Tình hình phát triển kinh tế

Một phần của tài liệu LUẬN văn vấn đề ổn định chính trị xã hội trên địa bàn tỉnh thái bình thực trạng và giải pháp (Trang 95 - 102)

- Những nhân tố về hệ thống chính trị và các thể chế chính

2.2.6.1. Tình hình phát triển kinh tế

Sau một năm triển khai thực hiện Nghị quyết 06/TU, tổng sản phẩm xã hội (GDP) tăng 4,6% so với năm 1997, trong đó khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 3,31%, công nghiệp và xây dựng cơ bản tăng 4,69%, dịch vụ tăng 7,09%. Sản xuất nông nghiệp vẫn giành thắng lợi tương đối toàn diện. Năng suất lúa đạt 114,83 tạ/ ha; sản lượng lương thực giữ ở mức trên 1 triệu tấn trong nhiều năm qua. Đàn lợn trâu bò, gia cầm, nuôi trồng và đánh bắt thủy, hải sản

đều tăng hơn năm trước. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 4,9%, trong đó công nghiệp quốc doanh tăng 28,5%. Một số xí nghiệp đã đầu tư, đưa vào hoạt động có hiệu quả như: gạch ốp lát, các cơ sở may mặc, giày vải, sản xuất vật liệu xây dựng. Lưu thông hàng hóa giữ được ở mức bình thường. Ngân sách địa phương tuy có nhiều khó khăn nhưng vẫn đáp ứng được yêu cầu duy trì các hoạt động thường xuyên của tỉnh. Đời sống nhân dân được giữ vững và có mặt được cải thiện. Các hoạt động văn hóa xã hội được giữ vững, một số lĩnh vực như giáo dục đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, văn hóa thông tin và thể thao phát triển khá.

Các ngành của tỉnh đã tập trung triển khai một số dự án mới như dự án chế biến, bảo quản lúa sau thu hoạch, đưa vào sản xuất 2 dây chuyền giày vải xuất khẩu; đề nghị Chính phủ triển khai dự án đường 10 và các thủ tục khởi công thăm dò dầu khí,... tỉnh đã đề ra 5 chương trình kinh tế trọng điểm thực hiện từ năm 1999, nhằm phát huy nội lực, khai thác mọi tiềm năng và thế mạnh sẵn có trong tỉnh, tranh thủ thời cơ, tập trung cao độ mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế; vừa tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế để khắc phục sự tụt hậu so với cả nước và các tỉnh trong khu vực, vừa tiếp tục khắc phục những sai lầm, khuyết điểm trong thời gian vừa qua để bảo đảm ổn định vững chắc tình hình chính trị xã hội. Trước mắt tập trung cho phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Thứ nhất: Chương trình sản xuất, chế biến, lúa gạo hàng hóa

xuất khẩu với mục tiêu tạo bước chuyển biến mới về chất lượng lúa, gạo trong tỉnh, giữ ổn định 1 triệu tấn lương thực trở lên/ năm để bảo đảm an ninh lương thực cho tỉnh, miền Bắc và cả nước. Năm 1999 sản xuất, chế biến 1.000 tấn gạo có chất lượng cao. Dự kiến đến năm 2005, sản xuất chế biến 3 vạn tấn gạo hàng hóa xuất khẩu [60, tr. 6].

Thứ hai: Chương trình sản xuất, chế biến thịt lợn xuất khẩu,

mục tiêu của chương trình nhằm từ năm 1999 giữ vững thị trường lợn sữa, mở rộng thị trường xuất khẩu lợn choai và lợn mảnh, phấn đấu sản xuất, chế biến xuất khẩu 2000 tấn thịt lợn sữa, 300 - 500 tấn thịt lợn choai ngoại và 100 tấn thịt lợn mảnh, đến năm 2000 đạt 5.000 - 6.000 tấn thịt lợn xuất khẩu/ năm. Tăng quy mô đàn lợn kể cả lợn nái để có nhiều lợn sữa và đàn lợn thịt theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả [60, tr. 7].

