Nội dung đánh giá chất lượng công chức thống kê cấp huyện và xã

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nâng cao chất lượng công chức thống kê cấp huyện và xã trên địa bàn tỉnh bắc giang (Trang 29 - 34)

Phần 2 Cơ sở lý luận và thực tiễn

2.1. Cơ sở lý luận về công chức, chất lượng công chức

2.1.6. Nội dung đánh giá chất lượng công chức thống kê cấp huyện và xã

Có nhiều nghiên cứu khác nhau về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng CB, CC được công bố. Qua đó hầu hết đều đưa ra chất lượng công chức được thể hiện qua một số yếu tố như: Thể lực, trí lực (trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, kỹ năng và kinh nghiệm), tâm lực.

cán bộ công chức có đưa ra các tiêu chí đánh giá chất lượng đội ngũ CBCC bao gồm 4 tiêu chí: Tiêu chí về phẩm chất chính trị và đạo đức công vụ; Tiêu chí về trình độ, chuyên môn nghiệp vụ và các kỹ năng; Tiêu chí về kết quả hoàn thành công việc; Tiêu chí đánh giá thông qua sự hài lòng của đối tượng được phục vụ.

Dựa vào các tiêu chí đánh giá chất lượng CBCC của các tác giả đi trước tác giả luận văn đưa ra một số tiêu chí đánh giá chất lượng CCTKCH&X trong nghiên cứu của mình như sau:

2.1.6.1. Sức khỏe, thể lực

Tiêu chí này quyết định quan trọng đến chất lượng đội ngũ công chức, chúng ta đã biết đối với mỗi cán bộ công chức có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ tốt đến đâu, nếu sức khỏe, thể lực không đảm bảo thì sẽ hạn chế đến khả năng làm việc, khả năng thực thi công vụ sẽ giảm sút rất nhiều. Trong xu thế hội nhập thế giới và quá trình Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước như hiện nay thì khối lượng công việc cũng như cường độ làm việc sẽ tăng, ngoài yêu cầu về trình độ, nghiệp vụ chuyên môn, kỹ năng, kỹ xảo trong xử lý công việc thì yếu tố sức khỏe cũng cần được ưu tiên hàng đầu. Sức khỏe, thể lực tốt sẽ đảm bảo cho cán bộ công chức hoàn thành tốt công vụ được giao mặc dù cường độ làm việc cao, khối lượng lớn, nếu sức khỏe không đảm bảo thì chất lượng, hiệu quả công việc sẽ ngược lại (Phan Nam Thắng, 2013).

Để có đội ngũ cán bộ công chức hành chính Nhà nước có sức khỏe, thể lực tốt phục vụ công tác đòi hỏi sự nổ lực rèn luyện, bồi dưỡng của mỗi cá nhân CBCC, đồng thời Nhà nước phải xây dựng và thực hiện đồng bộ các chiến lược và giải pháp nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, nâng cao thể chất, chăm sóc sức khỏe cho CBCC và nhân dân (Phan Nam Thắng, 2013).

Trong việc tuyển dụng CBCB cần chú trọng đến tiêu chí này để góp phần xây dựng đội ngũ công chức có chất lượng đồng đều, phục vụ tốt công tác được giao (Phan Nam Thắng, 2013).

2.1.6.2. Trí lực

Trí lực có thể bao gồm trình độ học vấn, kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề, kinh nghiệm làm việc.

- Trình độ học vấn và kiến thức chuyên môn mà công chức có được chủ yếu thông qua đào tạo, có thể được đào tạo về ngành hoặc chuyên ngành đó trước khi đảm nhiệm công việc; Đó là các cấp bậc học trung cấp, cao đẳng, đại học và trên

đại học. Các bậc học này chủ yếu được đào tạo ngoài công việc và đào tạo lại trong công việc họ đang thực hiện thông qua các lớp tập huấn hay bồi dưỡng ngắn hạn về nghiệp vụ. Đó là sự trang bị về kiến thức chuyên môn cho đội ngũ công chức. Bất kỳ một vị trí nào trong đơn vị đều có yêu cầu thực hiện công việc ứng với trình độ chuyên môn nhất định. Do đó, việc trang bị kiến thức chuyên môn là không thể thiếu cho dù công chức đó được đào tạo theo hình thức nào. Kiến thức công chức có được thông qua nhiều nguồn khác nhau như: đào tạo; qua sự nhận thức các vấn đề trong cuộc sống xã hội mà công chức tiếp thu được. Con người không chỉ sử dụng kiến thức chuyên môn mà trong quá trình thực hiện công việc, còn cần dùng nhiều loại kiến thức khác nhau được tổng hợp, vận dụng vào sự thực hiện công việc thành kiến thức của công chức (Nguyễn Thị Hồng Cẩm, 2013).

