Phương pháp và hình thức giáo dục đạo đức cho học sinh

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lí hoạt động giáo dục đạo đức cho học sinh ở các trường trung học phổ thông quận 7, thành phố hồ chí minh​ (Trang 30 - 34)

Các phương pháp giáo dục đạo đức cho học sinh

Phương pháp GDĐĐ cho HS là cách tác động của chủ thể giáo dục lên đối tượng giáo dục để hình thành cho đối tượng giáo dục những chuẩn mực đạo đức cần thiết phù hợp với các chuẩn mực đạo đức của xã hội. Có nhiều nhóm phương pháp như: nhóm phương pháp tác động vào ý thức cá nhân của người được giáo dục (phương pháp giảng giải, phương pháp đàm thoại, phương pháp kể chuyện, phương pháp nêu gương); nhóm phương pháp hình thành hành vi và thói quen hành vi của người được giáo dục (phương pháp giao việc, phương pháp tập luyện thói quen, phương pháp rèn luyện) và nhóm phương pháp kích thích và điều chỉnh hành vi ứng

xử của người được giáo dục (phương pháp thi đua, phương pháp khen thưởng, phương pháp trách phạt) (Trần Thị Hương et al., 2014).

Phương pháp giảng giải: là phương pháp nhà giáo dục dùng lời nói để giải thích, chứng minh các chuẩn mực xã hội đã được quy định nhằm giúp HS hiểu và nắm được ý nghĩa, nội dung, quy tắc của việc thực hiện các chuẩn mực này.

Phương pháp đàm thoại: là phương pháp trò chuyện, trao đổi giữa nhà giáo dục và HS, hoặc giữa HS với nhau về các chủ đề giáo dục có tác dụng hình thành, củng cố nhận thức, tình cảm và niềm tin cho HS.

Phương pháp kể chuyện: là phương pháp nhà giáo dục dùng lời nói, cử chỉ, điệu bộ, nết mặt để kể lại, thuật lại một cách sinh động một câu chuyện có ý nghĩa giáo dục. Qua nội dung câu chuyện có thể hình thành và phát triển ở HS khả năng nhận thức thế giới xung quanh, tình cảm, xúc cảm tích cực và niềm tin đúng đắn.

Phương pháp nêu gương: Phương pháp này dựa trên cơ sở tâm lí hay bắt chước của người được giáo dục, dùng những tấm gương sáng của tập thể, cá nhân tiêu biểu đạo đức, chuẩn mực về hành vi để giáo dục, khuyến khích HS làm theo những tấm gương mẫu mực đó. Phương pháp này không chỉ phát triển được năng lực phê phán, đánh giá hành vi của người khác để từ đó rút ra những kết luận bổ ích mà còn giúp cho HS biết học tập, noi theo những tấm gương tốt, tránh những hành vi xấu, đồng thời hình thành cho HS niềm tin về những chuẩn mực của xã hội và mong muốn có được những hành vi phù hợp. Đây là phương pháp có giá trị rất lớn trong việc phát triển nhận thức và tình cảm của HS.

Phương pháp giao việc: là cách nhà giáo dục lôi cuốn HS vào các công việc cụ thể với những nghĩa vụ xã hội nhất định, qua đó HS có điều kiện thể hiện những kinh nghiệm ứng xử trong các mối quan hệ đa dạng và hình thành các hành vi ứng xử phù hợp với những yêu cầu của công việc được giao.

Phương pháp tập luyện thói quen: là phương pháp tổ chức cho HS thực hiện một cách đều đặn và có kế hoạch các hành động nhất định nhằm hình thành và củng cố các kĩ năng, kĩ xảo thực hiện hành vi và hình thành các phẩm chất, nhân cách phù hợp.

Phương pháp rèn luyện: nhằm tạo điều kiện, môi trường để HS tự thể nghiệm ý thức, tình cảm của mình về các chuẩn mực, hình thành, củng cố những hành vi phù hợp với các chuẩn mực xã hội quy định.

