2.2.3.1. Tình hình dồn điền đổi thửa ở một số tỉnh
- Đã có 18 tỉnh, thành phố, gần 80 huyện và trên 700 xã, phường, thị trấn tiến hành vận động nhân dân thực hiện chính sách dồn điền đổi thửa.
- Đã có 11 tỉnh vùng ĐBSH với 50/69 huyện, thành thị (52,1%) với 766/2001 xã, phường thị trấn (38,1%) tổ chức thực hiện dồn điền đổi thửa; ở Phú Thọ đã có 13/13 huyện, thị với 253/274 xã, phường, thị trấn tiến hành dồn điền đổi thửa.
- Về số thửa: hầu hết ở các địa phương sau thực hiện DĐĐT, số thửa đều có sự thay đổi theo chiều hướng tích cực, cụ thể: ở Hà Nội (cũ), trước dồn đổi bình quân có 6 thửa/hộ, sau dồn đổi còn 4,8 thửa/hộ; ở Hà Tây (cũ) chỉ tiêu này là 9,5 và 4,8; ở Hải Dương là 9,2 và 3,7.
- Về diện tích mỗi thửa: ở Hà Nội (cũ), trước dồn đổi bình quân diện tích/thửa là 286,9m2, sau dồn đổi là 357m2/thửa; Hà Tây (cũ) chỉ số này là 216m2 và 425m2; Hải Dương là 283m2 và 684m2; Thái Bình là 320m2 và 960m2...Kết quả trên cho thấy, diện tích thửa đất lớn đã tiết kiệm được diện tích đắp bờ, chia ranh giới thửa đất.
- DĐĐT đã tháo gỡ được nhiều vướng mắc như thu hồi nợ đọng của hộ xã viên, giải quyết tình trạng trang chấp, lấn chiếm đất đai, những nghi kỵ, ngờ vực do việc giao đất không công bằng; tạo được không khí hồ hởi, phấn khởi, đoàn kết trong thôn, xóm, khích lệ sản xuất, làm giàu chính đáng.
- DĐĐT đã tạo động lực cho sản xuất phát triển; huy động được nguồn lực kinh tế của hộ nông dân; phát huy tính tự chủ của đơn vị cơ sở, hộ có điều kiện đầu tư thâm canh, bố trí lại cơ cấu sản xuất, thời vụ, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng để tăng vụ, tăng năng suất, lao động, tạo ra nhiều sản phẩm đạt hiệu quả kinh tế cao. Theo số liệu báo cáo của các địa phương, sau thực hiện dồn điền đổi thửa một vài vụ, năng suất cây trồng tăng từ 15 - 20%, giá trị thu nhập tăng từ 13 triệu đồng/ ha/năm lên 18 triệu đồng/ ha/năm và có nhiều diện tích đạt tới 25 - 30 triệu đồng/ ha/năm. Nhiều địa phương sau thực hiện dồn điền đổi thửa đã sắp xếp lại lực lương lao động, rút được lao động dư thừa sang làm ngành nghề khác như sản xuất tiểu thủ công nghiệp ở Thọ Xuân (Thanh Hoá), Từ Sơn, Tiên Du (Bắc Ninh).
- Phần lớn các hộ nông dân sau khi DĐĐT đã tiết kiệm được thời gian lao động, giảm chi phí, giảm công "chạy đồng" trước đây từ nhiều xứ đồng, nhiều
thửa ruộng nay tập trung đầu tư cho 2 - 5 thửa thuộc 2 - 3 xứ đồng, có điều kiện để cải tạo đất, làm kỹ hơn các khâu canh tác, chăm sóc đồng ruộng và ứng phó kịp thời để phòng chống thiên tai và những rủi ro trong sản xuất nông nghiệp.
