5. Kết cấu của luận văn
2.3. Hệ thống chỉ tiêu nghiên cứu
Mức độ hài lòng của người lao động
Một trong những tiêu chí quan trọng khi đánh giá hiệu quả tạo động lực lao động trong tổ chức là sự thỏa mãn của người lao động đối với công việc. Khi nhắc đến mức độ hài lòng của người lao động, trước tiên phải kể đến sự hài lòng của người lao động với vị trí việc làm như thế nào? Người lao động có hài lòng với vị trí công việc mình đảm nhận không? Công việc có phù hợp với trình độ chuyên môn, sở trường của người lao động không? Nếu người lao động hài lòng với những gì mình nhận được từ phía tổ chức, người lao động sẽ hứng khởi và tin tưởng để phát huy hết khả năng của mình đem lại hiệu quả lao động cao hơn. Ngược lại, đó sẽ là sự cản trở hiệu quả làm việc của người lao động. Sự hài lòng của người lao động còn được thể được thông qua sự thỏa mãn của người lao động về chế độ thù lao, chế độ phúc lợi; thông qua niềm tin tưởng và tự hào của người lao động về tổ chức nơi mình đang làm việc. Đánh giá mức độ hài lòng của nhân viên giúp tổ chức có được cái nhìn đúng đắn về động lực làm việc và mức độ cam kết của đội ngũ nhân viên với công ty. Sự hài lòng về vị trí việc làm và chế độ đãi ngộ của người lao động càng cao, đồng nghĩa với việc công tác tạo động lực làm việc đang đi đúng hướng và đạt hiệu quả, những điểm nào chưa được người lao động đánh giá cao thì cần xem xét và điều chỉnh hợp lý. Từ đó, tổ chức có thể đưa ra những điều chỉnh
chính sách và giải pháp phù hợp đáp ứng nhu cầu của nhân viên, tạo sự hài lòng và gắn kết lâu dài của nhân viên với tổ chức.
Kết quả thực hiện công việc
Kết quả thực hiện công việc phản ánh mức độ thỏa mãn của người lao động đối với công việc được giao. Nếu người lao động thỏa mãn nhu cầu của mình thì kết quả thực hiện công việc tốt, chất lượng, số lượng sản phẩm tăng lên, tỷ lệ những sản phẩm hỏng, sản phẩm lỗi ít hơn, năng suất lao động tăng. Năng suất lao động được biểu hiện bằng số lượng sản phẩm sản xuất ra trong một đơn vị thời gian hoặc hao phí để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm. Năng suất lao động phản ánh năng lực tạo ra của cải, hay hiệu suất lao động cụ thể trong quá trình sản xuất. Kết quả thực hiện công việc còn thể hiện ở số lao động hoàn thành công việc được giao về số lượng, chất lượng công việc và thời hạn được giao. Trên cơ sở đó, tổ chức xếp loại lao động theo tiêu chí do tổ chức quy định.
Năng suất lao động, chất lượng và hiệu quả công việc
Năng suất lao động là một chỉ tiêu đánh giá hiệu quả làm việc của người lao động trong một đơn vị thời gian, nó được biểu hiện bằng số lượng sản phẩm sản xuất ra trong một đơn vị thời gian hoặc hao phí để sản xuất ra được một sản phẩm. Năng suất lao động phản ánh năng lực tạo ra của cải, hay hiệu suất của lao động cụ thể trong quá trình sản xuất, đo bằng số sản phẩm, lượng giá trị sử dụng (hay lượng giá trị) được tạo ra trong một đơn vị thời gian, hay đo bằng lượng thời gian lao động hao phí để sản xuất ra một đơn vị thành phẩm.
Năng suất lao động = Số lượng sản phẩm được tao ra/ Một đơn vị thời gian cụ thể
Đánh giá hiệu quả làm việc của người lao động có thể thông qua hoạt động đánh giá thực hiện công việc để đánh giá về số lượng, chất lượng công việc, tinh thần, thái độ của người lao động. Đối với khối lao động gián tiếp, năng suất, chất lượng và hiệu quả công việc được thể hiện qua tốc độ xử lý công việc; chất lượng và mức độ hoàn thành công việc được giao. Tổ chức có thể tiến hành đo lường thời gian người lao động hoàn thành công việc khi có động lực lao động có rút ngắn hơn, có vượt tiến độ so với dự định. Nếu người lao động hoàn
thành công việc vượt mức tiến độ, hơn nữa lại đảm bảo yếu tố chất lượng và hiệu quả cao cho thấy tạo động lực làm việc đã tác động tích cực đến người lao động và làm tăng năng suất lao động.
