3.2. Các giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách bảo hiể my tế
3.2.6. Tăng cường công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiể my tế
Công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT luôn được ngành BHXH xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành nhiều năm qua, bởi đây là cơ sở để ngành đạt các mục tiêu Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra. Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT,
toàn dân phải tham gia bắt buộc, mặc dù hiện nay huyện Hướng Hóa đã vượt chỉ tiêu về độ bao phủ BHYT do tỉnh giao, tuy nhiên để đạt được mục tiêu BHYT toàn dân thì việc quản lý và vận động được 8,35% dân số còn lại tham gia BHYT là không hề đơn giản, vì những người chưa tham gia BHYT hầu hết thuộc đối tượng người lao động ngoài quốc doanh - những người chưa thực sự hiểu biết về BHYT và đối tượng hộ gia đình - những người lao động tự do có thu nhập nhưng không muốn tham gia BHYT hoặc chỉ có nhu cầu đi KCB dịch vụ theo yêu cầu, được phục vụ chu đáo, chất lượng dịch vụ cao hơn. Vì vậy, giải pháp cho vấn đề này là:
- Đối với nhóm người lao động ngoài quốc doanh, do người sử dụng lao động và người lao động cùng đóng phí BHYT. Đây là nhóm bắt buộc phải tham gia BHYT theo quy định của Luật BHYT, tuy nhiên vì nhiều lý do khác nhau mà một bộ phận người lao động thuộc nhóm này chưa tham gia. Trong đó, có cả những lý do khách quan và chủ quan thuộc về cả 2 phía. Về phía chủ sử dụng lao động có thể do làm ăn thua lỗ, kinh tế bị khủng hoảng, hoặc trốn đóng BHXH, BHYT để có thêm vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, hay do cố tình chây ì vì chế tài xử lý nhẹ, quản lý còn lỏng lẻo của các cơ quan QLNN liên quan. Về phía người lao động, có thể do ít hiểu biết về BHYT, do không quan tâm, không dám đấu tranh đòi quyền lợi từ người sử dụng lao động vì sợ mất việc làm... Chính vì vậy, cơ quan BHXH các cấp cần phối hợp với chính quyền và các ban ngành có liên quan như Liên đoàn lao động, Chi cục thuế,… nắm bắt được tình hình, số lượng các đơn vị và người lao động trong từng đơn vị, số tiền phải thu BHYT hàng tháng, quý, năm để kịp thời xử lý, chống thất thu quỹ BHYT. Như vậy, cần phải xác định rõ và thống nhất những chỉ tiêu thống kê và các biểu mẫu thống kê để theo dõi và quản lý. Các chỉ tiêu thống kê liên quan đến vấn đề này phải bao gồm: số đơn vị phải tham gia, số lao động chưa tham gia và lý do chưa tham gia BHYT, số tiền phải thu, số thực thu, số tiền nợ đọng, trốn đóng BHYT; số đơn vị và số
người lao động biến động tăng giảm theo tháng, quý, năm... Để làm được công việc này, đòi hỏi cán bộ thu BHYT phải có tinh thần trách nhiệm cao và có năng lực thực sự; cơ quan BHXH cần phải có sự phân công, phân cấp rõ ràng. Kiên quyết loại bỏ quan niệm cho rằng các đối tượng phải tham gia BHYT bắt buộc nên xem nhẹ công tác kiểm tra, đôn đốc. Theo con số thống kê ước tính, năm 2018 huyện Hướng Hóa vẫn còn khoảng gần 15% số đơn vị và gần 9% số lao động thuộc nhóm này chưa tham gia BHYT. Vì vậy, quản lý chặt chẽ đối tượng thuộc nhóm này chắc chắn nguồn thu cho quỹ BHYT sẽ phát triển nhanh trong thời gian tới.