* Tóm lại: Chính sách DĐĐT đã làm cho đồng ruộng được cải thiện, tạo được những thửa ruộng lớn, thuận lợi cho việc cơ giới hoá, nông dân có điều kiện đầu tư mua sắm máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, giải phóng sức lao động, nhất là những khâu lao động nặng nhọc như làm đất, bơm nước, tuốt lúa...và dịch vụ phục vụ sản xuất trong nông thôn có điều kiện phát triển. Bên cạnh đó, dồn đổi ruộng đất thành công đã làm thay đổi cách nghĩ cách làm của nhiều hộ nông dân: trước đây họ còn do dự, chần chừ với thói quen canh tác trên những thửa ruộng nhỏ lẻ, chật hẹp, nay chuyển sang sản xuất, canh tác trên những thữa ruộng có quy mô lớn hơn khiến cho nếp nghĩ, cách làm cũng vượt khỏi tầm suy nghĩ " tự túc, tự cấp" để vươn lên sản xuất hàng hoá, vươn lên làm giàu phù hợp với tiến trình công nghiệp hoá, hiện đaị hoá nông nghiệp nông thôn. 2.2.3.2. Kinh nghiệm ở một số địa phương trong nước
a. Phong trào ở Bắc Ninh: Thực tế sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Bắc Ninh hiện nay cho thấy, ruộng đất chia quá nhỏ, trung bình mỗi hộ 6 - 8 sào thành 10 - 15 mảnh ở các xứ đồng khác nhau. Ruộng đất bị xé lẻ cản trở việc chuyển giao áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, nhất là khâu cơ giới hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nên chi phí lao động cao dẫn đến hiệu quả thấp. Hạn chế này đã được các cấp, các ngành chỉ ra từ lâu, cụ thể là Nghị quyết số 03/NQ-TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc “Chuyển đổi ruộng đất từ ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn. Song việc thực hiện Nghị quyết không triệt để, thiên về vận động các hộ nông dân tự nguyện chuyển đổi nên kết quả không cao, tình trạng ruộng đất manh mún vẫn chưa khắc phục được. Sau Nghị quyết số 03, một số địa phương tiếp tục chuyển đổi ruộng đất ở nhiều mức độ khác nhau. Điển hình là Tiên Du, năm 2003 đã chỉ đạo việc “dồn điền đổi thửa” trên quy mô toàn huyện, kết quả bình quân 13 thửa/hộ, giảm xuống còn 5 thửa/hộ, bước đầu hình thành một số vùng sản xuất tập trung. Tuy nhiên, việc “dồn điền đổi thửa” ở Tiên Du còn hạn chế do chưa quy hoạch lại bờ vùng, bờ thửa, kênh mương nội đồng, ảnh hưởng tới việc đưa cơ giới hóa vào các khâu sản xuất. Với quy mô ruộng đất 5-6 thửa/hộ. Tính chất của các vùng sản xuất tập trung này vẫn chưa chuyên môn hóa, vẫn chỉ dừng lại ở một nhóm hộ có cùng một loại hình sản xuất tập hợp gần nhau. Vì thế năng suất, chất lượng sản phẩm cũng không đồng đều nhau, khó tập trung được một
khối lượng hàng hóa lớn để ký kết các hợp đồng tiêu thụ hoặc xây dựng nhà máy chế biến. Năm 2005, HTX Trúc ổ, xã Mộ Đạo (Quế Võ) đã dồn điền đổi thửa thành công: Với 144ha, 1800 người, 430 hộ, bình quân 780m2/khẩu. Trước DĐĐT trung bình 10 – 15 thửa, sau dồn điền đổi thửa một hộ còn 1 – 3 thửa, có gia đình chỉ còn 1 thửa, diện tích 1,5 – 2 mẫu. Điều đặc biệt là việc dồn điền đổi thửa tại HTX Trúc ổ gắn liền với việc quy hoạch đồng ruộng theo sản xuất tập trung: Nuôi trồng thủy sản 18 ha; sản xuất giống 40 ha; còn lại là cấy lúa hàng hóa. Hợp Tác xã còn quy hoạch lại bờ vùng bờ thửa, kênh mương nội đồng, tạo thuận lợi cho việc tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa. Đến nay, HTX Trúc ổ đã sản xuất được 3 vụ, người dân phấn khởi mạnh dạn đầu tư thâm canh nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi. Sau chuyển đổi ruộng đất đã tạo điều kiện cho HTX Trúc ổ đưa nhanh cơ giới hóa vào phục vụ sản xuất, trước tiên là làm đất tiếp đến khâu thu hoạch và gieo cấy, đồng thời tạo thuận lợi trong việc chuyển giao KHKT. Nâng cao tính chủ động trong điều hành sản xuất HTX như: Xây dựng vùng sản xuất giống, vùng sản xuất lúa hàng hóa. Chủ động điều tiết tưới tiêu nhờ hệ thống kênh cứng đã được xây dựng mới. Ngoài ra còn giảm ngày công lao động, tiết kiệm vật tư nông nghiệp, tỷ lệ hao hụt giảm... Nhờ đó đã góp phần nâng cao năng suất lúa từ 55 tạ lên gần 60 tạ/ha. Thời gian tới, xã Mộ Đạo tiếp tục triển khai dồn điền đổi thửa ở các Hợp Tác xã còn lại, phấn đấu đến đầu năm 2008 thực hiện xong trên địa bàn toàn xã. Rõ ràng việc tích tụ ruộng đất đã mang lại nhiều cơ hội để mỗi địa phương, mỗi gia đình có điều kiện đầu tư thâm canh, đưa cơ giới hóa, thay thế dần lao động thủ công, quy vùng sản xuất hàng hóa, áp dụng tiến bộ KHKT,... đây là những yếu tố cần thiết để hướng tới một nền nông nghiệp hiện đại. Để thực hiện được điều này, trước hết phải xác định rõ đất đai là tài sản, là tư liệu sản xuất không thể thiếu đối với mỗi hộ nông dân. Xóa bỏ tập quán canh tác, manh mún của nông dân là việc làm không đơn giản, vì vậy đòi hỏi phải có sự đồng tâm, hiệp lực của các cấp chính quyền, nhất là sự hợp tác từ phía người dân. Bên cạnh đó, tỉnh huyện cần có chính sách đầu tư cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng trong các khu chuyển đổi như: Đường giao thông nội đồng, đường điện, kiên cố kênh mương,...đồng thời hướng dẫn nông dân áp dụng KHKT nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi để người dân yên tâm sản xuất (Bộ Nông nghiệp & PTNT, 2003).
