5. Kết cấu của luận văn
1.5.3. Kinh nghiệm về tạo động lực cho cán bộ, công chức cấp xã ở huyện Điện
Biên Đông, tỉnh Điện Biên
Những năm qua, Huyện ủy Điện Biên Đông tập trung nhiều giải pháp nâng cao chất lượng CBCC cấp xã cũng như tạo ra động lực tốt hơn cho trong trong việc thực hiện công việc nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức tốt; có trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Trước năm 2011, đội ngũ CBCC cấp xã huyện Điện Biên Đông tuy đủ về số lượng nhưng chất lượng còn hạn chế. Tỷ lệ cán bộ đạt chuẩn đào tạo theo quy định còn thấp; việc bố trí và sử dụng cán bộ trên địa bàn chưa thực sự hợp lý, còn nhiều
cán bộ lớn tuổi; ở một số xã còn tình trạng bố trí, sử dụng cán bộ làm việc trái chuyên môn; cơ cấu dân tộc, giới tính ở một số nơi chưa phù hợp. Ở một số xã, cán bộ nữ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số CBCC; trong đó, có xã chỉ có 2 cán bộ nữ. Bên cạnh đó, một số CBCC thiếu năng động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành công việc; còn trông chờ, ỷ lại trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Trước thực trạng về công tác cán bộ ở địa phương, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Điện Biên Đông xây dựng và ban hành Nghị quyết chuyên đề số 03 - NQ/HU ngày 11/7/2011 về “Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và phát triển cán bộ trên địa bàn đến năm 2020”. Nghị quyết đã chỉ ra những hạn chế, yếu kém của đội ngũ CBCC cấp xã, trên cơ sở đó đưa ra các giải pháp tập trung nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng; quy hoạch, luân chuyển và bổ nhiệm cán bộ.
Theo đó, huyện chú trọng bồi dưỡng cho CBCC cấp xã về phẩm chất chính trị, lối sống, nhất là đạo đức công vụ gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị “Về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng Đảng. Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, mỗi năm, huyện phối hợp với các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trong và ngoài tỉnh tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho CBCC. Trong 5 năm, toàn huyện có trên 1.000 lượt CBCC cấp xã tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị và chuyên môn, nghiệp vụ. Ngoài ra, huyện còn thường xuyên tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ và kinh nghiệm giải quyết những tình huống cụ thể ở cơ sở cho CBCC cấp xã. Lựa chọn những đoàn viên, thanh niên ưu tú tại các xã đưa đi đào tạo về lý luận chính trị, kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ để tạo nguồn cán bộ kế cận gắn với việc bố trí, sử dụng cán bộ sau khi đào tạo.
Song song với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, huyện cụ thể hóa tiêu chuẩn CBCC theo quy định của Nhà nước; phân công, phân cấp việc thực hiện quy trình đánh giá, bổ nhiệm cán bộ. Thực hiện đánh giá CBCC cấp xã trên cơ sở lấy hiệu quả công tác làm thước đo chủ yếu, dựa vào những quy định cụ thể về tiêu chuẩn của từng chức danh và tiêu chí đánh giá đối với từng đối tượng CBCC. Thực hiện cơ chế buộc thôi việc, bãi miễn những người không hoàn
thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật, đạo đức công vụ, mất uy tín với nhân dân; đưa ra một số quy định ưu tiên thu hút nguồn nhân lực có trình độ về công tác tại huyện; đặc biệt là cán bộ nữ, người địa phương...Thực hiện đồng bộ các biện pháp nâng cao chất lượng CBCC, hiện nay, huyện Điện Biên Đông có 296 CBCC cấp xã. Trong đó, số CBCC cấp xã là người dân tộc thiểu số chiếm 97,9%; CBCC có trình độ cao cấp, trung cấp chính trị đạt 33,45%; cán bộ cấp huyện có trình độ cao đẳng, đại học chuyên môn đạt 27,02% (tăng 50% so với năm 2011); cán bộ quản lý chủ chốt dưới 35 tuổi tăng 33% so với năm 2011; cán bộ quản lý là nữ đạt 5,6% (tăng 3%). Những chủ trương chính sách của huyện Điện Biên Đông không chỉ góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ mà còn nâng cao được động lực làm việc cho những CBCC trên địa bàn huyện.