Tăng cường đào tạo chuyên môn và nâng cao trình độ nhân lực

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Nâng cao chất lượng nhân lực tại Trường Cao đẳng y tế Hải Phòng (Trang 73 - 75)

Đặc thù là ngành chăm sóc sức khỏe cho con người nên thời gian đào tạo trong lĩnh vực y tế cũng dài hơn, khắt khe và tốn kém hơn các ngành khác. Nhà trường cần phải cân đối để có kế hoạch đào tạo hợp lý, đúng nhu cầu, đảm bảo vẫn đủ lao động làm việc. Vì vậy tác giả đề xuất một số giải pháp:

- Mục tiêu đào tạo: cần xác định rõ mục tiêu cụ thể là đào tạo đội ngũ nhân lực có trình độ, năng lực và phẩm chất đáp ứng yêu cầu công việc, phục vụ cho sự phát triển của nhà trường trong hiện tại và tương lai.

- Đối tượng đào tào: đúng người đúng mục đích, đúng thời điểm, đảm bảo hiệu quả công việc sau đào tạo. Việc đào tạo cần ưu tiên đối với giảng viên để

nâng cao trình độ từ đó nâng cao chất lượng giảng dạy. Tiếp đó là bồi dưỡng quản lý nhà nước cho các cấp quản lý, đây chính là những người giữ vai trò quyết định để nâng cao chất lượng nhân lực của nhà trường.

- Kế hoạch đào tạo phải rõ ràng, cụ thể, việc thực hiện không làm ảnh hưởng đến hoạt động hiện tại và kế hoạch hoạt động trong tương lai của tổ chức. Chi phí đào tạo được tính toán cụ thể, hạn chế tối đa phát sinh.

- Nội dung đào tạo: đào tạo lý thuyết song song với thực hành. Do đặc thù ngành y, giảng viên bên cạnh dạy lý thuyết thì phải giảng dạy thực hành cho sinh viên và tham gia lâm sàng tại các bệnh viện. Do vậy nhà trường cần liên kết chặt chẽ với các bệnh viện trong địa bàn thành phố để đảm bảo đủ giờ lâm sàng cho giảng viên, đây cũng chính là quá trình để giảng viên vững tay nghề thực hành của mình.

Bên cạnh đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cũng cần chú ý đào tạo các kỹ năng cần thiết: kỹ năng lập kế hoạch và tổ chức công việc, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng tiếng anh, tin học … Đây là những kỹ năng rất cần đối với người lao động trong giai đoạn mở cửa hội nhập như hiện nay.

- Xây dựng chương trình đánh giá sau đào tạo: việc đánh giá chất lượng nhân lực sau đào tạo đóng vai trò quan trọng khi đánh giá kế hoạch đào tạo thành công hay không. Việc đánh giá sau đào tạo không chỉ dựa trên bằng cấp, chứng chỉ, kết quả học tập mà còn căn cứ vào chất lượng công việc sau hoàn thành đào tạo, và đánh giá từ phía người học để có kết quả chính xác nhất. Bên cạnh đó nhà trường cũng cần lấy ý kiến đánh giá, đóng góp của chính người lao động tham gia đào tạo để biết được người lao động cần gì và mong muốn gì về một chương trình đào tạo, làm cơ sở để chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp các chương trình đào tạo lần sau.

- Kinh phí đào tạo: Do kinh phí đào tạo có hạn, nhà trường không thể chi trả tất cả các khoản chi phí phát sinh trong quá trình đào tạo cho toàn bộ người lao động khi họ tham gia đào tạo, do đó nhà trường nên xem xét chi trả toàn bộ chi phí khi tham gia đào tạo cho những người lao động có thành tích xuất sắc

trong quá trình đào tạo. Đối với những trường hợp còn lại hỗ trợ một phần chi phí đào tạo. Biện pháp này là động lực thúc đẩy người lao động nghiêm túc học tập để đạt kết quả tốt hơn.

- Sử dụng lao động sau đào tạo: sau khi kết thúc đào tạo, cần bố trí sắp xếp những lao động đó vào những vị trí công việc phù hợp, liên quan đến kiến thức họ được đào tạo. Điều này vừa giúp người lao động áp dụng được kiến thức vừa học vào thực tiễn, nâng cao hiệu quả làm việc, vừa có tác dụng khuyến khích người lao động chủ động tìm kiếm, đào tạo, đề bạt vào vị trí công việc phù hợp với bản thân.

Một phần của tài liệu Luận văn Thạc sĩ Nâng cao chất lượng nhân lực tại Trường Cao đẳng y tế Hải Phòng (Trang 73 - 75)