b. Phong trào ở Hưng Yên: “Khoản 10” lần đầu tiên nông dân được làm chủ trên mảnh ruộng của mình. Nhưng tư tưởng làm ăn manh mún chưa thể một sớm một chiều bỏ ngay được, người dân vẫn đòi hỏi chế độ bình quân. Hệ quả là sau khi
chia ruộng, giao ruộng, bình quân mỗi hộ nông dân nhận trên dưới 10 thửa ruộng. Vấn đề đầu tư cho sản xuất bị hạn chế, nhất là trên những thửa ruộng quá nhỏ, dẫn tới năng suất hiệu quả không cao. Năm 2003, thực hiện dồn thửa đổi ruộng đất nông nghiệp, mỗi hộ vẫn còn trung bình 3 – 4 thửa. Diện tích đất nông nghiệp bình quân đầu người của tỉnh thấp, trong khi đó số thửa ruộng/hộ vẫn còn cao như vậy nên dù ruộng đã liền vùng, liền khoảnh nhưng số hộ có ruộng liền khoảnh rộng trên 1 mẫu không nhiều. Sau khi có Chỉ thị 29-CT/TU ngày 8/9/2003 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về khuyến khích phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh, trong quá trình dồn thửa đổi ruộng theo quy định thì các hộ đã chú ý đến việc tự dồn đổi cho nhau để những hộ mạnh dạn, có ý chí, nghị lực, ham làm giàu đề nghị cấp có thẩm quyền cho phép chuyển đổi sang làm mô hình kinh tế trang trại. Kinh tế trang trại không những thúc đẩy việc khai thác hiệu quả đất đai vào sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, cải thiện môi trường sinh thái mà còn phát huy được lợi thế của từng địa phương, từng vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Nhờ đó, hiệu quả thu từ phát triển kinh tế trang trại được tăng lên, đến nay đạt bình quân gần 190 triệu đồng/trang trại, tăng gần 100 triệu đồng so với năm 2003. Nhiều hộ nông dân trở nên giàu có hơn từ làm kinh tế trang trại, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc.
Tuy đã bớt phần manh mún nhưng đợt dồn điền đổi ruộng năm 2003 mới chỉ là bước khởi đầu. Quy mô diện tích hiện tại chưa đủ, một số địa phương đã có cách làm sáng tạo để ruộng đất được tích tụ với diện tích lớn hơn, đáp ứng quy mô sản xuất. (Nguyễn Văn Linh, 2008).
c. Kinh nghiệm DĐĐT ở huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định: Những năm qua, thực hiện chủ trương chỉ đạo của Tỉnh ủy về DĐĐT trong sản xuất nông nghiệp, các cấp, các ngành và nhân dân trong huyện đã tập trung thực hiện và đã đạt được những kết quả bước đầu. Bình quân số thửa đất nông nghiệp của một hộ nông dân đã giảm từ 12 thửa năm 1993 xuống còn 3,5 thửa năm 2003.
Thông qua việc DĐĐT, đất công ích và đất quy hoạch phát triển hạ tầng công cộng đã được dồn đổi tập trung để quản lý, sử dụng hiệu quả hơn. Nhiều mô hình sản xuất theo hướng chuyên canh, thâm canh, sản xuất hàng hóa đạt kết quả khả quan. Năng suất và tổng sản lượng lương thực hàng năm luôn đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Việc xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được phát triển tương đối đồng bộ, bước đầu đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung quản lý nhà nước về đất đai, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở một số địa phương có chuyển biến tốt… Những kết quả trên khẳng định chủ
trương DĐĐT trong sản xuất nông nghiệp những năm qua là đúng đắn, phù hợp với điều kiện thực tiễn, góp phần ổn định an ninh trật tự trong địa bàn nông thôn.
