Phần 2 Cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn về quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường
2.1. Cơ sở lý luận
2.1.3. Các yếu tố ảnh hưởng đến quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường
Sự hình thành và tồn tại của mỗi mô hình quản lý được đặt trong một môi trường bị tác động bởi các nhóm yếu tố khách quan và chủ quan. Nhóm yếu tố khách quan gồm có: Điều kiện tự nhiên, đặc điểm, tình hình địa bàn; Hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường. Nhóm yếu tố chủ quan gồm có: Nhận thức, văn hóa xã hội; Các chính sách của nhà nước, của địa phương; Năng lực của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Các nhân tố tác động trực tiếp hoặc gián tiếp lên hình thức quản lý thông qua mối quan hệ tương tác với nhau và sự tác động của các bên hữu quan khác như: Cơ quan Chính phủ, nhà tài trợ, các doanh nghiệp…Cụ thể các tác nhân bao gồm:
- Điều kiện tự nhiên, đặc điểm, tình hình của địa bàn
Một trong những ảnh hưởng chính tới công tác quản lý nhà nước về môi trường đó là do điều kiện tự nhiên, đặc điểm, tình hình địa bàn: miền núi, địa hình địa mạo hiểm trở, đường xá giao thông khó khăn, hay xảy ra thiên tai lũ quét.... Điều kiện tự nhiên bao gồm vị trí địa lý, khí hậu, cảnh quan thiên nhiên; đất đai, sông biển, các nguồn tài nguyên khoáng sản trong lòng đất, tài nguyên rừng biển, sự trong sạch của môi trường, nước và không khí,... Có thể nói các điều kiện tự nhiên luôn luôn là một yếu tố quan trọng trong cuộc sống của con người (đặc biệt là các yếu tố của môi trường sinh thái), mặt khác nó cũng là một yếu tố đầu vào hết sức quan trọng của nhiều ngành kinh tế như: nông nghiệp, công nghiệp khai khoáng, du lịch, vận tải.
Tuy nhiên, trong những thập niên gần đây, nhân loại đang chứng kiến sự xuống cấp nghiêm trọng của các điều kiện tự nhiên, đặc biệt là: Sự ô nhiễm môi trường tự nhiên ngày càng tăng; Sự cạn kiệt và khan hiếm của các nguồn tài nguyên và năng lượng; Sự mất cân bằng về môi trường sinh thái...Những cái giá mà con người phải trả do sự xuống cấp của môi trường tự nhiên là vô cùng to lớn, khó mà tính hết được (Lê Thị Bích Ngọc, 2016).
- Nhận thức, văn hóa xã hội
Nhận thức, thói quen, tập quán sản xuất sinh hoạt, đặc trưng dân tộc vùng miền có ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý nhà nước về môi trường. Các
hoạt động lãnh đạo và điều hành của các nhà quản lý không thể không tính tới ảnh hưởng của yếu tố văn hóa trong nhận thức, ứng xử, chấp hành và thực thi các quyết định của những người dưới quyền.
Văn hóa xã hội bao gồm những chuẩn mực và giá trị mà những chuẩn mực và giá trị này được chấp nhận và tôn trọng, bởi một xã hội hoặc một nền văn hoá cụ thể. Sự thay đổi của các yếu tố văn hoá xã hội một phần là hệ quả của sự tác động lâu dài của các yếu tố vĩ mô khác, do vậy nó thường xảy ra chậm hơn so với các yếu tố khác. Một số những đặc điểm mà cần chú ý là sự tác động của các yếu tố văn hoá xã hội thường có tính dài hạn và tinh tế hơn so với các yếu tố khác, thậm chí nhiều lúc khó mà nhận biết được. Mặt khác, phạm vi tác động của các yếu tố văn hoá xã hội thường rất rộng. Các khía cạnh hình thành môi trường văn hoá xã hội có ảnh hưởng mạnh mẽ tới các hoạt động quản lý như: (1) Những quan niệm về đạo đức, thẩm mỹ, về lối sống, về nghề nghiệp; (2) Những phong tục, tập quán, truyền thống (3) Những quan tâm và ưu tiên của xã hội; Trình độ nhận thức, học vấn chung của xã hội... Bên cạnh đó Dân số cũng là một yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến các yếu tố khác của môi trường vĩ mô, đặc biệt là yếu tố xã hội và yếu tố kinh tế. Những thay đổi trong môi trường dân số sẽ tác động trực tiếp đến sự thay đổi của môi trường kinh tế và xã hội (Lê Thị Bích Ngọc, 2016).
