Hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp tăng cường quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường tại huyện phù yên, tỉnh sơn la (Trang 109 - 111)

Phần 4 Kết quả nghiên cứu và thảo luận

4.3. Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến quản lý nhà nước về bảo vệ mô

4.3.5. Hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường

Việc ban hành chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường và các luật khác có liên quan đến công tác bảo vệ môi trường là điều tất yếu khách quan, là công

cụ quản lý, điều hành việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường cũng như việc quản lý chất thải nhằm phòng chống ô nhiễm môi trường.

Nhìn chung, cho đến nay hệ thống pháp luật về môi trường ở nước ta đã phát triển cả nội dung và hình thức, điều chỉnh tương đối đầy đủ các thành tố tạo nên môi trường. Hệ thống các tiêu chuẩn của môi trường cũng đã được ban hành làm cơ sở cho việc kiểm soát, đánh giá tác động môi trường. Các văn bản pháp luật được ban hành bước đầu đã tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động quản lý nhà nước về BVMT, nâng cao nhận thức của cơ quan nhà nước, tổ chức, công dân đối với vấn đề môi trường.

Tuy nhiên, nhìn vào tổng thể hệ thống pháp luật của nước ta hiện nay, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy các quy định của pháp luật về BVMT còn rất nhiều bất cập và hạn chế trước yêu cầu của phát triển bền vững:

Một là, chưa có sự gắn kết chặt chẽ, hữu cơ giữa các quy định về phát triển kinh tế với các quy định về BVMT. Yếu tố môi trường chưa thực sự được coi trọng và tính đến nhiều trong quá trình xây dựng và ban hành luật như các vấn đề về thương mại, đầu tư và phát triển kinh tế bởi những đòi hỏi bức xúc về phát triển kinh tế. Hầu hết các văn bản quy phạm pháp luật về kinh tế còn chưa tính đến chi phí môi trường trong sản xuất kinh doanh. Còn thiếu vắng những công cụ kinh tế nhằm BVMT như lệ phí môi trường, thuế môi trường, người gây ô nhiễm phải trả tiền… làm cho công tác BVMT không phát huy được sự kích thích từ góc độ kinh tế đối với những chủ thể sử dụng các thành phần môi trường cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, gây ảnh hưởng đến môi trường, sinh thái. Vì thế, có thể nói rằng hiện tại các chính sách, pháp luật về kinh tế chưa thực sự “thân môi trường”.

Hai là, các quy định của pháp luật về BVMT tương đối đầy đủ cả ở luật nội dung và hình thức nhưng chưa có một cơ chế pháp lý hữu hiệu trong việc kiểm soát các hoạt động tác động vào tự nhiên, ảnh hưởng đến môi trường, sinh thái: Các chế tài chưa thích hợp. và chưa đủ mạnh để trừng trị và răn đe những hành vi vi phạm. Vì vậy, nghĩa vụ đánh giá tác động môi trường của các chủ thể tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh hầu như còn hình thức. Các hoạt động gây ảnh hưởng đến môi trường, sinh thái như gây ô nhiễm nguồn nước, không khí, chặt phá rừng... vẫn tiếp tục diễn ra, không được ngăn chặn triệt để.

Ba là, những quy định về biện pháp xử lý vi phạm giữa các văn bản pháp luật về môi trường còn có những khoảng trống nên không có biện pháp xử lý thích hợp đối với chủ thể vi phạm. Vì thế, hiệu quả của việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường còn thấp.

Bốn là, pháp luật về trách nhiệm dân sự trong lĩnh vực BVMT còn quá chung chung, khó áp dụng. Mặc dù, các quy định về bồi thường thiệt hại của người có hành vi gây ô nhiễm môi trường đã được đề cập nhưng các quy định này chỉ dừng lại ở mức độ chung chung. Trách nhiệm chấm dứt hành vi vi phạm, khôi phục lại môi trường và bồi thường thiệt hại chỉ được quy định trong văn bản pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính. Còn đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường mới chỉ dừng lại ở quy định chung chung, mang tính nguyên tắc trong Luật BVMT, Bộ luật Dân sự, đến nay vẫn chưa được quy định cụ thể, hướng dẫn thực hiện. Ngay trong các quy định pháp luật về bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường, đến nay cũng chưa có quy định nào hướng dẫn về các phương pháp xác định thiệt hại, xác định mức bồi thường.

Luật và các văn bản liên quan đến ngành còn thiếu và chưa sát với thực tế địa phương; Chưa có cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành trong tỉnh với ngành tài nguyên và môi trường trong việc triển khai thực thi luật bảo vệ môi trường; Chưa có chính sách và cơ chế để khuyến khích các thành phần kinh tế, tổ chức, cá nhân đầu tư vào các hoạt động bảo vệ môi trường; Chưa có cơ chế, chính sách để huy động sự tham gia của cộng đồng vào các hoạt động bảo vệ rừng, các khu bảo tồn, hoạt động khai thác trái phép khoáng sản, gỗ, xả thải,… Chế tài chưa có tính răn đe dẫn đến các doanh nghiệp tìm mọi cách lách luật. Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014 đã thể chế hóa nhiều nội dung, trong đó nhiều vấn đề mới được đề cập như: Quản lý khí thải, nước thải, chất thải rắn, đa dạng sinh học…Tuy nhiên việc ban hành hướng dẫn triển khai thi hành luật chưa đồng bộ, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước cũng như doanh nghiệp trong việc thực hiện.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp tăng cường quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường tại huyện phù yên, tỉnh sơn la (Trang 109 - 111)