Có nhiều chi tiêu đánh giá hiệu quả công việc
- Hiệu quả công việc theo khối lượng công việc được giao = Lượng công việc hoàn thành/Khối lượng công việc được giao
- Hiệu quả công việc tính theo thời gian = Khối lượng công việc hoàn thành/Đơn vị thời gian được giao
Tỷ lệ nghỉ việc
Nguồn nhân lực vốn được xem là một tài sản lớn của tổ chức cũng có thể trở thành một gánh nặng nếu tài sản ấy không được quản trị hiệu quả. Tỷ lệ nghỉ việc phản ánh hiệu quả quản trị nguồn nhân lực của tổ chức. Tỷ lệ nghỉ việc là tốc độ thay đổi nhân viên của tổ chức hay tổ chức. Tốc độ này được đo hàng tháng và đo hàng năm.
Tỷ lệ nghỉ việc = Tổng số nghỉ việc (chỉ tính nhân viên chính thức)/Số nhân sự trung bình trong kỳ tính (chỉ tính nhân viên chính thức).
Tỷ lệ nghỉ việc của tổ chức thấp hoặc thậm chí bằng 0 không nói lên được rằng tổ chức đang hoạt động tốt. Điều này thể hiện sự thiếu cơ hội việc làm trong khu vực hoặc những ràng buộc về tài chính khiến người lao động không dám nghỉ việc hoặc hình ảnh của tổ chức không được tốt hoặc cũng có thể là tổ chức có quá nhiều người lao động già, không muốn thay đổi công việc nữa hoặc tổ chức kìm hãm sự vận động nội bộ, làm người lao động thất vọng và hạn chế sự phát triển tài năng của cá nhân. Tỷ lệ nghỉ việc thấp có nghĩa là tổ chức đánh mất rất nhiều lợi ích mà đội ngũ người lao động mới có thể mang lại cho tổ chức như ý tưởng mới, kỹ năng mới, trí tuệ cạnh tranh, chất xúc tác cạnh tranh giữa lao động cũ và lao động mới.
Tỷ lệ vi phạm kỷ luật lao động
Kỷ luật lao động là những tiêu chuẩn quy định hành vi cá nhân của người lao động mà tổ chức xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý hiện hành, các chuẩn mực đạo đức xã hội. Theo quy định của 22 Bộ luật Lao động thì kỷ luật lao động là những quy định về việc tuân theo thời gian, công nghệ, điều hành sản xuất, kinh doanh
trong nội quy lao động. Mục tiêu của kỷ luật lao động là duy trì trật tự trong tổ chức, làm cho người lao động tuân thủ theo những khía cạnh mà tổ chức đòi hỏi. Vi phạm kỷ luật lao động là trường hợp người lao động vi phạm các quy định và nội quy của tổ chức đã được niêm yết hoặc được thông báo. Việc xác định tỷ lệ vi phạm kỷ luật cho thấy mức độ thỏa mãn các nhu cầu của người lao động cao, họ làm việc vì mục tiêu phát triển của tổ chức.
Tỷ lệ người vị phạm = Số người vi phạm/Số người được thanh kiểm tra
Sự gắn bó của người lao động
Mức độ gắn bó của người lao động với tổ chức được thể hiện qua số lượng người làm việc lâu năm và muốn làm việc lâu dài với tổ chức. Sự gắn bó giữa tổ chức và người lao động có ảnh hưởng lớn đến chất lượng sản phẩm cũng như sự tồn tại của tổ chức. Các nhà quản trị cần có chính sách đãi ngộ phù hợp cho người lao động lâu năm, để họ có mong muốn gắn bó lâu dài với tổ chức. Muốn có được sự gắn bó lâu dài của người lao động thì tổ chức phải thực hiện tốt công tác tạo động lực làm việc.
