2.1. Khái quát chung về huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh
2.1.3. Điều kiện kinh tế
Bình Liêu là huyện nằm trong tam giác kinh tế trọng điểm Bắc Bộ: Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và có đường biên giới trên đất liền 42,999 km
dài nhất tỉnh giáp với nước bạn Trung Quốc; đây là cơ hội phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của Huyện là trên 10%/năm (nhiệm kỳ 2005 - 2010 đạt 11,15%/năm, nhiệm kỳ 2010 - 2015 đạt 13%); cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ (năm 2017, nông lâm nghiệp chiếm tỷ trọng 32,55%; tiểu thủ công nghiệp chiếm 19,13%;
thương mại và dịch vụ 48,33%,).
Bình Liêu có Khu kinh tế Cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn là nơi hội tụ tiềm năng để phát triển kinh tế biên mậu với nước bạn Trung Quốc; có vị trí quan trọng nằm trên tuyến “Hai hành lang, một vành đai kinh tế” trong quan hệ chiến lược Việt - Trung, là cầu nối giao lưu kinh tế, thương mại giữa các địa phương trong, ngoài tỉnh Quảng Ninh và Trung Quốc góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện, nâng cao đời sống nhân dân. Ngày 11/4/2012, cửa khẩu Hoành Mô được công nhận là cửa khẩu chính theo Quyết định số 417/QĐ-TTg ngày của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, Khu kinh tế Cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn được quy hoạch phát triển theo khu kinh tế đa ngành, là trung tâm kinh tế, văn hóa, dịch vụ, du lịch của vùng biên giới phía bắc Quảng Ninh.
Bên cạnh đó, Bình Liêu còn có lợi thế đặc biệt về phát triển du lịch với phong cảnh miền núi biên giới tươi đẹp, các di tích thắng cảnh như: Thác Khe Vằn, bãi "Đá thần" ở đỉnh Cao Ba Lanh, núi Cao Xiêm và các giá trị văn hóa dân tộc đặc sắc...
Theo Quyết định số 900/QĐ-TTg ngày 20/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt danh sách xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn 2017 - 2020, huyện Bình Liêu gồm có 07 xã thuộc diện đầu tư Chương trình 135 giai đoạn 2017 - 2020 gồm: Xã Đồng Văn, xã Đồng Tâm, xã Lục Hồn, xã Tình Húc, xã Vô Ngại, xã Húc Động, xã Hoành Mô [27].
Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, kinh tế - xã hội của huyện đã có bước phát triển, hệ thống cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư xây dựng; tuy nhiên, chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân vẫn còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí còn hạn chế; tốc độ phát triển kinh tế giữa các xã, thị trấn trên địa bàn còn chưa đồng đều. Thu nhập bình quân đầu người của Huyện năm 2017 là 1.171,2USD, đạt khoảng 30% của Tỉnh và 50% so với cả nước. Bình Liêu là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo cao nhất tỉnh Quảng Ninh; theo kết quả Tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020 cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo của huyện chiếm 42,69%; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 23,21%, tỷ lệ hộ cận nghèo chiếm 19,48%.