Về củng cố hệ thống chính trị

Một phần của tài liệu LUẬN văn vấn đề ổn định chính trị xã hội trên địa bàn tỉnh thái bình thực trạng và giải pháp (Trang 80 - 86)

- Những nhân tố về hệ thống chính trị và các thể chế chính

2.2.2. Về củng cố hệ thống chính trị

Sau thời kỳ 1996 - 1998, tỉnh đặc biệt chú trọng xây dựng củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở.

- Xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng ở nông thôn

Tiến hành đợt sinh hoạt tự phê bình, phê bình trong toàn Đảng, kiểm điểm về trách nhiệm của tập thể, cá nhân đảng viên trong việc để xảy ra mất ổn định tình hình; đấu tranh phê phán những đảng viên cố chấp đi khiếu kiện hoặc đứng sau kích động quần chúng. Tiến hành đánh giá, phân loại, xử lý đảng viên sai phạm. Do vậy, bước đầu đã tạo sự thống nhất trong Đảng, nâng cao trách nhiệm của đảng viên.

Chấn chỉnh kỷ cương, nâng cao chất lượng sinh hoạt, đưa các chế độ công tác Đảng vào nền nếp. Mở rộng dân chủ trong sinh hoạt đảng, bảo đảm quyền phê bình, đấu tranh của đảng viên trên tinh thần xây dựng. Những băn khoăn thắc mắc của đảng viên được giải đáp, kết luận rõ. Nội dung sinh hoạt được đổi mới theo hướng cụ thể, thiết thực, quan tâm phát triển kinh tế - xã hội gắn với những chủ trương, biện pháp ổn định tình hình. Nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình trong đảng được thực hiện tốt hơn.

Tập trung kiện toàn đội ngũ cán bộ sau thanh tra, kiểm tra. Do số cán bộ bị xử lý nhiều, đặt ra yêu cầu phải thay thế, bổ sung cán bộ để đáp ứng yêu cầu ổn định tình hình. Quy trình kiện toàn cán bộ thực hiện dân chủ, lấy ý kiến từ chi bộ đến đảng bộ và tham gia của nhân dân. Nhìn chung, số cán bộ mới được kiện toàn tuy trình độ còn hạn chế, nhưng được nhân dân tín nhiệm. Đến tháng 4-1999, đã bổ sung 347 cấp ủy mới, kiện toàn 7 chức danh (bí thư, phó bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân và chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp) là 549 đồng chí. Cùng với kiện toàn cán bộ xã, đã tập trung chỉ đạo đại hội các chi bộ, kiện toàn các ban chi ủy, bầu xóm trưởng theo quyết định 242 của ủy ban nhân dân tỉnh theo hướng thực sự dân chủ [51, tr. 8].

Sau khi kiện toàn, đã tập trung bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ xã, xóm theo hình thức tập huấn ngắn ngày, cập nhật những kiến thức cần thiết giúp cho đội ngũ cán bộ bắt tay ngay

được vào công việc. Đồng thời để chuẩn bị cho lâu dài. Đã chọn cử 2 đợt thanh niên ưu tú đã tốt nghiệp phổ thông trung học nhập ngũ với tổng số 570 đồng chí, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự về đào tạo tại trường Chính trị và trường Cao đẳng kinh tế kỹ thuật tỉnh để tạo nguồn cán bộ cho cơ sở.

Tăng cường công tác quản lý đảng viên, tiến hành phân công công tác cho đảng viên, gắn trách nhiệm của đảng viên với từng địa bàn dân cư, từng hộ gia đình, phân công những đảng viên có uy tín, tín nhiệm giúp đỡ, cảm hóa số đầu đơn quá khích. Đẩy mạnh công tác phát triển đảng.

- Nâng cao chất lượng hoạt động của chính quyền cơ sở

Cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân 1999 - 2004, tuy diễn ra trong thời điểm tình hình trong tỉnh mất ổn định, song do có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy Đảng trong tỉnh nên đã đạt kết quả tốt, bảo đảm tiêu chuẩn và cơ cấu (có bảng so sánh kèm theo). Hoạt động Hội đồng nhân dân có chuyển biến tiến bộ trong việc quyết định những vấn đề kinh tế - xã hội ở địa phương, tăng cường chức năng kiểm tra, giám sát hoạt động chính quyền cơ sở, tập trung vào các lĩnh vực quản lý đất đai, thu chi ngân sách, xây dựng cơ bản. Đổi mới công tác tiếp xúc, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của cử tri bằng nhiều hình thức, phản ánh kịp thời trong các kỳ họp, phát huy trách nhiệm của đại biểu Hội đồng nhân dân trong việc tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Kiện toàn đội ngũ cán bộ chính quyền cơ sở. Theo Nghị quyết 09/CP, đã tập trung xây dựng quy chế làm việc của ủy ban nhân dân, phân công trách nhiệm từng thành viên ủy ban nhân dân, chỉ đạo rà soát lại các văn bản đã ban hành, loại bỏ những văn bản không còn hiệu lực, trái quy định hoặc chồng chéo, nhất là trên lĩnh vực quản lý tài chính, xây dựng cơ bản, việc thu đóng góp của dân. Chấn chỉnh phong cách, lề lối làm việc, công tác tiếp, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công nhân, lắng nghe ý kiến, kiến nghị và nguyện vọng chính đáng của nhân dân để tập trung giải quyết ngay tại cơ sở, tránh tình trạng đùn đẩy lên cấp trên. Công tác điều hành của ủy ban nhân dân đã có chuyển biến đáng kể, giảm bớt quan liêu, phiền hà, nâng cao trách nhiệm trước dân.

- Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân được củng cố về tổ chức đổi mới phương thức hoạt động.

Tập trung vào việc khắc phục tính hình thức và hành chính hóa trong hoạt động, theo hướng tăng cường vận động, thuyết phục đoàn viên, hội viên tham gia ổn định tình hình. Thông qua triển khai các chương trình kinh tế - xã hội, các cuộc vận động "xóa đói giảm nghèo", 'toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư", "xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở", các phong trào "đền ơn đáp nghĩa", "giúp nhau lập nghiệp" đã gắn kết được giữa lợi ích với nghĩa vụ, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, hội viên. Bằng nhiều hình thức hoạt động phong phú, Mặt trận Tổ quốc và

các đoàn thể nhân dân đều có đóng góp tích cực trong việc ổn định tình hình, đặc biệt là Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi.

- Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc giải quyết

ổn định tình hình và tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Khi tình hình mất ổn định, nội bộ nhân dân phân hóa, thiếu tin vào cấp ủy, chính quyền. Vì vậy, phải làm tốt công tác chính trị tư tưởng, thực hiện phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra". Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng các chủ trương, biện pháp ổn định tình hình, cử đại diện của mình tham gia công tác thanh tra; coi trọng việc lấy ý kiến của nhân dân tham gia xây dựng Đảng... đã góp phần tích cực vào ổn định tình hình ở địa phương.

Tuy nhiên cũng còn nhiều tồn tại, yếu kém tiềm ẩn những khả năng có thể dẫn đến mất ổn định, đó là:

a) Vai trò lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng nhìn chung còn nhiều hạn chế, còn nhiều mặt bất cập trước đòi hỏi của tình hình và yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới. Nhiều tổ chức cơ sở đảng còn thụ động, ỷ lại vào cấp trên, chưa thấy hết vai trò và trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết các vấn đề đặt ra ở cơ sở. Một số nơi nội bộ vẫn biểu hiện mâu thuẫn mất đoàn kết, chưa tạo được sức mạnh.

b) Chất lượng sinh hoạt Đảng, đoàn thể còn thấp. Đấu tranh phê bình và tự phê bình trong nội bộ ở nhiều nơi còn yếu, biểu hiện chung là hữu khuynh, nể nang, tránh né hoặc chỉ nặng phê bình người khác, phê phán cấp trên nhưng không nghiêm túc tự phê bình mình.

c) Đội ngũ đảng viên đông nhưng chưa mạnh, nhiều nơi lúng túng trong việc phân công nhiệm vụ cho đảng viên; chưa phát huy rõ nét vai trò tiền phong gương mẫu của đảng viên. Một bộ phận đảng viên biểu hiện tư tưởng bàng quan, không có quan điểm chính kiến rõ ràng, giảm sút ý chí chiến đấu, đúng không bảo vệ, sai không đấu tranh, giám sút niềm tin vào lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng. Một số ít gắn động cơ cá nhân đứng ngoài chỉ đạo, kích động quần chúng hoặc cơ hội lợi dụng tình hình để thực hiện mục tiêu của mình. Một số ý thức tổ chức kỷ luật kém, phát ngôn tùy tiện trái với chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

d) Đội ngũ cán bộ cơ sở đã được củng cố kiện toàn, nhưng nói chung mới đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của tình thế trước mắt; một số tuy tuổi còn trẻ nhưng chưa được đào tạo, thiếu kinh nghiệm, lúng túng trong công việc; một số có tín nhiệm, nhưng tuổi cao, sức khỏe yếu hạn chế và khó khăn trong lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ, nhất là lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế -

xã hội. Một bộ phận giảm sút ý chí, tinh thần trách nhiệm và nhiệt tình công tác, biểu hiện tư tưởng chỉ chờ đến hết khóa sẽ xin nghỉ.

đ) Hệ thống chính quyền ở cơ sở còn nhiều mặt hạn chế, việc nắm pháp luật và điều hành quản lý xã hội còn lúng túng. Có biểu hiện hữu khuynh, buông lỏng công tác quản lý, né tránh, sợ va chạm, trước các việc sai trái xảy ra như: tự do lấy đất đóng gạch phá mặt bằng canh tác, chây ỳ thuế và các khoản đóng góp... không dám xử lý theo pháp luật.

e) Các đoàn thể nhân dân nói chung thời gian đầu còn lúng túng, chưa tích cực tham gia vào việc giải quyết tình hình ở cơ sở. Một số đoàn thể tỷ lệ tập hợp đoàn viên, hội viên thấp; một bộ phận không gắn bó tha thiết với tổ chức của mình, không nắm được chủ trương, chính sách, pháp luật, dễ bị lôi kéo kích động nên chưa góp phần tích cực vào việc ổn định tình hình. Vai trò của nhiều đoàn thể yếu, còn lúng túng bị động trong việc xác định nội dung phương thức hoạt động.

Một phần của tài liệu LUẬN văn vấn đề ổn định chính trị xã hội trên địa bàn tỉnh thái bình thực trạng và giải pháp (Trang 80 - 86)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(158 trang)
w