Tính tích cực chủ động sáng tạo của người lao động
Người lao động có tính chủ động, sáng tạo là yếu tố đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của bất cứ tổ chức nào. Tính tích cực, chủ động, sáng tạo giúp người lao động nâng cao hiệu quả công việc, hoàn thiện kỹ năng, nâng cao khả năng xử lý công việc của mình và đam mê công việc hơn. Tính tích cực, chủ động sáng tạo trong công việc của người lao động biểu hiện qua tính tự giác làm việc mà không cần sự giám sát chặt chẽ. Sự năng động của người lao động thể hiện ham muốn lao động, nhu cầu cống hiến, chủ động giải quyết công việc, có trách nhiệm trong giải quyết công việc và trong các mối quan hệ với đồng nghiệp, tính đổi mới trong phương pháp làm việc, thường xuyên đề xuất ý tưởng, sáng kiến và được công nhận, khen thưởng từ những ý tưởng, sáng kiến đó.
Chương 3
THỰC TRẠNG TẠO ĐỘNG LỰC LÀM VIỆC CHO ĐỘI NGŨ CÁN BỘ CÔNG CHỨC CẤP XÃ TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN MƯỜNG ẢNG,
TỈNH ĐIỆN BIÊN 3.1. Tổng quan về địa bàn nghiên cứu
3.1.1. Điều kiện tự nhiên huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên
Huyện Mường Ảng được thành lập theo Nghị định 135/2006/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ trên cơ sở điều chỉnh một phần diện tích và dân số của huyện Tuần Giáo cũ và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 4 năm 2007. Mường Ảng có địa hình phức tạp, được hình thành bởi các dãy núi cao, sườn dốc với phần lớn là núi đá vôi, rải rác khắp địa bàn huyện, nằm xen với các dãy núi đá vôi này là những thung lũng hẹp, khá bằng phẳng. Mường Ảng nằm ở phía Đông tỉnh Điện Biên, trung tâm huyện là thị trấn Mường Ảng có vị trí địa lý 210 30' vĩ độ Bắc; 1030 15' kinh Đông.
- Phía Bắc giáp huyện Tuần Giáo - Mường Chà tỉnh Điện Biên.
- Phía Nam giáp tỉnh Sơn La và huyện Điện Biên Đông tỉnh Điện Biên. - Phía Đông giáp huyện Tuần Giáo tỉnh Điện Biên.
- Phía Tây giáp huyện Điện Biên tỉnh Điện Biên.
Đặc điểm khí hậu
Khí hậu Mường Ảng mang đầy đủ những đặc điểm cơ bản của khí hậu vùng núi Tây Bắc Việt Nam, đó là khí hậu nhiệt đới núi cao, có hai mùa rõ rệt: Mùa khô kéo dài từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau; Mùa mưa kéo dài từ tháng 4 tới tháng 10. Nhiệt độ trung bình của Mường Ảng đạt khoảng 21 - 23oC với độ ẩm tương đối trung bình hàng năm đạt khoảng 86 - 90%.
Điều kiện khí hậu ở đây thích hợp với nhiều loại cây trồng vật nuôi, đây là một trong những điều kiện thuận lợi để huyện có thể đẩy mạnh phát triển sản xuất đa dạng các loại các loại sản phẩm hàng hoá.
Đặc điểm về thuỷ văn
Mường Ảng có hệ thống sông và suối tương đối ít và khá đơn giản. Trên toàn huyện không có sông lớn. Hệ thống suối của Mường Ảng chủ yếu bao gồm 04 con
suối chính đó là: Suối Nậm Lạn, Nậm Lịch, Nậm Cô và Nậm Ẳng. Hệ thống suối của Mường Ảng có đặc điểm đều bắt nguồn từ các đỉnh núi cao, có độ dốc lớn, do vậy về mùa mưa thường dễ gây lũ đột ngột.
Đặc điểm về môi trường và thiên tai
Hiện nay môi trường của Mường Ảng đã và đang bị xâm hại, diện tích rừng bị suy giảm trong một thời gian dài, hiện tượng sói mòn, sạt lở đất đai thường xảy ra vào mùa mưa, gây thiệt hại lớn đến sản xuất và cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện. Là một huyện vùng cao của khu vực Tây Bắc, Mường Ảng cũng như nhiều huyện khác thường xuyên chịu ảnh hưởng của hiện tượng dông, mưa đá, sương muối…
3.1.2. Điều kiện kinh tế - xã hội huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên
Toàn huyện có 9 xã và 1 thị trấn, trong đó có 8 xã vùng II được hưởng chính sách 135 và 1 xã vùng II và 1 thị trấn thuộc vùng I.
