Nhóm biện pháp nâng cao nhận thức cho CBQL và GV

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý đội ngũ giáo viên chủ nhiệm lớp ở các trường trung học phổ thông thành phố sóc trăng tỉnh sóc trăng​ (Trang 95 - 99)

3.2.1.1. Mục tiêu của nhóm biện pháp

Trong quá trình phát triển của nhà trường nói riêng, nâng cao chất lượng GD nói chung việc nâng cao nhận thức cho CBQL và GV một khâu quan trọng và cần đặt lên hàng đầu. Có nhận thức đúng đắn thì HT sẽ tác động và tạo điều kiện tốt nhất để GV hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. GVCN nếu có nhận thức đúng thì sẽ xác định được vai trò của bản thân trong công tác giáo dục HS để đạt được mục tiêu đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện.

Trang bị cơ sở lý luận cho đội ngũ GV, tạo sự đồng thuận, vận động được các lực lượng GD trong và ngoài nhà trường cùng phối hợp để từng bước nâng cao chất lượng cho công tác chủ nhiệm lớp.

3.2.1.2. Nội dung thực hiện nhóm biện pháp

Sử dụng các hình thức tổ chức phong phú, đa đạng, nội dung thiết thực đi sâu vào bản chất, dễ tiếp cận nhằm: xác định tầm quan trọng, vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của người GVCN lớp trong việc GD HS; tổ chức hội nghị, tọa đàm, chuyên đề về công tác chủ nhiệm lớp; đưa kết quả CNL vào tiêu chí thi đua và chấn chỉnh kịp thời các nhận thức sai lệch về công tác GVCN lớp và quản lý đội ngũ GVCN lớp.

Nâng cao nhận thức cho toàn XH, GV, HS về tầm quan trọng của đội ngũ GVCN lớp trong sự nghiệp phát triển GD để: Hiểu được “Hiếu học và tôn sư trọng đạo” là truyền thống của dân tộc ta; biết được nghề dạy học luôn đòi hỏi người dạy phải là người thực sự gương mẫu, là tấm gương sáng về nhân cách; thấy được vai trò đặc biệt quan trọng của GVCN lớp trong GD&ĐT của nhà trường, là lực lượng nòng cốt, là người quyết định trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả GD của bậc học, nền tảng trong hệ thống GD quốc dân.

Phải xây dựng ý thức, trách nhiệm, khơi dậy tinh thần phối hợp đồng bộ của các lực lượng GD trong nhà trường. Nhận thức và trách nhiệm là tiền đề tư tưởng, tư tưởng thông thì hành động tự giác. Mọi hoạt động trong nhà trường có sự lãnh đạo của Chi bộ, chỉ đạo của Hiệu trưởng, sự phối hợp của các tổ chức đoàn thể và được hội đồng sư phạm, hội đồng GD nhà trường tham gia bàn bạc, thống nhất thực hiện.

3.2.1.3. Tổ chức thực hiện nhóm biện pháp

Biện pháp 1: Nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của GVCN trong công tác giáo dục toàn diện HS.

HT chú trọng công tác bồi dưỡng nhận thức cho đội ngũ GV và thường xuyên tổ chức có hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức. Giúp GV nhận thức rõ GVCN lớp là thành viên của tập thể sư phạm và hội đồng sư phạm, là người thay mặt Hiệu trưởng, hội đồng nhà trường và cha mẹ HS quản lý và chịu trách nhiệm về chất lượng GD toàn diện HS lớp mình phụ trách, tổ chức thực hiện chủ trương, kế hoạch của nhà trường ở lớp. Với HS và tập thể lớp, GVCN là người lãnh đạo, tổ chức, điều khiển, kiểm tra toàn diện mọi hoạt động và các mối quan hệ ứng xử thuộc phạm vi lớp mình phụ trách. GVCN là nhân vật trung tâm để hình thành, phát triển nhân cách HS và là cầu nối giữa gia đình, nhà trường và XH.

Thường xuyên quán triệt các văn bản chỉ thị của Đảng, Nhà Nước, của ngành, của địa phương và của nhà trường cụ thể: Trong các buổi họp hội đồng, HT thường xuyên lồng ghép các nội dung báo cáo tình hình chính trị, kinh tế, xã hội trong và ngoài nước để giúp GV hiểu rõ hơn yêu cầu đổi mới của đất nước, hiểu sự nghiệp CNH- HĐH đất nước cần những người phát triển toàn diện mà công tác CNL góp phần tạo nên những con người như thế.

Tổ chức họp ban đại diện CMHS, tuyên truyền để CMHS hiểu được tầm quan trọng của công tác CNL, vị trí, vai trò và trách nhiệm của GVCN. Vận động CMHS quan tâm đến việc GD HS, giúp GVCN lớp tổ chức các hoạt động nhằm hình thành và phát triển nhân cách của HS.

Biện pháp 2: Tổ chức hội nghị chuyên đề, phổ biến sáng kiến kinh nghiệm về công tác CNL.

Để rút kinh nghiệm, trao đổi về cách giải quyết, xử lý các tình huống sư phạm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ CNL cần thường xuyên tổ chức hội thảo chuyên đề công tác CNL. Thông qua hội thảo, mỗi GV sẽ có cơ hội để bàn bạc, trao đổi và bổ sung thêm những kinh nghiệm cho bản thân trong quá trình GD. Đặc biệt là cách xử lý các tình huống sư phạm hay giáo dục HS cá biệt. Đồng thời, nhân rộng các gương điển hình về công tác CNL góp phần tăng thêm nhận thức cho đội ngũ GVCN về vị trí và tầm quan trọng của công tác này.