Trước đây khi chưa DĐĐT, có những xã trên địa bàn huyện Vụ Bản quỹ đất công lên tới 2.500 mảnh. Nay các xã dồn lại ở 1-2 vị trí và gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, giao thông, phát triển sản xuất… nên nhiều xã đã có quỹ đất công rộng, đẹp để xây nhà văn hóa, làm các công trình phúc lợi. Để DĐĐT thực hiện có hiệu quả, huyện Vụ Bản đã thành lập Ban chỉ đạo, tổ giúp việc, các tiểu ban và được triển khai sâu rộng đến tất cả các xã. Vụ Bản phấn đấu đến năm 2013, DĐĐT sẽ hoàn thành với mỗi hộ bình quân chỉ còn 1-2 thửa. Đất công ích và đất dành cho phát triển hạ tầng, khu dân cư, sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp…được quy hoạch tập trung theo yêu cầu của chương trình xây dựng nông thôn mới; thực hiện tốt các quy định về quản lý đất đai trong và sau DĐĐT.
Việc thực hiện DĐĐT ở Vụ Bản luôn bảo đảm nguyên tắc vận động nhân dân tự nguyện, tự giác thực hiện và đặt dưới sự lãnh đạo tập trung thống nhất của cấp ủy, chính quyền các cấp; đảm bảo công bằng, dân chủ công khai theo đúng quy định của pháp luật; bảo đảm ổn định an ninh trật tự ở địa bàn nông thôn. Đồng thời phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch phát triển sản xuất, quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Không đặt vấn đề chia lại ruộng đất, không xem xét các vấn đề trước đây không giải quyết, không thực hiện đối với những hộ có đất sản xuất nông nghiệp chỉ còn một thửa, đang sản xuất cây trồng, vật nuôi và phù hợp với qui hoạch mới. Phương án DĐĐT xác định hệ số chênh lệch (K) dồn đổi phải được tính toán, xây dựng phù hợp với các điều kiện, đặc điểm cụ thể của vùng sản xuất và quy hoạch của từng địa phương; đảm bảo công bằng, được nhân dân bàn bạc thống nhất.
Tuy mới thực hiện thí điểm ở một số xã nhưng DĐĐT ở Vụ Bản đã đạt được kết quả tích cực bước đầu. Qua những việc đã làm được và cả những việc chưa làm được có thể rút ra một số bài học trong tổ chức thực hiện; trong đó nổi bật là bài học phải tạo được sự đồng thuận từ nhân dân (Nguyễn Minh Tiến, 2012). d. Kinh nghiệm dồn điền đổi thửa cho xây dựng nông thôn mới ở Thái Bình: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở Thái Bình trong những năm qua được triển khai toàn diện và đồng bộ theo 19 tiêu chí. Một trong những thành công nổi bật của Thái Bình trong thực hiện nhiệm vụ này là công tác dồn điền đổi thửa. Thái Bình đã xác định dồn điền đổi thửa là nhiệm vụ mấu
chốt để phát triển nền sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân. Để công tác dồn điền đổi thửa được triển khai đồng bộ, hiệu quả, các huyện đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, đồng thời phân công nhiệm vụ cho từng thành viên trong việc chỉ đạo thực hiện dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp. Theo đó, tất cả các huyện, đều tổ chức hội nghị tập huấn cho Ban chỉ đạo, tổ công tác, các ban, ngành của huyện, xã và các tiểu ban dồn điền đổi thửa ở các thôn. Công tác tuyên truyền tại các địa phương được đẩy mạnh, sâu, rộng về ý nghĩa, mục đích, nguyên tắc và tầm quan trọng của việc dồn điền đổi thửa trên các phương tiện thông tin đại chúng; đồng thời kết hợp với các cuộc họp từ xã đến thôn nhằm làm rõ hơn lợi ích của việc dồn điền đổi thửa trong tiến trình xây dựng nông thôn mới. Sau 4 năm triển khai Thái Bình cơ bản đã thực hiện xong dồn điền đổi thửa gắn với chỉnh trang đồng ruộng. Địa phương đã giảm được 499.930 thửa, chỉ còn 462.187 thửa, bình quân chung toàn tỉnh là 1,79 thửa/hộ.