Nội dung giáo dục đạo đức cho học sinh

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lí hoạt động giáo dục đạo đức cho học sinh ở các trường trung học phổ thông quận 7, thành phố hồ chí minh​ (Trang 28 - 30)

Nội dung GDĐĐ cho HS rất rộng, bao gồm nhiều vấn đề xoay quanh các giá trị truyền thống văn hóa dân tộc, các chuẩn mực của xã hội, các quy định của pháp luật, các mối quan hệ giữa người với người, giữa con người với môi trường xung quanh, sự khoan dung, hợp tác với nhau.

Nội dung GDĐĐ cho HS nhằm trang bị cho HS hệ thống các tri thức về đạo đức, hình thành những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam (yêu nước, thương người, yêu hòa bình, bảo vệ môi trường) và các chuẩn mực đạo đức của xã hội. Nội dung GDĐĐ cho HS bao gồm:

Giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức: Công tác giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức cho HS THPT là rất quan trọng, góp phần tích cực vào sự phát triển toàn diện, hài hòa về nhân cách. Tăng cường giáo dục thế giới quan khoa học, giáo dục tư tưởng cách mạng xã hội chủ nghĩa cho HS. Nâng cao lòng yêu nước xã hội chủ nghĩa, ý thức về việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Giáo dục lòng yêu nước và tinh thần quốc tế chân chính: Lòng yêu nước là một phẩm chất cơ bản của người Việt Nam, đó cũng là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Đối với HS THPT hiện nay giáo dục lòng yêu nước trước hết cần giáo dục về lí tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, về tinh thần dân tộc, về sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tình yêu quê hương, đất nước. Giáo dục tinh thần quốc tế chân chính đó là những phẩm chất, những yêu cầu đối với HS trong mối quan hệ rộng lớn, vượt qua ranh giới quốc gia, dân tộc. Các chuẩn mực đạo đức về giáo dục lòng yêu nước và tinh thần quốc tế chân chính sẽ góp phần định hướng về lí tưởng sống cho mỗi cá nhân. Ngoài ra, còn giáo dục cho HS lòng trung thành với tổ quốc, với chế độ xã hội chủ nghĩa; phê phán, đấu tranh những thái độ, việc làm gây tổn hại đến an ninh quốc gia, xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc (Trần Thị Hương et al., 2014).

Giáo dục thái độ đúng đắn đối với lao động, công việc: Lao động là điều kiện cơ bản đầu tiên của cuộc sống con người, lao động sáng tạo ra con người. Giáo dục ý thức, thái độ, hành vi đúng đắn đối với lao động, công việc trước hết cần giáo dục cho HS quan niệm đúng về lao động, thái độ, hành vi ứng xử tôn trọng lao động và

thành quả lao động. Coi trọng lao động và có thái độ lao động đúng đắn, thể hiện được truyền thống lao động của người Việt Nam (yêu lao động, cần cù, khoa học, nghiêm túc). Những giá trị đạo đức về lao động sẽ giúp HS nâng cao hiệu quả đối với nhiệm vụ lao động và từ đó hoàn thiện nhân cách. Giáo dục lao động góp phần tạo nên thái độ và thói quen hoạt động tích cực cho HS. Giáo dục lao động còn tạo điều kiện cho HS vận dụng tri thức, kĩ năng vào cuộc sống, bước đầu đóng góp sức mình xây dựng xã hội (Trần Thị Hương et al., 2014).

