Ngày 09/6/2014 Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Nghị quyết đưa ra 5 quan điểm, 6 nhiệm vụ và 4 giải pháp, trong đó khẳng định “văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước.Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”. Đó là một bước ngoặc quan trọng, khi việc xây dựng văn hóa và con người được xác định là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, có sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của nhà nước và sự vào cuộc của nhân dân.
Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 05 tháng 02 năm 2015 của Ban Bí thư về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội; Thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 20 tháng 12 năm 2016 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết năm 2017; Công điện số 229/CĐ- TTg ngày 12 tháng 02 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội; Quyết định số 308/2005/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 20 tháng 02 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm; Thông tư số 15/TTBVHTTDL ngày 22 tháng 12 năm 2015 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về tổ chức lễ hội và các văn bản chỉ đạo khác liên quan. Trong sự nghiệp đổi mới hiện nay, cùng với quá trình đặt trọng tâm vào đổi mới về kinh tế, phát triển kinh tế
thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định đường lối xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Quan điểm này đánh dấu sự phát triển tư duy lý luận của Đảng, Đường lối đổi mới của Đảng được hình thành, phát triển, không ngừng hoàn thiện gắn liền với quá trình lãnh đạo của Đảng. Các kỳ Đại hội Đảng, căn cứ thực tiễn và dự báo tình hình đất nước, thế giới; căn cứ kết quả thực hiện các quan điểm, chủ trương, mục tiêu đã được xác định và những kinh nghiệm thực tiễn đã được đúc kết, những nhận thức lý luận mới, Đảng bổ sung, phát triển các quan điểm, chủ trương xây dựng đất nước phù hợp với yêu cầu của giai đoạn, thời kỳ mới. Cân nhắc yêu cầu, điều kiện cụ thể của đất nước, kế thừa có chọn lọc và tiếp thu những định hướng được nêu trong Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về văn hóa. Đảng ta đã xác định đặt lên hàng đầu nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được thông qua tại Đại hội lần thứ VII (6-1991) đã xác định nền văn hóa tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc là một trong sáu đặc trưng cơ bản của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Như vậy, nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc vừa là mục tiêu phấn đấu, vừa là một nhiệm vụ trọng yếu trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Tư tưởng về xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc tiếp tục được bổ sung, phát triển đầy đủ và phong phú hơn trong các văn kiện của Đảng sau này. Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII đã chỉ rõ: "Nền văn hóa mà Đảng ta lãnh đạo toàn dân xây dựng là nền văn hóa tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc". Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII đã ra nghị quyết riêng về xây dựng và phát triển
nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng tiếp tục khẳng định: "Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội".
Nhận thức toàn diện và sâu sắc về phương hướng, đặc trưng, nhiệm vụ và giải pháp để xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là một trong những yêu cầu cấp thiết để tạo nên sự thống nhất và đồng thuận xã hội, tạo động lực cho việc triển khai các nghị quyết của Đảng về lĩnh vực văn hóa trong thời kỳ đổi mới hiện nay. Đồng thời, đây cũng là cơ sở để chúng ta kế thừa những quan điểm và thành tựu lý luận này để xây dựng và phát triển văn hoá Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020.
Những quan điểm của Đảng đối với lễ hội là một bộ phận thống nhất chặt chẽ của hệ thống quan điểm về văn hóa không tách rời với các quan điểm khác về văn hóa. Hiến pháp Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 1992, điều 30 quy định: Nhà nước và xã hội bảo tồn, phát triển nền văn hóa Việt Nam dân tộc, hiện đại, nhân văn, kế thừa và phát huy những giá trị của nền văn hiến các dân tộc Việt Nam, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; phát huy mọi tài năng sáng tạo trong nhân dân. Nhà nước thống nhất quản lý sự nghiệp văn hóa. Nghiêm cấm truyền bá tư tưởng và văn hóa phản động, đồi trụy, bài trừ mê tín, hủ tục.
Điều 60 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 có ghi:
Nhà nước, xã hội chăm lo xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.
Nhà nước, xã hội phát triển văn học, nghệ thuật nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần đa dạng và lành mạnh của Nhân dân; phát triển các phương tiện thông tin đại chúng nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của Nhân dân, phục vụ sự nghiệp
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nhà nước, xã hội tạo môi trường xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; xây dựng con người Việt Nam có sức khỏe, văn hóa, giàu lòng yêu nước, có tinh thần đoàn kết, ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân.
Ngày 12 tháng 01 năm 1998 Ban chấp hành Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 27-CT/TW về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội đã đưa ra quan điểm: “Bảo tồn có chọn lọc, cải tiến, đổi mới những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc, loại bỏ dần trong cuộc sống những hình thức lỗi thời, lạc hậu, nghiên cứu xây dựng và hình thành những hình thức vừa văn minh, vừa giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong việc cưới, việc tang lễ hội”.
Đại hội Đảng lần thứ XI thông qua và xác định: "Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển" [10].
Hội nghị lần thứ chín Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước tại Mục II, tr.3 Nghị quyết 33-NQ/TW xác định rõ quan điểm: “ 1. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội; 2. Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học; 3. Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con
người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo; 4. Xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa, trong đó chú trọng vai trò của gia đình, cộng đồng. Phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa; cần chú ý đầy đủ đến yếu tố văn hóa và con người trong phát triển kinh tế; 5. Xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng”.
Như vậy, đường lối, chủ trương, định hướng của Đảng Cộng Sản Việt Nam đối với sự nghiệp lãnh đạo nền văn hóa nước nhà là nhất quán, luôn quan tâm, tạo điều kiện cho sự phát triển không ngừng của nền văn hóa nói chung và hoạt động lễ hội nói riêng. Luôn chú trọng đến việc gắn kết mở rộng giao lưu quốc tế, tiếp thu có chọn lọc những cái hay, cái tiến bộ của những dân tộc khác đồng thời cũng phải biết giữ gìn những bản sắc độc đáo và riêng biệt vốn có của dân tộc Việt Nam.