Phần 3 Phương pháp nghiên cứu
3.1. Đặc điểm địa bàn nghiên cứu
3.1.1. Điều kiện tự nhiên
3.1.1.1. Vị trí địa lý
Huyện Phù Yên nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Sơn La, có diện tích tự nhiên là 123.268 ha, chiếm 8.7% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Có tọa độ địa lý từ 23026 đến 23070 vĩ độ Bắc và từ 184047 đến 184091 kinh độ Đông. Phía Bắc giáp tỉnh Yên Bái, phía Đông giáp tỉnh Phú Thọ và Hòa Bình, phía Tây giáp huyện Bắc Yên, phái Nam giáp huyện Mộc Châu (UBND huyện Phù Yên, 2017).
Hình 3.1. Bản đồ hành chính huyện Phù Yên
3.1.1.2. Đặc điểm địa hình
Địa bàn huyện Phù Yên có địa hình phức tạp, bị chia cắt mạnh. Các sông suối đồi núi hầu hết chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, các sườn núi thấp dần về phía sông Đà và tạo nên 4 tiểu vùng rõ rệt:
- Tiểu vùng I: Gồm 6 xã chiếm 37,9% diện tích tự nhiên toàn huyện. Nằm về phía Đông Bắc của huyện, bao gồm các dãy núi cao, độ dốc lớn, độ cao trung bình 500m so với mặt nước biển.
- Tiểu vùng II: Gồm thị trấn Phù Yên và 8 xã khác chiếm 15,8% diện tích tự nhiên toàn huyện. Nằm về phía Nam huyện, địa hình lòng chảo được bao quanh bởi các dãy núi cao. Đây là vùng có địa hình tương đối bằng so với các vùng khác trong huyện, độ cao trung bình khoảng 175m so với mặt nước biển.
- Tiểu vùng III: Gồm 9 xã vùng sông Đà, chiếm 26,6% diện tích tự nhiên toàn huyện. Nằm về phía Đông Nam của huyện, địa hình phức tạp phần lớn là dãy núi cao, độ dốc lớn, đất bạc màu, tầng canh tác mỏng. Tiểu vùng có mặt nước hồ sông Đà rộng 3.079 ha, độ cao trung bình khoảng 250-300m so với mặt nước biển.
- Tiểu vùng IV: Gồm 3 xã, chiếm 19,6% diện tích tự nhiên toàn huyện, địa hình đồi núi cao, phức tạp, đất đai thường bị rửa trôi, bạc màu, 1/3 diện tích tự nhiên của vùng là đồi trọc. Độ cao trung bình là khoảng 800-1000m so với mặt nước biển (Phòng TNMT huyện Phù Yên, 2017).
3.1.1.3. Khí hậu
Huyện Phù Yên nằm ở khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, mưa nhiều và được chia thành 2 mùa rõ rệt:
Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 9, lượng mưa phân bố không đều tập trung vào tháng 6,7,8, cùng với địa hình nghiêng dốc, nên các tháng này thường hay gây ra lũ lụt, đất bị rửa trôi mạnh, bạc màu nhanh.
Mùa khô từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau cộng với gió tây khô nóng làm cho mùa này thiếu nước nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển kinh tế, đặc biệt sản xuất nông, lâm nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.
Nhiệt độ không khí: Nhiệt độ không khí trung bình là 20,90C. Độ ẩm không khí giao động từ 75-85%. Lượng mưa trung bình: 1500-1600mm/năm. Lượng bốc hơi trung bình: 800mm/năm. Tổng số giờ nắng bình quân là
1825giờ/năm, số giờ nắng giữa 2 mùa chênh lệch không lớn tạo ra điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nông, lâm nghiệp.
Về hướng gió thịnh hành 2 hướng gió chính, gió mùa đông bắc từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau. Gió tây nam từ tháng 3 đến tháng 9, đặc biệt từ tháng 3 đến tháng 5 còn chịu ảnh hưởng của gió nóng (UBND huyện Phù Yên, 2017).
3.1.1.4. Thủy văn
Phù Yên có hệ thồng sông suối khá dày, toàn huyện có 1.200 con suối lớn nhỏ tạo thành 36 phễu đầu nguồn chảy vào 4 hệ thống sông chính là: Suối Tấc, Suối Sập, Suối Mía, Suối Khoáng. Đặc biệt trên địa bàn huyện có Sông Đà chảy qua, nằm về phía Nam huyện với chiều dài qua huyện là 53km (Phòng TNMT huyện Phù Yên, 2017).
Nguồn nước tương đối phong phú nhưng do địa hình phức tạp, chia cắt mạnh, độ dốc lớn, đã tạo ra tính đa dạng của dòng chảy. Nhìn chung lòng suối khe lạch diện tích hẹp, độ dốc lớn, mực nước so với mặt canh tác thấp nên hiệu quả phục vụ sản xuất còn thấp. Mùa mưa lưu lượng dòng chảy lớn, tốc độ mạnh thường gây ra lũ quét, xói mòn. Mùa khô suối cạn kiệt, gây ra thiếu nước nghiêm trọng.