Quan điểm của lãnh đạo và các chính sách quản trị nhân lực trong doanh nghiệp: những quan điểm, nhận thức của lãnh đạo tổ chức về nâng cao chất lượng nhân lực sẽ tác động tới hệ thống chính sách, sự đầu tư cho nguồn lực này ở các mức độ khác nhau. Bên cạnh đó, các chính sách quản trị nhân lực trong tổ chức (như tuyển dụng, đào tạo, bố trí, sắp xếp lao động, đão ngộ, lương thưởng,…) có tác động trực tiếp đến hoạt động nâng cao chất lượng nhân lực.
Thực hiện tốt các chính sách này sẽ giúp tổ chức có nhân lực đủ mạnh về chất và lượng phục vụ vì mục tiêu, chiến lược của mình.
Chiến lược phát triển, kế hoạch hành động của tổ chức: Căn cứ vào chiến lược phát triển, kế hoạch hành động mà tổ chức lên kế hoạch về chất lượng nhân lực: bao gồm kiến thức, kỹ năng cần thiết, đánh giá chất lượng nhân lực hiện tại, so sánh và đưa ra số lao động cần thiết theo trình độ lành nghề, kỹ năng đã đạt yêu cầu của công việc đặt ra để từ đó có kế hoạch đào tạo nâng cao nhằm cải thiện chất lượng nhân lực, đáp ứng nhu cầu hoạt động của tổ chức.
Môi trường làm việc: môi trường làm việc gồm tất cả những gì có liên quan, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động và sự phát triển, nâng cao năng lực của mỗi người lao động, môi trường làm việc gồm cơ sở vật chất kĩ thuật, hạ tầng trang thiết bị phục vụ cho công việc và những mối quan hệ giữa đồng nghiệp, cấp trên - cấp dưới, không khí, phong cách làm việc của tổ chức. Một môi trường làm việc tốt là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển của người lao động cũng như quyết định đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức.
Nhận thức của người lao động về nâng cao chất lượng nhân lực: Muốn nâng cao chất lượng, trước tiên chính bản thân người lao động phải nhận thức được sự phù hợp của bản thân đối với công việc, những kiến thức, kĩ năng, phẩm chất đã có, từ đó ý thức, tự giác học hỏi nâng cao kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn, tay nghề, tích lũy, kinh nghiệm cho bản thân.