Tổng quan các công trình nghiên cứu có liên quan

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nâng cao chất lượng công chức thống kê cấp huyện và xã trên địa bàn tỉnh bắc giang (Trang 37 - 40)

Phần 2 Cơ sở lý luận và thực tiễn

2.2. Cơ sở thực tiễn

2.2.1. Tổng quan các công trình nghiên cứu có liên quan

Nâng cao chất lượng công chức thống kê và công chức Văn phòng – Thống kê là một trong những nội dung quan trọng của công tác quản lý và sử dụng cán bộ, nội dung này đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà quản lý, nhà nghiên cứu khoa học.

Làm thế nào để nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC nói chung và công chức thống kê, công chức Văn phòng – Thống kê nói riêng đã và đang là vấn đề được nhiều nhà nghiên cứu, nhà quản lý quan tâm nhằm tìm ra những giải pháp tích cực nhất nâng cao năng suất lao động và hiệu quả công việc. Đến nay đã có nhiều công trình nghiên cứu ở những cấp độ khác nhau được công bố, một số công trình nghiên cứu tiêu biểu như:

Ngô Văn Ninh (2012): “Nâng cao chất lượng nhân lực ngành Thống kê tỉnh Tuyên Quang” - Luận văn Thạc sỹ, Đại học kinh tế và quản trị kinh doanh Thái Nguyên. Đề tài đã nêu được khái niệm, các yếu tố ảnh hưởng tới chất lượng nhân lực, kinh nghiệm một số nước, thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng nhân lực ngành Thống kê tỉnh Tuyên Quang.

Nguyễn Thị Lan Anh (2017): “Nâng cao chất lượng nhân lực ngành Thống kê tỉnh Phú Thọ” – Luận văn Thạc sỹ, Đại học kinh tế và quản trị kinh doanh Thái Nguyên. Đề tài đã khái quát được lý thuyết về chất lượng nguồn nhân lực, các yếu tố ảnh hưởng, kinh nghiệm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của một số nước và ở Việt Nam, đánh giá thực trạng và đưa ra giải pháp nâng cao chất lượng nhân lực ngành Thống kê tỉnh Phú Thọ.

Lê Thị Minh Thủy (2015): “Năng lực công chức Văn phòng - thống kê cấp xã huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình” – Luận văn thạc sỹ, Học viện Hành chính Quốc gia. Đề tài đã nêu được khái niệm, nội dung phản ánh năng lực, các yếu tố ảnh hưởng tới năng lực thực thi của công chức và đưa ra các giải pháp để nâng cao năng lực công chức VPTK cấp xã huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.

Nguyễn Kim Diện (2006): “Nâng cao chất lượng đội ngũ công chức hành chính Nhà nước tỉnh Hải Dương” - Luận án Tiến sĩ, Đại học Kinh tế Quốc dân. Luận án đã hệ thống được những lý luận cơ bản về nâng cao chất lượng đội ngũ công chức hành chính Nhà nước nói chung và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức hành chính Nhà nước của tỉnh Hải Dương nói riêng. Đồng thời đã phân tích và rút ra những đánh giá thực trạng đó một cách khách quan, chính xác về một số ưu điểm và hạn chế về chất lượng đội ngũ công chức hành chính sự nghiệp Nhà nước tỉnh Hải Dương trong thời kỳ mới. Luận án cũng đã đưa ra những quan điểm, mục tiêu và một số giải pháp quan trọng, phù hợp, nêu lên những kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chức hành chính Nhà nước tỉnh Hải Dương trong thời kỳ đổi mới.

Nguyễn Thị Ban Mai (2015): “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã của thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh” – Luận văn Thạc sỹ, Trường đại học Lao động – Xã hội. Luận văn đã định nghĩa được chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, các tiêu chí đánh giá và các yếu tố ảnh hưởng tới chất lượng cán bộ, công chức cấp xã, đánh giá thực trạng chất lượng đội ngũ CBCC cấp xã từ đó đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC cấp xã của thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Trần Thị Quỳnh (2015): “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã của huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng” – Luận văn Thạc sỹ, Trường Đại học Lao động- Xã hội. Luận văn nêu ra các vấn đề lý luận về đội ngũ CBCC, nội dung nâng cao và các tiêu chí đánh giá nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC cấp xã, đánh giá thực trạng và đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC cấp xã của huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng.