Thứ ba: Chương trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ nấm và rau

quả.

Mục tiêu tạo thêm việc làm cho hàng vạn lao động, nâng cao thu nhập cho nông dân, tăng giá trị hàng hóa xuất khẩu, phát triển làng nghề, góp phần tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Đến năm 2005 phấn đấu đạt 1.000 tấn nấm đã chế biến tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Phát triển nghề trồng nấm sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng gặp nhiều khó khăn cần phải có bước đi thích hợp. Từ 1999, tập trung du nhập, chọn lọc, phục hồi các giống có năng suất cao, chất lượng tốt, bao gồm: nấm mỡ, nấm rơm, nấm sò, mộc nhĩ, nấm Linh chi, đáp ứng đủ giống nấm có chất lượng tốt theo yêu cầu của sản xuất trên địa bàn tỉnh. Tổ chức sản xuất, chế biến 200 tấn nấm muối xuất khẩu và 30 tấn mộc nhĩ khô.

Thứ tư: Chương trình khai thác và phát triển kinh tế biển.

Mục tiêu của chương trình kinh tế biển cần khai thác và phát triển nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy, hải sản, phát triển du lịch, vận tải biển và thương mại. Việc khai thác phát huy thế mạnh của kinh tế biển phải căn cứ vào điều kiện, năng lực hiện có để xác định mục tiêu cho từng thời gian. Trước mắt, phấn đấu đến năm 2000 đưa 3.000 ha đầm nước lợ vào nuôi quảng canh cải tiến và bán thâm canh để có sản lượng tôm, cua cá nuôi trồng đạt 2.000 tấn trở lên, 12 - 15 ngàn tấn ngao và rau câu, sản lượng hải sản đánh bắt đạt 15 ngàn tấn [60, tr. 10-11].

Phấn đấu đến năm 2005 sản lượng thủy, hải sản đánh bắt đạt 20 ngàn tấn, chế biến xuất khẩu đạt 600 tấn, kim ngạch xuất khẩu hải sản đạt 3 triệu USD trở lên.

Đến 1999, Thái Bình có trên 80 làng nghề (chiếm 4% số làng nghề trong cả nước), 60 ngàn hộ, 149 ngàn người làm nghề thủ công. Giá trị sản xuất hàng năm đạt trên 900 tỷ đồng, chiếm 73 - 75% giá trị sản xuất công nghiệp tỉnh. Do khó khăn về thị trường bị thu hẹp, công nghệ lạc hậu, thiếu vốn đầu tư cho sản xuất và mất ổn định ở nông thôn, nên việc phát triển ngành nghề thủ công năm 1998 bị giảm sút làm ảnh hưởng đến tốc độ phát triển công nghiệp của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2000 tất cả các xã trong tỉnh đều có ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Đến năm 2005 có trên 40% số hộ có nghề, tỷ trọng giá trị sản xuất từ ngành nghề chiếm 55 - 60% tổng giá trị sản xuất ở nông thôn. Từ nay đến năm 2010 mỗi năm xây dựng thêm 10 - 15 làng nghề, xã nghề [59, tr. 10-15].

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, tỉnh đã tập trung cao cho việc thực hiện 5 trọng tâm tạo bước đột phá tăng trưởng kinh tế, đề ra các chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi cây trồng vật nuôi, phát triển nghề và làng nghề, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung, phát triển kinh tế biển, dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp, xây dựng cánh đồng đạt giá trị sản xuất 50 triệu đồng trở lên/ha/năm, mở rộng hợp tác đầu tư, đổi mới cơ chế chính sách.