Giáo dục thái độ tích cực đối với mọi người và cộng đồng: Thái độ đúng đắn đối với mọi người và cộng đồng là một nội dung quan trọng của đạo đức. Giáo dục thái độ đúng đắn đối với mọi người là hình thành cho HS quan niệm đúng về tình bạn, tình yêu, tình cảm gia đình, tình cảm đối với người thân và những người xung quanh. Giáo dục cho HS thái độ đối với mọi người và cộng đồng cần giáo dục về các giá trị, chuẩn mực chung của xã hội. Làm cho HS tích cực tham gia các hoạt động tập thể, hoạt động xã hội do nhà trường, địa phương tổ chức. Tự giác rèn luyện, tu dưỡng bản thân theo những chuẩn mực đạo đức chung, biết kết hợp hài hòa giữa lợi ích tập thể và lợi ích cá nhân. Tôn trọng, đoàn kết, quan tâm, gần gũi, vui vẻ với thầy cô, bạn bè và mọi người xung quanh; không xa lánh, bè phái, gây mâu thuẫn, mất đoàn kết với người khác. Giáo dục HS có cái nhìn tổng quan về các vấn đề mà xã hội quan tâm, xây dựng cho các em chuẩn mực, niềm tin đối với cuộc sống (Trần Thị Hương et al., 2014).

Giáo dục thái độ, hành vi đúng đắn đối với bản thân: Giáo dục cho HS lòng tự trọng, tự lập, giản dị, trung thực, siêng năng, hướng thiện, hiểu rõ bản thân, biết kiềm chế bản thân và biết hối hận khi có hành vi không đúng. Giúp cho HS hình thành ý thức, nhân cách, có thái độ ứng xử, hành vi phù hợp, biết đánh giá đúng bản thân và tích cực phát huy những mặt tích cực, có khát vọng vươn tới và có tình cảm với cái thiện, cái tốt, cái đẹp, tiến bộ và cố gắng khắc phục những hạn chế, khuyết điểm của bản thân, biết vượt lên mọi khó khăn, trở ngại, không ngừng học tập, lao động, tu dưỡng, rèn luyện, phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm, học hỏi những điều hay, điểm tốt của người khác để hoàn thiện bản thân (Trần Thị Hương et al., 2014).

Giáo dục thái độ đúng đắn đối với môi trường xung quanh: Giáo dục cho HS biết giữ gìn, bảo vệ tài nguyên môi trường, môi trường sống, môi trường văn hóa; bảo vệ và phát huy truyền thống, di sản văn hóa của dân tộc và nhân loại. Giáo dục cho HS ý thức bảo vệ môi trường (tài nguyên thiên nhiên, sự trong lành của môi trường sống) và bồi dưỡng kiến thức về môi trường (tìm hiểu môi trường, tác nhân gây ô nhiễm và tác hại của nó, tạo thói quen giữ vệ sinh). Giữ gìn, xây dựng và bảo vệ môi trường sống là vấn đề bức xúc của xã hội hiện nay vì vậy đòi hỏi cần phải có một chuẩn mực đạo đức nhất định. Giáo dục HS biết giữ gìn vệ sinh chung, có thái độ đúng đắn đối với môi trường. Biết giữ gìn trật tự, vệ sinh trường lớp, nơi ở và nơi công cộng, không vứt rác, xả nước thải bừa bãi. Biết sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách hợp lí. Có thái độ phê phán đối với các hành vi làm ảnh hưởng không tốt đến môi trường; phát hiện, tố cáo những hành vi vi phạm luật bảo vệ môi trường (Trần Thị Hương et al., 2014).

Nội dung GDĐĐ cho HS nêu trên còn giúp HS hình thành những phẩm chất tốt đẹp, đó là ý thức tự hào dân tộc thông qua việc giáo dục về chính trị, tư tưởng hay các phẩm chất truyền thống vốn có của người Việt Nam như đức tính chăm chỉ, đoàn kết, nhân hậu, siêng năng, cần cù trong lao động và chăm chỉ trong học tập.

Ngày nay, GDĐĐ cho HS THPT còn có thêm một số nội dung như giáo dục về văn hóa ứng xử, việc chấp hành nội qui của nhà trường và các qui định nơi cư trú. Các vấn đề mang tính tích cực xã hội, quan tâm đến vấn đề thời sự của đất nước.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lí hoạt động giáo dục đạo đức cho học sinh ở các trường trung học phổ thông quận 7, thành phố hồ chí minh​ (Trang 28 - 30)