Dồn điền đổi thửa là cuộc vận động và còn rất mới, phức tạp, liên quan đến nhiều vấn đề nhưng có ý nghĩa rất to lớn đến việc sản xuất nông hộ. Do vậy, cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ từ các cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp, sự phối kết hợp giữa các ngành, đoàn thể nhằm tạo sự thống nhất cao. Qua những kết quả tích cực bước đầu cần có những biện pháp rút ra bài học kinh nghiệm ở mỗi vùng, mỗi địa phương để có những đổi mới, bổ sung về cơ chế chính sách cho phù hợp nhằm khuyến khích mở rộng sản xuất. Cần tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng về luật đất đai và các văn bản dưới luật, cũng như việc tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của dồn điền đổi thửa cho xây dựng nông thôn mới cho mọi tầng lớp nhân dân để nâng cao nhận thức của họ từ đó có tác động tích cực tới quá trình thực hiện dồn điền đổi thửa trong thời gian tới được thuận lợi hơn.
Chính quyền địa phương cùng nhân dân cố gắng hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng theo đúng quy hoạch đã đề ra để có thể đưa máy móc, tiến bộ KHKT vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, phát huy được những ưu điểm mà dồn điền đổi thửa đã mang lại. Tiếp tục hoàn thiện quy hoạch đồng ruộng theo phương án chuyển đổi ruộng đất, như quy hoạch đường giao thông, thủy lợi nội đồng, quy hoạch vùng sản xuất… từ đó, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở địa phương. Bên cạnh đó cần kết hợp với các tổ chức trung gian như khuyến nông, tín dụng, các hội đoàn thể để hỗ trợ nông dân về vốn, kỹ thuật, đầu ra... tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nông dân mạnh dạn đầu tư, chuyển hướng sản xuất. Đồng thời đảm bảo công bằng giữa những người sử đụng đất với nhau.
Việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất đã giải phóng sức lao động của người dân. Do vậy, một bộ phận lao động trong nông nghiệp dư thừa cần phải được đào tạo để chuyển đổi nghề.
Cần sơ kết rút kinh nghiệm việc thực hiện DĐĐT để chỉ đạo cấp uỷ các địa phương tiếp tục thực hiện DĐĐT có hiệu quả hơn; tập trung đầu tư nhiều hơn cho sản xuất nông nghiệp, nông thôn và giữ ổn định đất nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia cũng như trên từng địa bàn.
Có cơ chế đầu tư về tài chính tạo điều kiện để sớm cấp mới, cấp đổi GCNQSD đất cho người sử dụng đất sau khi đã hoàn thành DĐĐT, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất.
Nhà nước cần có chính sách đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, trong đó chú trọng kiên cố hoá hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, đầu tư đường điện cho các vùng quy hoạch chuyển đổi… nhằm tăng diện tích trồng trọt, hạn chế thất thoát nước. Quan tâm xây dựng các hệ thống hồ chứa nước để đảm bảo tưới tiêu chủ động cho hầu hết diện tích cây trồng.