Thời gian ủ bệnh khi nhiễm HBV là từ 6 – 24 tuần, nhưng thường từ 2 – 3 tháng. Nhiễm virus cấp có thể không biểu hiện triệu chứng, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Các triệu chứng trong giai đoạn đầu thường là khó chịu, biếng ăn, yếu mệt, buồn nôn và nôn. Dấu hiệu của viêm gan thường được thể hiện qua hiện tượng vàng da, đau bụng trên bên phải kèm theo phân nhạt màu và nước tiểu đậm màu. Tuy nhiên, bệnh nhân thường cảm thấy khỏe hơn khi xuất hiện vàng da. Các tổn thương tế bào biểu mô gan được phát hiện bằng các phương pháp sinh hóa thấy hàm lượng alaline transminase (ALT) tăng lên trước khi xuất hiện vàng da và duy trì ổn định sau khi hết dấu hiệu vàng da. Trong một vài trường hợp, các phản ứng miễn dịch do các phức hợp miễn dịch tuần hoàn gây ra có thể khiến người bệnh đau khớp, nổi mày đay hoặc có các vết ban trên da, viêm đa động mạch nút hoặc viêm cầu thận. Khoảng 1% số trường hợp nhiễm HBV cấp chuyển sang dạng tối cấp, khiến gan bị tổn thương nặng nề.
Rất khó để phân biệt các nhân tố gây bệnh của virus viêm gan ở cấp độ mô vì những biến đổi là tương tự nhau. Ở nhu mô gan, các tế bào bị nhiễm virus bị phình lên và tạo thành các thể acid khi chúng chết.
HBV nhân lên trong các tế bào gan, được phát hiện qua DNA virus và các kháng nguyên lõi HBcAg trong nhân và HBsAg trong tế bào chất và ở màng tế bào gan. Trong thời kỳ ủ bệnh, virus được nhân lên với số lượng lớn trước khi hệ miễn dịch đáp ứng lại. Trong giai đoạn nhân lên, kháng nguyên HBcAg và HBeAg cũng có mặt ở trên màng sinh chất của tế bào gan. Những kháng nguyên này cảm ứng
171
cả tế bào lympho B và lympho T. Việc tổn thương các tế bào gan có thể do tác động của các kháng thể, tế bào giết tự nhiên (NK) và của tế bào lympho T tiết độc tố gây ra. Việc biểu hiện các phức hệ MHC lớp I ở tế bào gan rất thấp nhưng được tăng cường bởi các interferon được tiết ra khi tế bào bị nhiễm virus. Quá trình này sẽ làm tăng khả năng nhận biết kháng nguyên cũng như việc phân hủy các tế bào gan bị nhiễm. Do vậy, tổn thương gan khi bị nhiễm HBV xảy ra do có sự tham gia của các cơ chế miễn dịch.