- Đối với nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình, chiếm phần lớn các đối tượng chưa tham gia BHYT. Nhóm đối tượng này có đặc điểm là trình độ dân trí thấp, thu nhập bấp bênh. Một bộ phận là người lao động tự do, tự tìm kiếm việc làm, nơi làm việc không cố định. Một bộ phận khác là những người kinh doanh chuyên nghiệp, thu nhập cao nên sẵn sàng chi trả một khoản chi phí lớn khi đi KCB. Nói chung, nhóm đối tượng này khá phức tạp nên để vận động, tuyên truyền cho họ tham gia BHYT là rất khó khăn. Vì vậy, cơ quan BHXH cấp huyện cần nắm chính xác số hộ gia đình, số người đã tham gia và chưa tham gia BHYT, tình hình biến động của những chỉ tiêu này qua các năm... Sau đó, tiến hành tuyên truyền, vận động, giải thích để họ hiểu và lựa chọn. Để huy động được nhóm đối tượng này, các lãnh đạo cấp xã, phường phải chủ động vào cuộc và cùng với cán bộ BHYT bám sát địa bàn mà mình phụ trách; cơ quan BHXH cũng cần mở rộng hệ thống Đại lý thu BHYT, bố trí các điểm thu, nhân viên đại lý thu đến vận động từng gia đình, phát động thi đua và giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHYT cho từng Đại lý, kịp thời biểu dương, khen thưởng và nhân rộng các cá nhân điển hình trong phòng trào thi đua, thường xuyên tập huấn nâng cao năng lực và cập nhật chính sách, pháp luật mới về BHYT cho các Đại lý.
Ngoài ra, cơ quan BHXH cũng cần lưu ý đến các nhóm đối tượng khác. Cán bộ BHYT phải chủ động, tích cực phối hợp với cấp xã rà soát đối tượng tham gia BHYT được ngân sách đóng và hỗ trợ đóng hết hạn hoặc không được tiếp tục hỗ trợ đóng trong năm 2019 để kịp thời tuyên truyền vận động đối tượng tham gia liên tục.
3.2.7. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bảo hiểm y tế
Việc triển khai ứng dụng CNTT trong quản lý BHYT nhằm đáp ứng mục tiêu xây dựng hệ thống thông tin đồng bộ phục vụ các hoạt động quản lý BHYT như cấp thẻ BHYT cho người dân, thực hiện KCB và thanh quyết toán chi phí KCB BHYT dựa trên nền tảng công nghệ tiên tiến, góp phần cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh, bảo đảm công khai, minh bạch trong quản lý BHYT, nâng cao hiệu quả QLNN về BHYT. Đây là việc làm không những giảm phiền hà, chống tiêu cực trong ngành mà còn chống lạm dụng quỹ BHYT cả khu vực đầu vào và đầu ra. Cải cách hành chính thực sự sẽ là một cuộc thay đổi về chất để có điều kiện phục vụ nhân dân tốt nhất, nâng cao vị thế của ngành BHXH, của chính sách BHYT và lòng tin đối với các đối tượng tham gia BHYT. Tuy nhiên, để việc ứng dụng CNTT trong quản lý BHYT đạt hiệu quả cao, ngành BHXH cần phải có giải pháp đào tạo nguồn nhân lực kết hợp song song với trang bị cơ sở vật chất và các phần mềm liên thông toàn quốc, cụ thể là :
Thứ nhất, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, nâng cao hiệu quả quản lý, hiện
đại hóa hệ thống trong mọi hoạt động. Hoàn thành đồng bộ cơ sở dữ liệu tập trung, liên thông phục vụ việc tin học hóa các hoạt động của ngành theo đúng lộ trình, nhất là các hoạt động liên quan đến phục vụ người dân và doanh nghiệp. Triển khai ứng dụng dịch vụ thông tin trên thiết bị di động, dịch vụ tin nhắn SMS đến người dân và doanh nghiệp. Tiến hành cấp thẻ BHYT điện tử khi có hướng dẫn của BHXH Việt Nam. Quản trị hệ thống mạng tại cơ quan BHXH đảm bảo bảo mật dữ liệu, an toàn an ninh thông tin ngành BHXH.
Thứ hai, triển khai có hiệu quả công tác giám định BHYT trên hệ thống thông tin giám định điện tử nhằm nâng cao hiệu quả của việc giám định, thanh, quyết toán chi phí KCB BHYT và quản lý thông tuyến KCB BHYT của người tham gia BHYT trên địa bàn, ngăn chặn được nguy cơ lạm dụng quỹ BHYT cả từ phía cơ sở KCB và từ phía người dân.
Thứ ba, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng trình độ sử dụng phần mềm quản lý BHYT cho các cán bộ thực hiện, thường xuyên cập nhật kiến thức và cách thức sử dụng cho cán bộ thực hiện khi có sự thay đổi hoặc nâng cấp phần mềm.