Phần 1 Mở đầu
2.1. Cơ sở lý luận
2.1.5. Sự cần thiết phải nâng cao chất lượng tín dụng ngân hàng đối vớ
DNNQD trong nền kinh tế thị trường
Hiện nay, trong nền kinh tế thị trường, hoạt động cấp tín dụng vẫn là hoạt động truyền thống và luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các NHTM. Cùng với sự phát triển ngày càng tăng về số lượng, nhu cầu vốn của các thành phần kinh tế thì vai trò của chất lượng tín dụng lại càng quan trong hơn bao giờ hết. Nâng cao chất lượng tín dụng không chỉ có ý nghĩa đối với ngân hàng mà còn có ý nghĩa với khách hàng vay vốn và với toàn bộ nền kinh tế.
2.1.5.1. Đối với các Ngân hàng thương mại
Phòng ngừa và hạn chế rủi ro trong kinh doanh ngân hàng là mục tiêu hàng đầu và tiên quyết của việc đảm bảo chất lượng tín dụng. Hoạt động cho vay vẫn là hoạt động kinh doanh truyền thống (nó chiếm tới 60 - 80% tổng tài sản Có) của NHTM. Đây là khoản mục sinh lời chủ yếu nhưng cũng là khoản mục đem lại rủi ro cao nhất cho các NHTM. Vì vậy nâng cao chất lượng tín dụng là một vấn đề thường trực hết sức quan trọng, cần thiết đối với bất kỳ một NHTM nào. Nó không chỉ có ý nghĩa quyết định đến sự tồn tại và phát triển đối với các NHTM mà còn đối với toàn bộ nền kinh tế của một quốc gia.
Với tư cách là chủ thể trung gian tài chính trong nền kinh tế, việc nâng cao chất lượng tín dụng là điều kiện để ngân hàng bảo toàn và tăng cường nguồn vốn của mình và của khách hàng. Nếu chất lượng tín dụng tốt, biểu hiện bằng việc áp dụng linh hoạt và hiệu quả công tác huy động vốn thì sẽ tạo được nguồn vốn phong phú, đa dạng làm cơ sở cho việc tạo ra cơ cấu tài sản Có phù hợp với cơ cấu tài sản Nợ, giúp ngân hàng có chính sách cạnh tranh giá tốt hơn các đối thủ
cạnh tranh. Mặt khác, nâng cao chất lượng tín dụng là cơ sở để ngân hàng tăng lợi nhuận cho mình vì phần lớn lợi nhuận thu được hàng năm của ngân hàng chủ yếu được hình thành từ việc thu lãi cho vay; góp phần nâng cao năng lực kinh doanh cũng như năng lực cạnh tranh của các NHTM trong môi trường hội nhập kinh tế toàn cầu.
Tóm lại, chất lượng tín dụng quyết định sự tồn tại và phát triển của ngân hàng nói riêng và toàn bộ hệ thống NHTM nói chung. Nhờ nâng cao chất lượng tín dụng, tình hình tài chính cũng như năng lực cạnh tranh của ngân hàng ngày càng được cải thiện. Điều này, cho phép ngân hàng ngày càng mở rộng thêm phạm vi hoạt động, thu hút khách hàng truyền thống, khách hàng hiện tại và khách hàng tiềm năng từ đó mang lại lợi nhuận tối đa cho ngân hàng, phòng ngừa và hạn chế rủi ro trong hoạt động kinh doanh của toàn hệ thống ngân hàng của một quốc gia.
2.1.5.2. Đối với nền kinh tế
Hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng ở một quốc gia là tấm gương phản ánh sự ổn định và khả năng phát triển kinh tế của quốc gia đó.
NHTM là trung gian tài chính giữa người có vốn và người thiếu vốn. Nếu như NHTM hoạt động có hiệu quả sẽ làm cho khu vực tài chính được lành mạnh góp phần ổn định tiền tệ và kiềm chế lạm phát. Mặt khác NHTM giúp các thành phần kinh tế có đủ vốn để mở rộng sản xuất từ đó thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Ngược lại, nếu chất lượng tín dụng không đảm bảo sẽ dẫn đến hoạt động của ngân hàng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tác động đến hệ thống ngân hàng, có thể làm cho nền kinh tế bị ngừng trệ và dễ rơi vào tình trạng suy thoái.
2.1.5.3. Đối với các DNNQD
Việc nâng cao chất lượng tín dụng góp phần làm lành mạnh hoá các quan hệ tín dụng giữa khách hàng với ngân hàng mà ngân hàng lại là đối tác quan trọng nhất trong các đối tác của nền kinh tế (vì ngân hàng vừa là người cho vay vừa là trung gian thanh toán). Việc tuân thủ các nguyên tắc và điều kiện tín dụng trên cơ sở cả hai bên đều có ý thức thúc đẩy và thắt chặt mối quan hệ sẽ tạo ra những khoản tín dụng có chất lượng đảm bảo. Từ đó giúp DNNQD thường xuyên được thoả mãn yêu cầu về vốn để duy trì và mở rộng sản xuất kinh doanh, được hưởng những tiện ích khác như thủ tục đơn giản, lãi suất ưu đãi hơn… tránh được các chi phí và các kỷ luật tín dụng làm giảm hiệu quả kinh doanh.
Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng tín dụng đòi hỏi DNNQD phải nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tức là khách hàng vay phải tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, tiêu thụ được nhiều, bù đắp được chi phí và thu hồi được lợi nhuận tới mức có thể. Điều này sẽ giúp cho khách hàng có chỗ đứng trên thị trường. Mặt khác nâng cao chất lượng tín dụng còn là điều kiện để khách hàng củng cố chế độ hạch toán kế toán theo đúng chế độ Luật pháp hiện hành.
Như vậy việc nâng cao chất lượng tín dụng đối với DNNQD là vô cùng cần thiết để hoàn thiện một nền kinh tế quốc dân, đặc biệt đối với một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam hiện nay.