Nguyễn Thị Thảo (2014): “Nâng cao chất lượng đội ngũ công chức cấp xã, huyện Yên Định, Tỉnh Thanh Hóa” – Luận văn Thạc sỹ, Trường Đại học Lao động - Xã hội. Luận văn nêu ra các khái niệm, đặc điểm, tiêu chí đánh giá chất lượng, các nhân tố ảnh hưởng tới công chức cấp xã, đánh giá thực trạng và đưa ra giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC cấp xã của huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.

Trần Minh (2016): “Nâng cao chất lượng cán bộ, công chức của ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội” – Luận văn Thạc sỹ, Học viện Hành chính Quốc gia. Luận văn đã nêu được khái niệm chất lượng CBCC, các tiêu chí đánh giá, các yếu tố ảnh hưởng tới chất lượng CBCC, đánh giá thực trạng và đưa ra giải pháp nâng cao chất lượng CBCC của UBND quận Hoàn Kiếm.

Nguyễn Thị Hồng Cẩm (2013): “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam” – Luận án Tiến sĩ, Đại học Kinh tế Quốc dân. Luận án đã đưa ra khá toàn diện các yếu tố cấu thành chất lượng nguồn nhân lực đã đề xuất hệ thống các tiêu chí đánh giá chất lượng nguồn nhân lực áp dụng cho các doanh nghiệp công nghiệp chế biến gỗ hiện đại, phân tích thực trạng và đề xuất hệ thống giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp công nghiệp chế biến gỗ.

Phan Nam Thắng (2013): “Nâng cao chất lượng đội ngũ công chức ngành thuế từ thực tiễn Cục Thuế tỉnh Thừa Thiên Huế” – Luận văn Thạc sĩ, Học viện Hành chính. Bản luận văn đã nêu ra hệ thống lý luận và các tiêu chí đánh giá chất lượng công chức, đánh giá thực trạng, nguyên nhân và đưa ra các giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ công chức ngành Thuế tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tổng cục Thống kê (2013): “Quy hoạch phát triển nhân lực Thống kê Việt Nam giai đoạn 2011-2020”. Bản quy hoạch đã đánh giá thực trạng, đưa ra phương hướng và giải pháp phát triển nhân lực ngành Thống kê Việt Nam giai đoạn 2011-2020.

Ngoài ra, còn một số bài viết đăng trên các tạp chí khoa học hoặc nhiều công trình, luận án, luận văn khác có đề cập ít nhiều đến vấn đề này. Mỗi công trình đều đề cập đến vấn đề chất lượng ở nhiều cấp độ khác nhau.

Những công trình khoa học kể trên đã cung cấp nhiều tư liệu quý báu về cơ sở lý luận, về kiến thức, kinh nghiệm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước nói chung và CCTKCH&X nói riêng để tác giả tham khảo trong quá trình nghiên cứu đề tài này.

Ở tỉnh Bắc Giang, có một số đề tài nghiên cứu về CBCC thuộc một số lĩnh vực như nông nghiệp, lao động thương binh và xã hội, CBCC cấp xã,... Tuy nhiên, cho đến thời điểm này chưa có một công trình nào nghiên cứu về vấn đề chất lượng CCTKCH&X. Tiếp thu có chọn lọc kết quả nghiên cứu của các tài liệu nói trên, luận văn đi sâu nghiên cứu làm sáng tỏ vấn đề chất lượng của CCTKCH&X nhằm đưa ra những giải pháp hữu hiệu nâng cao chất lượng đội ngũ CCTKCH&X trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đáp ứng với yêu cầu của nhiệm vụ trong tình hình hiện nay. Đây là công trình đầu tiên nghiên cứu việc nâng cao chất lượng CCTKCH&X trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nâng cao chất lượng công chức thống kê cấp huyện và xã trên địa bàn tỉnh bắc giang (Trang 37 - 40)