Phương pháp thi đua: nhằm tạo kích thích sự tự khẳng định mình của người được giáo dục, thúc đẩy họ cố gắng, hăng hái vươn lên và lôi cuốn cả người khác cùng vươn lên giành những thành tích xuất sắc cho cá nhân và tập thể.

Phương pháp khen thưởng: là phương pháp kích thích sư phạm bằng cách khẳng định và biểu dương thành tích, ưu điểm của HS trong quá trình rèn luyện. Khen thưởng còn là phương thức biểu hiện sự đánh giá tích cực của tập thể, xã hội đối với hành vi ứng xử của mỗi cá nhân hoặc tập thể HS.

Phương pháp trách phạt: là phương pháp biểu thị sự không đồng tình, sự phản đối, sự phê phán những hành vi sai trái của người được giáo dục so với các chuẩn mực xã hội đã đề ra. Trách phạt còn là phương pháp gây cho người có lỗi cảm giác hối hận, khiến họ từ bỏ hành vi, thói quen không phù hợp với yêu cầu chung hoặc có hại cho tập thể, xã hội, giúp cho người được giáo dục biết kết hợp đúng đắn giữa hành vi của mình với yêu cầu chung của tập thể, của xã hội.

Ngoài ra, còn có thể sử dụng các phương pháp khen thưởng, trách phạt theo hướng phát huy tính tích cực nhận thức của HS trong quá trình dạy học và giáo dục.

Phương pháp GDĐĐ cho HS rất đa dạng. Các phương pháp giáo dục làm cho người học sẵn sàng tham gia trải nghiệm tích cực; giúp người học suy nghĩ về những gì trải nghiệm; giúp người học phát triển kỹ năng phân tích, khái quát hoá các kinh nghiệm có được; tạo cơ hội cho người học có kỹ năng giải quyết vấn đề và ra quyết định dựa trên những tri thức và ý tưởng mới thu được từ trải nghiệm. Mỗi phương pháp đều có ưu điểm và những nhược điểm nhất định, không có nhóm phương pháp hay phương pháp giáo dục nào là tối ưu. Vì vậy nhà giáo dục cần phải vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với mục đích, đối tượng, biết lựa chọn và sử dụng kết hợp các phương pháp một cách hợp lí.

Các hình thức giáo dục đạo đức cho học sinh

Hình thức GDĐĐ cho HS rất phong phú và đa đạng không chỉ đóng khung trên lớp học mà còn có thể tổ chức ngoài lớp học, các HĐTN, các chuyên đề, các chủ đề giáo dục, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao.

Các hình thức giáo dục thường được các trường THPT thực hiện trong GDĐĐ cho HS gồm:

Giáo dục đạo đức thông qua các môn học: Việc GDĐĐ cho HS thông qua các môn học nhằm giúp các em chiếm lĩnh tri thức khoa học, rèn luyện hệ thống kỹ năng và kỹ xảo, phát triển năng lực trí tuệ hình thành các phẩm chất nhân cách tốt đẹp. Thông qua hoạt động dạy học của GV, HS nhận thức được một số kỹ năng, hành vi, chuẩn mực đạo đức phù hợp với lứa tuổi và các hành vi ứng xử với xã hội. Trong đó bộ môn Giáo dục Công dân, Giáo dục kinh tế và pháp luật ở cấp THPT (theo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới) đóng vai trò quan trọng nhằm giúp cho các em nhận thức đúng đắn về một số quyền và nghĩa vụ công dân trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, về trách nhiệm và quyền của công dân. Để việc GDĐĐ cho HS qua các môn học đạt hiệu quả thì hoạt động dạy học phải hướng vào HS, lấy HS làm trung tâm trên cơ sở tạo mục đích, động cơ, nhu cầu, hứng thú học tập đúng đắn, kích thích được tính tự giáo dục, tích cực, độc lập, sáng tạo của HS trên cơ sở định hướng, tổ chức, điều khiển của GV. Vì vậy, nhà giáo dục phải không ngừng cải tiến và đổi mới phương pháp, phương tiện, hình thức tổ chức dạy học (Trần Thị Hương et al., 2014).