- Kỹ năng nghề là khả năng công chức trong ứng xử và giải quyết công việc. Khả năng này được hiểu dưới hai khía cạnh và có thể khác nhau ở tùy từng đối tượng. Có thể các đối tượng này được đào tạo như nhau nhưng khả năng giải quyết công việc của đối tượng này ưu việt hơn, vượt trội hơn đối tượng khác. Điều đó được coi là có kỹ năng giải quyết công việc tốt hơn, khía cạnh này người ta còn gọi là năng khiếu của công chức. Khả năng này bộc lộ thông qua sự hiểu biết, nhận thức và rèn luyện để có kỹ năng giải quyết công việc. Kỹ năng này hình thành có sự trải nghiệm thực tế hay còn gọi là điều kiện hình thành kỹ năng làm việc của công chức. Vì thế, công chức có thể được đào tạo như nhau nhưng có kỹ năng làm việc không hoàn toàn giống nhau và kỹ năng được nâng lên thông qua quá trình thực hiện thao tác trực tiếp trong công việc (Nguyễn Thị Hồng Cẩm, 2013).

- Kinh nghiệm làm việc thể hiện sự trải nghiệm trong công việc qua thời gian làm việc, có thể gọi đó là thâm niên một người có được. Có những nhận định cho rằng kinh nghiệm làm việc của một người trong một ngành là thể hiện lòng trung thành đối với đơn vị hoặc với ngành. Người nhiều kinh nghiệm làm việc có thể giải quyết công việc thuần thục và nhanh hơn người ít kinh nghiệm. Kinh nghiệm làm việc kết hợp với trình độ và kỹ năng xử lý trong công việc tạo thành mức độ lành nghề của người công nhân kỹ thuật. Khả năng sáng tạo là vô tận, năng lực của con người thể hiện tư duy trong việc đưa ra các sáng kiến, các ý tưởng và có các quyết định nhanh nhạy linh hoạt trong giải quyết các vấn đề. Khả năng này không phụ thuộc vào lứa tuổi hay giới tính. Do đó, một con người vừa có khả năng sáng tạo, vừa có kinh nghiệm trong công việc thì có thể có kỹ năng làm việc vượt trội hơn và là tài sản quý giá của tổ chức. Tất cả các yếu tố thuộc

về trí lực này là tài sản vô giá của đơn vị mà con người là đối tượng sở hữu. Khai thác trí lực của con người hoàn toàn phụ thuộc vào tổ chức mà trong đó các cấp quản trị là quan trọng nhất. Các yếu tố này không thể mang ra cân, đo, đếm bằng định lượng cụ thể (Nguyễn Thị Hồng Cẩm, 2013).

2.1.6.3. Tâm lực

Tâm lực được phản ánh qua phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống.

- Về phẩm chất chính trị

Đây là yếu tố đầu tiên, là điều kiện đối với mỗi người công chức. Là giá trị và tính chất tốt đẹp của con người. Để trở thành những người công chức có năng lực trước hết phải là người có phẩm chất chính trị. Phẩm chất chính trị của đội ngũ công chức xã, thị trấn được biểu hiện trước hết là sự tin tưởng tuyệt đối đối với lý tưởng cách mạng, kiên định với mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH. Đó là con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn, kiên quyết đấu tranh bảo vệ quan điểm của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, không dao động trước những khó khăn thử thách. Đồng thời phải có biện pháp để đường lối đó đi vào thực tiễn cuộc sống của nhân dân địa phương (Nguyễn Thị Quỳnh, 2004).

Người công chức có phẩm chất chính trị tốt không chỉ bằng lời tuyên bố, hứa hẹn mà quan trọng hơn là việc nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chỉ thị, nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước, kiên quyết chống lại mọi lệch lạc, biểu hiện sai trái trong đời sống xã hội đi trái ngược với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Phẩm chất chính trị của người công chức xã, thị trấn còn biểu hiện thông qua việc họ có làm việc với tinh thần trách nhiệm, hiệu quả hay không; có tinh thần độc lập, sáng tạo, không thụ động, ỷ lại trong công tác hay không, có ý chí cầu tiến, ham học hỏi hay không, thái độ tận tụy phục vụ nhân dân, tinh thần trách nhiệm đối với đời sống nhân dân tại địa phương (Nguyễn Thị Quỳnh, 2004).