Trên cơ sở chỉ đạo của tỉnh, kết quả phát triển kinh tế đáng phấn khởi. Nhiều cơ sở có cách làm sáng tạo, quyết tâm cao, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, đã góp phần quan trọng vào sự phát

triển kinh tế chung của tỉnh. Kinh tế tiếp tục phát triển, từng bước thoát khỏi tình trạng trì trệ của những năm 1995 - 2000 (GDP tăng 4,5%/ năm). Năm 2001 tăng trưởng kinh tế 5%, năm 2002 tăng 7,4%, năm 2003 nếu không có trận mưa lụt lịch sử thì GDP tăng gần 8%. Cơ cấu kinh tế có chuyển biến rõ nét: tỷ trọng công nghiệp và xây dựng từ 13,5% (năm 2000) lên 18% (năm 2003); nông, lâm nghiệp và thủy sản từ 58,5% giảm xuống 49,5%, dịch vụ từ 28% lên 32,5% [51, tr. 14]. Việc hình thành, phát triển nghề, làng nghề, kinh tế biển, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong nông nghiệp, phát triển kinh tế trang trại, gia trại đã góp phần quan trọng đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Dự án xây dựng đường 10 và cầu Tân Đệ đã cơ bản hoàn thành vào cuối năm 2004. Các chương trình kinh tế, các dự án kinh tế do tỉnh đề ra đạt mục tiêu đặt ra đã tạo đà cho việc từng bước làm rõ, khẳng định hướng đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa của một tỉnh nông nghiệp, trong hoàn cảnh vị trí địa lý không thuận lợi, công nghiệp chưa phát triển, ngân sách hạn hẹp, vừa gánh chịu hậu quả nặng nề của những năm mất ổn định. Thông qua lãnh đạo phát triển kinh tế, trình độ năng lực của cán bộ được nâng lên, hệ thống chính trị tiếp tục kiện toàn, góp phần quan trọng để ổn định tình hình.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện các chủ trương phát triển kinh tế của tỉnh đã và đang đặt ra một số vấn đề bức xúc, khó

a) Kinh tế Thái Bình vẫn là thuần túy nông nghiệp, quy mô sản xuất nhỏ bé, sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ những năm qua còn nhiều tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục, sản xuất vẫn mang tính quảng canh, việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất còn chậm, chưa hợp lý, sản xuất hàng hóa chưa phát triển, sức cạnh tranh yếu, tiêu thụ sản phẩm nhiều khó khăn, tiếp thu tiến bộ khoa học công nghệ còn chậm, việc dồn điền đổi thửa trong tỉnh cho đến nay vẫn chưa hoàn thành, vẫn còn những vi phạm đất đai.

b) Mặc dù kinh tế có tốc độ tăng trưởng khá, toàn diện theo xu hướng đi lên sản xuất hàng hóa, song để chuyển đổi một cách căn bản nhận thức của đa số người dân từ thói quen sản xuất tự cung tự cấp sang tư duy sản xuất hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường là vấn đề còn rất nan giải.

c) Trong những năm qua kinh tế có tăng trưởng, đời sống nhân dân có cải thiện, nghèo đói đã giảm bớt, nhưng mức thu nhập, mức sống của người dân vẫn còn quá thấp. Có thể nói, nhìn chung đời sống nhân dân chưa vượt qua bao nhiêu ngưỡng mức sống trung bình. Đại đa số các hộ dân đã thoát nghèo, thoát đói, nhưng chưa bền vững.

Những hạn chế kinh tế trên đây là những hạn chế tiềm ẩn trong lĩnh vực kinh tế có thể dẫn đến nguy cơ bất ổn định. Đặc biệt, những

nhân tố hạn chế về kinh tế nếu kết hợp với các nhân tố thuộc nhóm các hạn chế chính trị -xã hội (như mất dân chủ, tham ô, tham nhũng, cán

bộ thoái hóa, biến chất) thì sự cộng hưởng ấy rất dễ dẫn tới bùng tái phát bất ổn định chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Một phần của tài liệu LUẬN văn vấn đề ổn định chính trị xã hội trên địa bàn tỉnh thái bình thực trạng và giải pháp (Trang 95 - 102)