Giáo dục đạo đức qua các hoạt động trải nghiệm, NGLL: Các HĐTN, NGLL rất đa dang dạng, phong phú về nội dung và hình thức. Các HĐTN, NGLL giúp HS trải nghiệm và hình thành các quan hệ đạo đức, rèn luyện các hành vi đạo đức phù hợp với các chuẩn mực xã hội. Thông qua các HĐTN, NGLL HS có điều kiện rèn luyện ý chí, tinh thần trách nhiệm, mở rộng và xây dựng thêm các mối quan hệ khác trong xã hội. Chú trọng tổ chức, hướng dẫn cho HS khám phá, phân tích, khai thác các thông tin, xử lí các tình huống thực tiễn, các trường hợp điển hình. Thông qua các HĐTN, NGLL HS tự phát hiện và chiếm lĩnh tri thức mới, phát triển kỹ năng và thái độ tích cực, trên cơ sở đó tự hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực của người công dân tương lai. GDĐĐ thông qua các HĐTN, NGLL thường là giáo dục thái độ

lao động, các hoạt động chính trị - xã hội, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao và các hoạt động tham quan, ngoại khóa. Từ các hoạt động trên giúp cho HS củng cố và khắc sâu những kiến thức của các môn học, mở rộng và nâng cao hiểu biết về các lĩnh vực của đời sống xã hội. Rèn cho HS các kỹ năng cơ bản phù hợp với lứa tuổi, đặc điểm tâm, sinh lí của các em. Củng cố, phát triển các hành vi, thói quen tốt trong học tập, lao động và công tác xã hội. Bồi dưỡng thái độ tự giác, tích cực tham gia các hoạt động tập thể và hoạt động xã hội, hình thành tình cảm chân thành, niềm tin trong sáng với cuộc sống, quê hương, đất nước, có thái độ đúng đắn đối với tự nhiên, xã hội (Trần Thị Hương et al., 2014).

Giáo dục đạo đức thông qua sự phối hợp giáo dục giữa gia đình và xã hội: Đây được xem là chức năng xã hội hóa trong công tác GDĐĐ cho HS, có vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng hết sức đặc biệt. Vì thông qua sự giáo dục của gia đình và xã hội nhằm tạo cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin kịp thời để tìm ra những biện pháp tốt nhất trong công tác GDĐĐ cho HS, tạo sự đồng thuận cao giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Các hoạt động phối hợp giữa nhà trường với gia đình và xã hội thường là sự trao đổi thông tin về các mục tiêu, nhiệm vụ giáo dục của nhà trường, cách thức tiến hành các hoạt động GDĐĐ trong việc giáo dục toàn diện cho HS. Qua việc phối hợp tốt giữa nhà trường với gia đình và xã hội sẽ phát huy tối đa tính tích cực của các lực lượng tham gia vào quá trình giáo dục HS.

Tự giáo dục của người được giáo dục: Đây là hình thức có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách của HS. Tự giáo dục của người được giáo dục là cơ sở để mỗi cá nhân tự đánh giá, tự nhận thức bản thân về các chuẩn mực đạo đức của xã hội để từ đó có những hành vi đúng. Hình thức tự giáo dục là một hoạt động có mục đích, có ý thức của cá nhân hướng vào việc xây dựng và hoàn thiện bản thân theo các chuẩn mực đạo đức đã được xã hội qui định. Thông qua hoạt động tự giáo dục, HS hoàn thiện những phẩm chất đạo đức, nhân cách của mình.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lí hoạt động giáo dục đạo đức cho học sinh ở các trường trung học phổ thông quận 7, thành phố hồ chí minh​ (Trang 30 - 34)