QUAN ĐIỂM MỤC TIÊU VÀ ĐỊNH HƯỚNG QUẢN LÝ NHÀ

Một phần của tài liệu (luận văn thạc sĩ) hoàn thiện công tác quản lý nhà nước về thương mại tại quận thanh khê thành phố đà nẵng (Trang 107 - 110)

6. Tổng quan tài liệu nghiên cứu

3.1. QUAN ĐIỂM MỤC TIÊU VÀ ĐỊNH HƯỚNG QUẢN LÝ NHÀ

NƯỚC VỀ THƯƠNG MẠI TẠI QUẬN THANH KHÊ ĐẾN NĂM 2025

3.1.1. Quan điểm quản lý

- Quản lý thương mại một cách đồng bộ tương xứng với tiềm năng và khai thác tối đa lợi thế so sánh của quận. Trở thành đòn bẩy để phát triển các ngành sản xuất và dịch vụ khác, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phân công xã hội; thực hiện các mục tiêu KT-XH mà quận đề ra phải phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển của quận đề ra và định hướng phát triển trong giai đoạn 10 năm tiếp theo.

- Quản lý thương mại theo chiều rộng, kết hợp với chú trọng phát triển theo chiều sâu, trên cơ sở nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động thương mại và nâng cao giá trị gia tăng thương mại đóng góp vào ngân sách của quận.

- Quản lý thị trường theo hướng mở cửa, đồng hành cùng với thị trường trong nước và ngoài nước có sự gắn kết với việc phát triển đa dạng các loại hình sở hữu doanh nghiệp thương mại, gắn với đầu tư, thực hiện xã hội hoá đầu tư vào hạ tầng cơ sở của ngành thương mại. Quan tâm phát triển các DNVVN, các hộ kinh doanh phù hợp với trình độ phát triển KT-XH đặc thù của địa phương, bên cạnh đó thúc đẩy các hệ thống phân phối hiện đại phát triển, định hướng đúng cho doanh nghiệp về sản xuất và thị trường tiêu dùng.

- Quản lý một cách đồng bộ và hợp lý cơ cấu bán buôn và bán lẻ; cơ cấu hiện đại kết hợp với truyền thống theo hướng nâng cao hiệu quả kinh tế và

hiệu quả xã hội, đồng thời đảm bảo yêu cầu xã hội như tạo thêm việc làm cho người lao động, ổn định cuộc sống, bảo vệ tốt môi trường sinh thái, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Quản lý thương mại theo hướng hiện đại và văn minh thương mại, cơ chế thị trường trên cơ sở tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước, chống các hành vi kinh doanh trái phép, buôn lậu, trốn thuế và gian lận thương mại.

3.1.2. Mục tiêu quản lý

- Quản lý nhà nước về thương mại theo hướng hiện đại dựa trên các cơ cấu ngành hợp lý với sự tham gia của các thành phần kinh tế, vận hành trong môi trường cạnh tranh có sự quản lý và điều tiết của Nhà nước. Trên cơ sở đó, nâng cao vai trò của ngành thương mại trong việc tạo giá trị đóng góp vào GRDP của quận và GRDP thành phố; thu hút lao động xã hội, tạo công ăn việc làm mới; kết nối với sản xuất và tiêu dùng, định hướng theo nhu cầu của thị trường chung.

- Quản lý phù hợp với thị trường theo hướng đáp ứng tốt nhu cầu của sản xuất, đời sống, bảo đảm lưu thông hàng hoá thông suốt, cân đối cung cầu về những mặt hàng trọng yếu cho sản xuất và đời sống, ngày càng có nhiều hàng hoá, chất lượng cao, giá cả hợp lý, đủ sức cạnh tranh.Củng cố trật tự, kỷ cương thị trường, xây dựng ngành thương mại của quận theo hướng văn minh, hiện đại, hướng về thế mạnh chủ lực của quận trong công tác quản lý thương mại.

- Phấn đấu quản lý nền thương mại đến năm 2025, kinh tế của quận Thanh Khê bền vững theo hướng: Thương mại – dịch vụ từ 67%-70%, công nghiệp xây dựng từ 25%-27%, nông nghiệp (thuỷ sản) từ 5%-8%; Tổng mức hàng hóa, dịch vụ bán ra tăng bình quân 8-10%/năm. Gắn phát triển kinh tế với phát triển xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, cân đối, ổn định và bền vững.

3.1.3. Định hướng quản lý

- Nâng cao văn minh thương mại, xây dựng chiến lược phát triển thương mại tổng thể, trên cơ sở đó có thể xây dựng các chiến lược phát triển hoặc đề án phát triển thương mại địa phương, phát triển xuất nhập khẩu, phát triển thương mại hàng hóa và dịch vụ để làm căn cứ và định hướng cho sự phát triển của thương mại trong bối cảnh và điều kiện mới. Trong các chiến lược đó cần chú trọng đến những cơ cấu chủ yếu của thương mại cũng như mối tương quan giữa chúng như: thương mại trong nước và quốc tế (xuất, nhập khẩu); thương mại hàng hóa và dịch vụ; cơ cấu hàng hóa và dịch vụ XNK; cơ cấu thị trường, đối tác; về cán cân thương mại cùng những điều kiện thương mại (tỷ giá, thuế quan và hàng rào phi thuế quan...). Đặc biệt, chiến lược phát triển thương mại cần gắn với chiến lược sản xuất công nghiệp và dịch vụ trong cùng thời kỳ.

- Đưa thương mại phát huy hết các lợi thế so sánh tiềm năng của địa phương; phát triển bán hàng trong các cửa hàng, của hiệu thông qua các phương thức hiện đại (bán hàng qua điện thoại và giao hàng tận nhà, cửa hàng tự chọn thông qua các website thương mại điện tử , dịch vụ sau bán hàng… ).Xây dựng hình thành thêm nhiều tuyến đường phố chuyên doanh mang phong cách hiện đại, tạo mạng lưới kênh phân phối bán hàng đa dạng, đảm bảo lưu thông hàng hóa nhanh, tiện lợi, kích thích nhu cầu mua sắm của người dân.

- Đầu tư mạng lưới chợ, phát triển cung cấp các dịch vụ thương mại, xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh thương mại và hỗ trợ cho doanh nghiệp tham gia các hội trợ triển lãm…không chỉ trên địa bàn thành phố mà còn các tỉnh thành lân cận khu vực miền Trung, Tây Nguyên, toàn quốc…. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, ổn định giá cả, chống sản xuất và buôn bán hàng giả hàng nhái kém chất lượng, không đảm bảo yêu cầu theo tiêu chuẩn quy định, buôn lậu, trốn thuế.

Một phần của tài liệu (luận văn thạc sĩ) hoàn thiện công tác quản lý nhà nước về thương mại tại quận thanh khê thành phố đà nẵng (Trang 107 - 110)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(163 trang)