Điều kiện kinh tế của huyện Mường Ảng nói chung còn nhiều khó khăn. Hoạt động kinh tế trên địa bàn huyện chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất trang thiết bị còn nhiều khó khăn. Trong giai đoạn 2017, tổng thu ngân sách của huyện chỉ đạt 41.824 triệu đồng và tăng lên đến 493.542 triệu đồng vào năm 2019. Phần lớn ngân sách của huyện do điều tiết từ ngân sách cấp tỉnh và một phần nhỏ từ thu kinh tế địa phương. So với các huyện khác thì tình hình kinh tế Mường Ảng còn gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, Mường Ảng cũng chưa có thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và các hoạt động xuất nhập khẩu nào khác.
3.1.2.2. Dân số và lao động
Dân số
Dân số trung bình của huyện năm 2019 là 47.362 người, trong đó dân số nông thôn có 42.221 người chiếm 89,15% tổng dân số của huyện. Dân cư huyện Mường Ảng phân bố không đều ở các xã, phần lớn tập trung đông ở các xã nằm ven trục quốc lộ 279 và các tuyến đường liên xã như: Búng Lao, Ẳng Tở, Ẳng Nưa, Ẳng Cang, Thị trấn Mường Ẳng. Trong thời gian qua Mường Ảng đã thực hiện tốt công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình, tỷ lệ tăng tự nhiên đã đạt mức 1,75% ở năm 2019. Là huyện mới thành lập nên số lượng dân cư ở các vùng chưa được ổn định, đặc biệt ở khu vực thị trấn Mường Ảng. Bên cạnh đó, tỷ lệ dân số thành thị của
huyện rất nhỏ so với tổng số dân của toàn huyện phản ánh mức độ đô thị hoá của huyện còn khiêm tốn trong thời gian qua.
Mường Ảng là đơn vị hành chính mới thành lập trên cơ sở được tách ra từ huyện Tuần Giáo, nền kinh tế của huyện còn kém phát triển, điểm xuất phát còn khá thấp so một số huyện khác trong tỉnh Điện Biên. Sự phát triển dân số sẽ có tác động lớn đến quá trình phát triển kinh tế và ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của người dân trên địa bàn huyện. Do vậy để góp phần tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển một cách bền vững, ngay từ bây giờ Mường Ảng cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt việc sinh đẻ có kế hoạch, đồng thời phải tiến hành việc bố trí dân cư một cách hợp lý trên cơ sở gắn với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn.
Trên cơ sở phát triển qui mô dân số ở từng giai đoạn, huyện cần có kế hoạch bố trí dân cư theo hướng tập trung có gắn với việc bố trí phát triển đô thị cùng các trung tâm thị trấn, thị tứ và các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Đối với khu vực thị trấn Mường Ảng, đây là trung tâm của huyện, hiện nay đã được qui hoạch khá chi tiết. Do vậy quá trình triển khai và giám sát việc thực hiện theo qui hoạch cần được thực hiện một cách nghiêm túc đối với tất cả các lĩnh vực như không gian lãnh thổ, bố trí các điểm dân cư, các cơ sở sản xuất, các cơ quan hành chính, khu vui chơi giải trí. Đối với các khu vực gồm Búng Lao, Ngối Cáy cần phải có qui hoạch phát triển cụ thể nhằm đáp ứng yêu cầu của sự phát triển và tạo sự ổn định về đời sống cho người dân.
Lao động
Tính đến nay, Mường Ảng có 26.800 người trong độ tuổi lao động, chiếm 56,1% tổng dân số của huyện. Cũng như các huyện miền núi khác, lao động của Mường Ảng phân bố không đều trong các ngành kinh tế, phần lớn số lao động này tập trung chủ yếu vào hoạt động sản xuất của ngành nông - lâm nghiệp (chiếm tới 81,96%), lao động của ngành công nghiệp và dịch vụ còn lại chỉ chiếm 18,04% tổng số lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế.
Mường Ảng là một huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao và mật độ dân số thấp. Đời sống của người dân còn rất nhiều khó khăn với gần 90% số dân sống ở nông thôn