Thực hiện tốt chuyên đề công tác CNL ở các trường phát huy rõ hiệu quả việc tự bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ GV. Bằng những nội dung thiết thực, sinh động, nảy sinh từ thực tế giảng dạy, giáo dục, các chuyên đề góp phần điều chỉnh kịp thời những nhận thức, tháo gỡ những băn khoăn, vướng mắc, từ đó định hướng những chuẩn mực, phương pháp cho mỗi GV của đơn vị mình. Thực hiện chuyên đề ở cơ sở là môi trường để GV tự học và chia sẻ kinh nghiệm, giúp GV tự tin hơn. Tổ chức các cuộc hội thảo theo chuyên đề về những nội dung của công tác GVCN lớp như chuyên đề: “Giáo dục HS có hành vi không mong đợi”, chuyên đề “Xây dựng lớp tự quản”, chuyên đề: “Giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống cho HS ”... hay xây dựng mô hình “lớp học yêu thương”. Hội nghị này, có thể tổ chức thường xuyên theo đình kỳ tháng, học kỳ hoặc hàng năm. HT định hướng các chủ đề hội thảo để GVCN tham gia viết tham luận và chuẩn bị báo cáo trước hội nghị.

Ngoài ra, HT nên tổ chức hội nghị GVCN giỏi báo cáo kinh nghiệm, qua hội nghị này, có thể nhận diện được những GVCN giỏi có kinh nghiệm trong công tác GD HS, đặc biệt là công tác GD HS cá biệt. Trên cơ sở đó, xây dựng những tiêu chí đánh giá về phẩm chất, năng lực của GVCN.

Biện pháp 3: Đưa công tác chủ nhiệm vào tiêu chí thi đua

Đưa công tác CNL vào tiêu chí thi đua tạo động lực làm việc, tác động đến nhận thức của đội ngũ GVCN, giúp GV, GVCN nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác CNL, dành nhiều thời gian, công sức và sự tâm huyết cố gắng vươn lên để khẳng định mình và mong muốn được sự công nhận của người khác, nhất là lãnh đạo.

- Căn cứ vào quy định của Quy chế Thi đua khen thưởng, tình hình cụ thể của nhà trường, kế hoạch năm học, xây dựng hệ thống tiêu chí thi đua của đơn vị. Các tiêu chí phải rõ ràng, cụ thể, khoa học, sát với thực tiễn và phải được công khai dân chủ.

- Tổ chức nghiên cứu, thảo luận và thông qua Hội nghị công chức, viên chức để mọi người thống nhất chung

- Tổ chức nhận xét, đánh giá phải theo quy trình chặt chẽ và xếp loại thi đua công khai, dân chủ, lấy đó làm căn cứ để xếp loại GV.

- Đánh giá ưu, khuyết điểm của GVCN cần phải cụ thể nhằm giúp GVCN thấy rõ những kết quả mà họ làm được hoặc chưa làm được. Đánh giá phải thực chất, công bằng, tránh hình thức và bệnh thành tích. HT thực hiện tốt điều này, sẽ tạo cho GVCN có tâm lý nhẹ nhàng, thoải mái, từ đó sẽ giúp họ có ý chí, quyết tâm phấn đấu nhiều hơn để cống hiến cho nhà trường.

Biện pháp 4: Chấn chỉnh kịp thời những nhận thức sai lệch trong công tác CNL Thực tế, có nhiều GV không muốn làm CNL và nếu có làm thì vì trách nhiệm, vì chấp hành sự phân công của HT. Vì vậy, cần thiết phải có sự điều chỉnh, hướng nhận thức của họ. Nhận thức lệch lạc về chức năng nhiệm vụ của GVCN sẽ dẫn đến ứng xử sư phạm lệch lạc. Công việc của người GVCN rất khó khăn, đầy vất vả, nhận thức lệch lạc dẫn đến việc chưa tâm huyết, chưa nhiệt tình, không yêu thích và e ngại làm CTCN của một bộ phận GV. Họ cho rằng CTCN là nặng nề, là phiền toái, là mất thời gian, là rắc rối, là bận tâm. Vì vậy, họ làm việc với thái độ hời hợt, nóng nảy mất bình tỉnh dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.

Để chấn chỉnh những lệch lạc đó, HT cần phải quan tâm đến tư tưởng của GV, nắm bắt, phát hiện và xử lý các thông tin, thông qua hệ thống từ tổ chuyên môn, tổ chủ nhiệm, GV, HS, phụ huynh…. Khi phát hiện sự sai lệch HT cần tìm hiểu, phân tích kỹ nguyên nhân, giúp GVCN tự phân tích, tự đánh giá, tự điều chỉnh hoạt động của mình theo hướng tích cực.

Bên cạnh đó, việc xây dựng bầu tâm lý sư phạm tích cực, dân chủ, đoàn kết trong nhà trường rất cần thiết. HT cần phải khơi gợi tình yêu nghề ở mỗi GV, giúp họ tìm được niềm say mê với công việc, khéo léo chuyển hành vi thực hiện nhiệm vụ do trách nhiệm, do bắt buộc trở thành hành động tự giác và tự nguyện của đội ngũ GVCN.

Như vậy, để điều chỉnh những sai lệch trong nhận thức của đội ngũ GVCN đòi hỏi người HT phải có tâm, có tầm, có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực quản lý, nhạy cảm với tình huống, có uy tín trong tập thể và ra quyết định chính xác, kịp thời, hợp lý.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý đội ngũ giáo viên chủ nhiệm lớp ở các trường trung học phổ thông thành phố sóc trăng tỉnh sóc trăng​ (Trang 95 - 99)