5. Kết cấu của luận văn
3.1.2. Điều kiện kinh tế xã hội huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên
Toàn huyện có 9 xã và 1 thị trấn, trong đó có 8 xã vùng II được hưởng chính sách 135 và 1 xã vùng II và 1 thị trấn thuộc vùng I.
Điều kiện kinh tế của huyện Mường Ảng nói chung còn nhiều khó khăn. Hoạt động kinh tế trên địa bàn huyện chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất trang thiết bị còn nhiều khó khăn. Trong giai đoạn 2017, tổng thu ngân sách của huyện chỉ đạt 41.824 triệu đồng và tăng lên đến 493.542 triệu đồng vào năm 2019. Phần lớn ngân sách của huyện do điều tiết từ ngân sách cấp tỉnh và một phần nhỏ từ thu kinh tế địa phương. So với các huyện khác thì tình hình kinh tế Mường Ảng còn gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, Mường Ảng cũng chưa có thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và các hoạt động xuất nhập khẩu nào khác.
3.1.2.2. Dân số và lao động
Dân số
Dân số trung bình của huyện năm 2019 là 47.362 người, trong đó dân số nông thôn có 42.221 người chiếm 89,15% tổng dân số của huyện. Dân cư huyện Mường Ảng phân bố không đều ở các xã, phần lớn tập trung đông ở các xã nằm ven trục quốc lộ 279 và các tuyến đường liên xã như: Búng Lao, Ẳng Tở, Ẳng Nưa, Ẳng Cang, Thị trấn Mường Ẳng. Trong thời gian qua Mường Ảng đã thực hiện tốt công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình, tỷ lệ tăng tự nhiên đã đạt mức 1,75% ở năm 2019. Là huyện mới thành lập nên số lượng dân cư ở các vùng chưa được ổn định, đặc biệt ở khu vực thị trấn Mường Ảng. Bên cạnh đó, tỷ lệ dân số thành thị của
huyện rất nhỏ so với tổng số dân của toàn huyện phản ánh mức độ đô thị hoá của huyện còn khiêm tốn trong thời gian qua.
Mường Ảng là đơn vị hành chính mới thành lập trên cơ sở được tách ra từ huyện Tuần Giáo, nền kinh tế của huyện còn kém phát triển, điểm xuất phát còn khá thấp so một số huyện khác trong tỉnh Điện Biên. Sự phát triển dân số sẽ có tác động lớn đến quá trình phát triển kinh tế và ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của người dân trên địa bàn huyện. Do vậy để góp phần tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển một cách bền vững, ngay từ bây giờ Mường Ảng cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt việc sinh đẻ có kế hoạch, đồng thời phải tiến hành việc bố trí dân cư một cách hợp lý trên cơ sở gắn với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn.
Trên cơ sở phát triển qui mô dân số ở từng giai đoạn, huyện cần có kế hoạch bố trí dân cư theo hướng tập trung có gắn với việc bố trí phát triển đô thị cùng các trung tâm thị trấn, thị tứ và các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Đối với khu vực thị trấn Mường Ảng, đây là trung tâm của huyện, hiện nay đã được qui hoạch khá chi tiết. Do vậy quá trình triển khai và giám sát việc thực hiện theo qui hoạch cần được thực hiện một cách nghiêm túc đối với tất cả các lĩnh vực như không gian lãnh thổ, bố trí các điểm dân cư, các cơ sở sản xuất, các cơ quan hành chính, khu vui chơi giải trí. Đối với các khu vực gồm Búng Lao, Ngối Cáy cần phải có qui hoạch phát triển cụ thể nhằm đáp ứng yêu cầu của sự phát triển và tạo sự ổn định về đời sống cho người dân.
Lao động
Tính đến nay, Mường Ảng có 26.800 người trong độ tuổi lao động, chiếm 56,1% tổng dân số của huyện. Cũng như các huyện miền núi khác, lao động của Mường Ảng phân bố không đều trong các ngành kinh tế, phần lớn số lao động này tập trung chủ yếu vào hoạt động sản xuất của ngành nông - lâm nghiệp (chiếm tới 81,96%), lao động của ngành công nghiệp và dịch vụ còn lại chỉ chiếm 18,04% tổng số lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế.
Mường Ảng là một huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao và mật độ dân số thấp. Đời sống của người dân còn rất nhiều khó khăn với gần 90% số dân sống ở nông thôn
trong khi các ngành nghề phụ không phát triển. Vì vậy, mặc dù được coi như hầu hết người dân đều có việc làm nhưng công việc chỉ mang tính thời vụ, thời gian nông nhàn khá lớn (hàng năm bình quân có từ 2 - 4 tháng là thời gian rảnh rỗi). Hiện nay huyện đã và đang triển khai một số dự án phát triển cây công nghiệp trên địa bàn của nhiều xã, đây là cơ hội tạo nhiều việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn, nó sẽ góp phần giảm thiểu thời gian nông nhàn của bà con nông dân.
Chất lượng nguồn lao động
Những năm gần đây chất lượng lao động ở Điện Biên nói chung và ở Mường Ảng nói riêng đã được cải thiện một bước. Tỷ lệ lao động không biết chữ và chưa tốt nghiệp tiểu học cùng trung học cơ sở đã giảm dần, số lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật tăng nhanh trong các ngành kinh tế, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp - xây dựng, và dịch vụ - thương mại. Song có thể đánh giá: chất lượng nguồn nhân lực của Mường Ảng hiện nay còn thấp so với các địa phương khác, tỷ lệ lao động qua đào tạo đến nay chỉ chiếm khoảng 20 - 21% tổng số lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế. Mặt khác, hầu hết lao động qua đào tạo đều là cán bộ, công chức làm việc trong các lĩnh vực quản lý nhà nước, các đơn vị sự nghiệp và các tổ chức đoàn thể... tập trung ở thị trấn Thị trấn Mường Ảng. Tại các khu vực khác, số lao động có kỹ thuật hầu như không đáng kể. Công tác đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật của từng ngành cũng như toàn huyện còn hạn chế, do huyện mới được thành lập cho nên việc đào tạo mới chỉ bắt đầu và tập trung chủ yếu vào việc nâng cao kiến thức cho đội ngũ cán bộ hiện có thông qua các hình thức đào tạo tại chỗ và thông qua các lớp tập huấn ngắn hạn.
Nhìn chung nguồn nhân lực của Mường Ảng hiện còn rất nhiều bất cập cả về số lượng cũng như chất lượng và cơ cấu. Với tình trạng nguồn nhân lực như hiện nay, lao động của Mường Ảng chưa thể đáp ứng được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện cả hiện tại và trong tương lai.