Quản lý đội ngũ GVCN lớp ở trường THPT

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý đội ngũ giáo viên chủ nhiệm lớp ở các trường trung học phổ thông thành phố sóc trăng tỉnh sóc trăng​ (Trang 26 - 28)

Từ khái niệm quản lý, đội ngũ GVCN lớp đã trình bày ở trên, có thể hiểu: Quản lý đội ngũ GVCN lớp là những tác động có ý thức, có định hướng, có kế hoạch của chủ thể quản lý (Hiệu trưởng, phó Hiệu trưởng) đến “Đội ngũ GVCN lớp” để vận hành và phát huy tối ưu nguồn lực của đội ngũ GVCN lớp nhằm đạt được mục tiêu giáo dục của nhà trường.

Đội ngũ GVCN lớp là tổ chức có nhiều người nên bản chất của quản lý đội ngũ chính là quản lý nhân sự và quản lý hoạt động của tổ chức đó. Theo lý thuyết quản lý đội ngũ, về quản lý nhân sự có các nội dung cần thực hiện như sau:

- Lập quy hoạch, tuyển chọn đội ngũ GVCN thông qua các hoạt động như dự báo về yêu cầu của đội ngũ GVCN, khảo sát thăm dò phẩm chất năng lực, xây dựng kế hoạch tạo nguồn GVCN, rà soát, lựa chọn, sắp xếp GV làm công tác chủ nhiệm sao cho đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng và đồng bộ về cơ cấu.

- Phân công, bố trí sao cho hợp tình, hợp lý, đúng người, đúng việc, phát huy tối đa được năng lực sở trường của mỗi cá nhân.

- Chỉ đạo, điều hành hoạt động của đội ngũ GVCN lớp bao gồm hướng dẫn lập kế hoạch, hướng dẫn thực hiện kế hoạch, giám sát theo dõi, điều chỉnh sao cho các hoạt động đi đúng mục tiêu.

- Đào tạo bồi dưỡng đội ngũ GVCN lớp bao gồm các hoạt động xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, tổ chức bồi dưỡng các phẩm chất, các kỹ năng, các kinh nghiệm, năng lực giao tiếp, năng lực sư phạm cho những người làm công tác chủ nhiệm.

- Quản lý các điều kiện hỗ trợ như đảm bảo chế độ chính sách cho đội ngũ GVCN lớp, xây dựng quy chế phối kết hợp các lực lượng trong và ngoài nhà trường, động viên khen thưởng kịp thời, đáp ứng đầy đủ cơ sở vật chất, hồ sơ sổ sách, các văn bản pháp lý,…

- Tổ chức kiểm tra, đánh giá nhằm phát hiện các ưu điểm, nhược điểm, các lệch lạc để có giải pháp điều chỉnh kịp thời như động viên, khen thưởng và xử phạt đúng đắn, công bằng, hoặc tìm thêm nguồn lực hỗ trợ, hoặc điều chỉnh, xây dựng lại cơ chế phối kết hợp sao cho có hiệu quả hơn nhằm đạt mục tiêu mà tổ chức đã đề ra.

Để thực hiện được các nội dung quản lí trên, cần xác định mục tiêu rõ ràng, phù hợp, kế hoạch thực hiện mục tiêu hợp lý, có tính khả thi, tập hợp, bố trí sắp xếp các công việc một cách khoa học, các tiêu chí, tiêu chuẩn phải cụ thể, đo đạc được một cách khách quan, công bằng, có phương án dự phòng khi các nhân tố bên trong và bên ngoài có sự thay đổi.

Hình thức quản lí đội ngũ là những biểu hiện bên ngoài của hoạt động quản lý, đó là cách tiến hành hoạt động quản lý của chủ thể quản lý đối với đội ngũ bị quản lý. Quản lý đội ngũ GVCN lớp có ba hình thức, đó là:

- Quản lý đội ngũ trực tiếp: Chủ thể quản lý không thông qua bộ phận hay cá nhân nào mà chính bản thân đứng ra thực thi các chức năng quản lý đối với đội ngũ được quản lý.

- Quản lý đội ngũ gián tiếp: Chủ thể quản lý thông qua bộ phận chức năng hay cá nhân được giao quyền, được ủy quyền thay mặt mình thực hiện các chức năng quản lý đối với đội ngũ bị quản lý.

Kết hợp giữa hình thức quản lý trực tiếp và quản lý gián tiếp: Tùy tình hình thực tế mà lãnh đạo nhà trường có thể giao quyền, ủy quyền thực hiện chức năng quản lí hoặc chủ thể quản lý có thể tham gia trực tiếp khi thấy cần thiết.

Tuy nhiên, các hình thức trên đều có những ưu điểm, nhược điểm khác nhau, không có một hình thức nào có vạn năng cả.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý đội ngũ giáo viên chủ nhiệm lớp ở các trường trung học phổ thông thành phố sóc trăng tỉnh sóc trăng​ (Trang 26 - 28)