Hỗ trợ giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực hiện chính sách giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện bình liêu, tỉnh quảng ninh (Trang 107 - 111)

3.2. Giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách giảm nghèo đối với đồng

3.2.2. Hỗ trợ giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số

3.2.2.1. Hỗ trợ tăng thu nhập

- Thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo: Tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo vay vốn và tiếp cận các dịch vụ ngân hàng (Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội) đảm bảo nguồn vốn cho vay đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo của quốc gia.

- Dạy nghề cho người nghèo: Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 trên địa bàn huyện Bình Liêu; trong đó, ưu tiên dạy nghề cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực nông thôn, các xã khó khăn, đặc biệt khó khăn, nơi chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang phát triển dịch

vụ, các xã xây dựng nông thôn mới. Phát huy vai trò hoạt động giáo dục nghề nghiệp của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên của huyện; gắn dạy nghề với tạo việc làm đối với lao động nghèo, dạy nghề phù hợp với cơ cấu lao động, cơ cấu ngành nghề của địa phương.

- Khuyến nông, khuyến công và hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật, kiến thức về tổ chức sản xuất, tổ chức cuộc sống: Kiện toàn đội ngũ cán bộ khuyến nông, khuyến lâm, cán bộ thú y trên địa bàn huyện đảm bảo công tác trợ giúp kiến thức nông nghiệp; hướng dẫn các hộ gia đình vay vốn và sử dụng ngồn vốn đạt hiệu quả. Tăng cường bồi dưỡng, tư vấn, nâng cao kiến thức kỹ thuật canh tác, kinh nghiệm sản xuất, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật theo hướng sản xuất hàng hóa nhất là đối với các sản phẩm là thế mạnh của các địa phương. Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn ngắn ngày về chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và đất đai cho hộ nghèo như: Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây dong riềng, cây Hồi, cây Sở, cây dược liệu, kỹ thuật chăn nuôi gia súc (trâu, bò, dê); kỹ thuật nuôi ong… Ngoài ra, tăng cường các hoạt động trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa các hội viên, đoàn viên sản xuất kinh doanh giỏi, giúp hộ nghèo tích lũy thêm kinh nghiệm, tăng hiệu quả trong sản xuất.

- Hỗ trợ ổn định sản xuất, việc làm, chuyển dịch cơ cấu sản xuất cho hộ nghèo: Thực hiện có hiệu quả các chính sách, cơ chế hỗ trợ sản xuất cho hộ nghèo người dân tộc thiểu số. Thực hiện hỗ trợ giống để chuyển đổi vật nuôi, cây trồng có giá trị kinh tế cao; hỗ trợ lãi suất, vật tư, dịch vụ phục vụ sản xuất nông lâm nghiệp, dịch vụ thú y, phòng dịch; thực hiện các dự án di dân tái định cư để tạo cơ hội cho người nghèo ổn định sản xuất, việc làm, phù hợp với đặc điểm của từng xã, thôn, bản, đặc biệt là những xã, thôn giáp biên giới.

Thực hiện có hiệu quả Đề án Hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp hàng năm; hình thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh với

những cây trồng, vật nuôi có lợi thế, có điều kiện phát triển theo tiêu chí nông thôn mới, tạo điều kiện để người nghèo tham gia và tiêu thụ sản phẩm. Thực hiện sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi truyền thống, địa phương phù hợp với các hộ nghèo, cận nghèo như: Phát triển trồng cây dong riềng đối với 05 xã có quy hoạch trồng (Đồng Tâm, Lục Hồn, Tình Húc, Vô Ngại và Húc Động); tăng cường trồng cây rau màu vụ đông gắn với đơn vị chế biến để tăng thu nhập như: Củ cải, khoai tây, rau cải ngồng…; phát triển trồng Sở, hồi phục vụ chế biến dầu sở, tinh dầu hồi…; phát triển trồng cây dược liệu; phát triển chăn nuôi Dê gắn với các vùng núi đá, đồng cỏ; phát triển chăn nuôi ong… Chuyển dịch cơ cấu từ sản xuất nông lâm nghiệp sang dịch vụ cho hộ nghèo bằng hình thức tăng cường xúc tiến thương mại đối với sản phẩm theo chương trình "Mỗi xã, phường một sản phẩm" (OCOP) trên cơ sở thành lập các tổ đội, hợp tác xã liên kết với nhau để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

- Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn: Huy động các nguồn lực từ chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác để đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó ưu tiên đầu tư các tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới (đường nội đồng, cơ sở hạ tầng lớp học, trạm y tế, nhà văn hóa và các công trình, hạ tầng cơ sở vật chất khác). Tiếp tục phát huy có hiệu quả các công trình đầu tư và quan tâm chú trọng đầu tư các dự án vào các thôn, bản đặc biệt khó khăn để đưa các thôn, bản đặc biệt khó khăn thoát ra khỏi Chương trình 135 giai đoạn 2017 - 2020, phấn đấu xã Nông thôn mới.