Những thách thức từ ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, đặt ra nhiều nhiệm vụ rất nặng nề. Để giảm tác nhân gây ô nhiễm môi trường, tác động dẫn tới biến đổi khí hậu, mỗi người dân cũng cần nâng cao nhận thức, từng bước thay đổi thói quen sinh hoạt, sử dụng nhiên liệu thân thiện, không xả rác bừa bãi... Những hành động tưởng nhỏ nhưng góp phần đáng kể bảo vệ môi sinh, giảm nguy cơ gây biến đổi khí hậu.
- Các chính sách của Nhà nước và của địa phương
Trong hệ thống các công cụ quản lý được nhà nước dùng để điều hành các hoạt động kinh tế - xã hội nói chung, Tài nguyên – môi trường nói riêng, chính sách được coi là nền tảng cho các công cụ khác. Chính sách là sự thể hiện ý chí, quan điểm của nhà nước đối với đối tượng quản lý. Chính sách với tư cách là một phương tiện quản lý của nhà nước, mang tính quyền lực nhà nước sẽ có những tác động cũng như ảnh hưởng to lớn đến vấn đề quản lý môi trường.
Theo Luật Bảo vệ môi trường, 2014: "Chính sách môi trường là những chủ trương, biện pháp mang tính chiến lược, thời đoạn, nhằm giải quyết một nhiệm vụ bảo vệ môi trường cụ thể nào đó, trong một giai đoạn nhất định". Chính
sách môi trường cụ thể hoá Luật Bảo vệ Môi trường (trong nước) và các Công ước quốc tế về môi trường. Mỗi cấp quản lý hành chính đều có những chính sách môi trường riêng. Nó vừa cụ thể hoá luật pháp và những chính sách của các cấp cao hơn, vừa tính tới đặc thù địa phương. Sự đúng đắn và thành công của chính sách cấp địa phương có vai trò quan trọng trong đảm bảo sự thành công của chính sách cấp Trung ương.
- Năng lực của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường
Về tổ chức bộ máy quản lý môi trường, năm 1992 Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường được thành lập, mà tiền thân của nó là Ủy ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước, với chức năng là quản lý Nhà nước về môi trường. Các sở Khoa học - Công nghiệp - Môi trường các địa phương sau đó được thành lập với chức năng là quản lý Nhà nước về môi trường ở địa phương. Do yêu cầu nhiệm vụ của công tác quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường phù hợp với xu thế phát triển của đất nước trong thời kỳ mới, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt nam khoá XI, ngày 05 tháng 8 năm 2002 đã quyết định thành lập Bộ tài nguyên và môi trường trên cơ sở 3 đơn vị chủ yếu hiện có gồm cục môi trường; tổng cục địa chính và tổng cục khí tượng thuỷ văn. Cho đến nay, ở Việt Nam đã hình thành hệ thống tổ chức Quản lý Nhà nước về Môi trường từ trung ương đến địa phương (Văn Hữu Tập, 2016).
Hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước vừa phụ thuộc vào phương thức quản lý (hoặc công nghệ quản lý), vừa phụ thuộc vào nhân cách (đức và tài) của các chủ thể quản lý. Vì thế, để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, cần phải nâng cao văn hoá của cả phương thức quản lý lẫn nhân cách người quản lý.
- Hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường
Hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường tuy đã được hình thành về cơ bản nhưng vẫn còn nhiều bất cập, nhiều quy định còn chung chung, mới mang tính nguyên tắc. Còn thiếu hoặc đã có quy định nhưng chưa đầy đủ về bảo vệ môi trường đất, nước, không khí, về tái chế chất thải, về khắc phục ô nhiễm, cải tạo, phục hồi môi trường, về tiêu dùng bền vững. Chưa tạo ra hành lang pháp lý và môi trường thuận lợi để khuyến khích phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ môi trường và sản phẩm thân thiện với môi trường. Thiếu các cơ chế về bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra, giải quyết tranh chấp, xung đột về môi trường. Mặc dù đã có các quy định về tội phạm môi trường trong Bộ luật Hình sự nhưng chưa đầy đủ và cụ thể nên khó thực hiện trên thực tế. Nhiều quy định về xã hội hóa hoạt động
bảo vệ môi trường mới chỉ dừng lại ở nguyên tắc, thiếu cơ chế phù hợp để thực hiện nên chưa phát huy được hiệu quả. Cơ chế, chính sách bảo vệ môi trường chậm đổi mới, chưa đồng bộ với thể chế thị trường (Nguyễn Hằng, 2015).