- Về phẩm chất đạo đức, lối sống

Đây là phẩm chất rất quan trọng đối với đội ngũ công chức, nó là cái “gốc” của người cán bộ. Người công chức muốn xác lập được uy tín của mình trước nhân dân, trước hết đó phải là người công chức có phẩm chất đạo đức tốt. Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường đang có sự chuyển biến nhanh chóng và xã hội đang nảy sinh nhiều vấn đề hết sức phức tạp, trong đó phải kể

đến trình độ dân trí ngày một nâng cao, sự đòi hỏi của xã hội đối với đội ngũ công chức chuyên môn. Thêm vào đó công tác quản lý xã hội cũng đòi hỏi người công chức ở cơ sở phải tạo lập cho mình một uy tín đối với nhân dân (Nguyễn Thị Quỳnh, 2004).

Luôn luôn gương mẫu, có lối sống lành mạnh, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, không tham nhũng, vụ lợi cá nhân, sinh hoạt bê tha, có tinh thần chống tham nhũng, tận tụy phục vụ nhân dân, tôn trọng nhân dân, quan hệ mật thiết với quần chúng nhân dân, sâu sát với công việc, không quan liêu cửa quyền, gây phiền hà cho dân, tác phong làm việc khoa học, dân chủ, nói đi đôi với làm, làm nhiều hơn nói. Có tác phong làm việc khoa học, nghiêm túc; biết lắng nghe, tiếp thu ý kiến của đồng nghiệp và những người xung quanh (Nguyễn Thị Quỳnh, 2004).

Yêu cầu về phẩm chất, đạo đức, lối sống của đội ngũ công chức cấp xã đòi hỏi phải cao hơn so với người khác bởi vì công chức là công bộc của dân. Xét về bản chất thì đây là tiêu chuẩn hàng đầu và xem như là đương nhiên phải có của người công chức. Người công chức nếu thiếu phẩm chất đạo đức, thì dù có tài năng kiệt xuất cũng không thể là công bộc của dân được (Nguyễn Thị Quỳnh, 2004).

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Như vậy Người khẳng định phẩm chất đạo đức cách mạng là một trong những yếu tố quan trọng nhất của người công chức. Trong giai đoạn hiện nay, trước những mặt trái của nền kinh tế thị trường, những âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, nạn tham nhũng, suy thoái đạo đức, tư tưởng lệch lạc… của một bộ phận CBCC làm sói mòn lòng tin của Nhân dân vào đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Vì vậy, bên cạnh việc nâng cao trình độ người CCTKCH&X thì nhân cách của người CCTKCH&X cũng không thể xem nhẹ (Nguyễn Thị Quỳnh, 2004).

2.1.6.4. Kết quả thực hiện nhiệm vụ

Kết quả hoàn thành công việc là tiêu chí đánh giá đầu ra của quá trình thực thi hoạt động quản lý của CBCC, là tiêu chí cơ bản phản ánh năng lực thực thi hoạt động quản lý nhà nước. Kết quả hoàn thành nhiệm vụ bao gồm kết quả thực hiện nhiệm vụ riêng của cá nhân, kết quả thực hiện nhiệm vụ chung của đơn vị. Kết quả thực hiện nhiệm vụ còn đuợc xem xét trên nhiều khía cạnh khác nhau, ví dụ nhu kết quả thực hiện một vụ việc cụ thể; kết quả thực hiện nhiệm vụ trong tháng, trong năm, trong nhiệm kỳ (Trần Minh, 2016).

2.1.6.5. Sự hài lòng của người sử dụng sản phẩm, dịch vụ

Quản lý Nhà nước là một ngành dịch vụ, công chức nói chung và CCTKCH&X nói riêng là những người đại diện cho Nhà nước thực hiện nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công. Vì vậy để đánh giá chất lượng đội ngũ công chức nói chung, CCTKCH&X nói riêng chúng ta không thể không xem xét sự hài lòng của các đối tượng được phục vụ do CCTKCH&X thực hiện, các đối tượng được phục vụ có thể là lãnh đạo UBND các cấp mà trực tiếp là UBND cấp xã nơi CCVP-TK làm việc, có thể là những người sử dụng thông tin thống kê,... Tiêu chí đánh giá mức độ hài lòng của đối tượng được phục vụ bao gồm: Tinh thần trách nhiệm đối với công việc; Thái độ và phong cách phục vụ; Chất lượng, hiệu quả giải quyết công việc (Trần Minh, 2016).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nâng cao chất lượng công chức thống kê cấp huyện và xã trên địa bàn tỉnh bắc giang (Trang 29 - 34)