- Nhân rộng mô hình giảm nghèo: Tăng cường triển khai, nhân rộng mô hình điểm giảm nghèo có hiệu quả, phấn đấu mỗi năm xây dựng ít nhất 02 mô hình giảm nghèo phù hợp với địa phương như nuôi bò bán công nghiệp, nuôi lợn thịt, nuôi dê bán công nghiệp.... Thí điểm một số mô mình mới mang tính tác động trực tiếp đến người nghèo như: Mô hình tạo việc làm công cho người nghèo thông qua thực hiện đầu tư các công trình hạ tầng quy mô nhỏ

(tạo điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo được tham gia ngày công lao động đơn giản để tăng thu nhập cho gia đình); mô hình sản xuất nông - lâm kết hợp, tạo việc làm cho người nghèo gắn với trồng và bảo vệ rừng bằng cách: Giao khoán cho người dân các diện tích rừng phòng hộ, diện tích rừng trồng thuộc Nhà nước quản lý để người dân có thu nhập hàng năm.

3.2.2.2. Tạo cơ hội cho hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản

- Chính sách hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ về y tế, bảo hiểm y tế: Thực hiện cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 100% người thuộc hộ nghèo và hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế theo Luật Bảo hiểm y tế. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cho các trạm y tế xã đi đôi với hoàn thiện cơ cấu tổ chức, năng lực cán bộ y tế cấp xã, thôn bản. Vận động các tổ chức xã hội, tổ chức chính trị xã hội tổ chức khám, chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, lồng ghép các chương trình y tế quốc gia để chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số.

- Chính sách hỗ trợ người nghèo tiếp cận với các dịch vụ về giáo dục: Triển khai thực hiện có hiệu quả và đúng quy định các chính sách về miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho các em học sinh nghèo, cận nghèo. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa hỗ trợ giáo dục cho con em hộ nghèo; vận động các tổ chức, đoàn thể, cá nhân hỗ trợ như: Trao học bổng, nhận đỡ đầu, hỗ trợ dụng cụ học tập, quần áo, phương tiện đi lại... tạo điều kiện cho con em hộ nghèo đến trường. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các trường học; ưu tiên đầu tư trước cho các cơ sở trường, lớp học ở các xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới. Tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi, thu hút đối với giáo viên công tác ở địa bàn khó khăn; khuyến khích xây dựng và mở rộng “Quỹ khuyến học” các cấp. Nâng cao chất lượng hoạt động của các Trung tâm học tập cộng đồng ở các xã, thị trấn; tăng cường đổi mới nội dung, hình thức mở lớp để thu hút học viên tham gia

học tập. Thực hiện hiệu quả việc đưa học sinh lớp 4, 5 ở các điểm trường lẻ về học tập trung ở điểm trường chính để nâng cao độ chuyên cần của học sinh và chất lượng giáo dục.

- Chính sách hỗ trợ người nghèo tiếp cận về nhà ở: Triển khai chương trình hỗ trợ cải thiện nhà ở cho hộ nghèo, đặc biệt là bảo tồn nhà ở truyền thống của đồng bào dân tộc trên địa bàn gắn với phát triển du lịch. Vận động toàn xã hội tham gia đóng góp “Quỹ vì người nghèo” để có nguồn lực hỗ trợ xây nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo; các tổ chức, đoàn thể huy động nguồn lực hỗ trợ xây nhà “Mái ấm tình thương” cho hội viên nghèo...

- Chính sách hỗ trợ người nghèo tiếp cận về nhà vệ sinh, nước sinh hoạt: Triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh góp phần cải thiện đời sống, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; nâng cao sức khỏe và chất lượng sống cho hộ nghèo. Thực hiện đầu tư các công trình nước sinh hoạt; thực hiện cơ chế hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo đầu tư công trình nước phân tán.

- Chính sách an sinh xã hội, trợ giúp người nghèo và các đối tượng yếu thế trong xã hội; Thực hiện đầy đủ chính sách bảo trợ xã hội theo quy định; chủ động có phương án giảm thiểu rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, mất mùa trên diện rộng trên địa bàn toàn huyện. Hàng năm, vào dịp Tết Nguyên đán cổ truyền dân tộc, Huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan tiếp nhận, hỗ trợ lương thực, tiền mặt trợ giúp các hộ nghèo đón Tết vui vẻ, đảm bảo không để hộ nghèo thiếu đói trong dịp Tết; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và tổ chức đoàn thể vận động thăm hỏi, tặng quà cho hộ nghèo đặc biệt, hộ nghèo và các hộ có đối tượng bảo trợ xã hội là đồng bào dân tộc thiểu số.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực hiện chính sách giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện bình liêu, tỉnh quảng ninh (Trang 107 - 111)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(127 trang)