ra. Bên cạnh đó ngân hàng nên thực hiện chế độ thưởng, phạt xứng đáng đối với cán bộ, nhân viên, nhất là cán bộ làm việc tại bộ phận quan hệ khách hàng, quản lý rủi ro.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoạt động cho vay làng nghề truyền thống đồ gỗ mỹ nghệ đồng kỵ tại ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển việt nam chi nhành từ sơn (Trang 112 - 113)