Nội dung công tác chủ nhiệm lớp

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý đội ngũ giáo viên chủ nhiệm lớp ở các trường trung học phổ thông thành phố sóc trăng tỉnh sóc trăng​ (Trang 37 - 41)

1.3.4.1. Thu thập và xử lý thông tin

Việc thu thập và xử lý thông tin một cách đầy đủ, chính xác sẽ giúp GVCN nắm vững đối tượng HS lớp mình phụ trách, lập hồ sơ chủ nhiệm và hồ sơ học sinh chính xác hơn, đồng thời đánh giá học sinh được khách quan hơn.

U.D.Usinxki- Nhà GD người Nga cho rằng: “Muốn giáo dục con người về mọi mặt thì phải hiểu con người về mọi mặt”. Nếu GV hiểu rõ HS thì mới thực hiện được chức năng quản lý để GD toàn diện, lựa chọn được những biện pháp tác động phù hợp mới biến quá trình giáo dục của GV thành quá trình tự giáo dục của HS.

* Nội dung tìm hiểu:

- Đặc điểm tình hình địa phương, hoàn cảnh kinh tế của địa phương...

- Đặc điểm tình hình của lớp: Phong trào, truyền thống, khó khăn, thuận lợi, kết quả xếp loại văn hóa, hạnh kiểm, bầu không khí học tập, quan hệ XH…

- Tìm hiểu và nắm vững đặc điểm của từng HS

+ Sơ yếu lý lịch: Họ tên cha mẹ, nghề nghiệp, địa chỉ, sở thích năng khiếu... + Hoàn cảnh sống của HS: Điều kiện gia đình, trình độ văn hóa của CMHS, điều kiện học tập, quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, quan hệ XH, an ninh trật tự tại địa phương nơi cư trú.

+ Đặc điểm tâm, sinh lý, năng lực, trình độ, sở thích, phẩm chất đạo đức, các mối quan hệ, cách ứng xử của HS trong gia đình, với bạn bè, trong nhà trường và ngoài xã hội...

+ Những biến đổi và sự phát triển về thể chất, tâm lý và xã hội của học sinh theo các giai đoạn phát triển của lứa tuổi.

Đặc biệt đối với những HS cá biệt, GVCN cần tìm hiểu kỹ những nguyên nhân dẫn đến tình trạng cá biệt để có các giải pháp tác động phù hợp, kịp thời, hiệu quả. Đây là một quá trình khó khăn, lâu dài, phức tạp, đòi hỏi GVCN lớp phải kiên trì, thận trọng, có tinh thần trách nhiệm cao và lòng thương yêu học sinh sâu sắc. Đồng thời, GVCN phải là người có đạo đức và tri thức, một người thầy có nhân cách để HS tôn trọng và nể phục nhưng cũng là người dễ chia sẻ và thông cảm với HS, có thể trở thành người bạn lớn để HS có thể chia sẻ, trình bày ước mơ nguyện vọng, những khúc mắc, lo âu của bản thân.

1.3.4.2. Xây dựng kế hoạch chủ nhiệm

Kế hoạch chủ nhiệm là chương trình hoạt động của GVCN được vạch ra một cách có hệ thống về những công việc dự định làm trong thời gian một năm học với cách thức, phương pháp, kỹ thuật để xác định đặc điểm của cá nhân, tập thể học sinh, môi trường giáo dục và trình tự tiến hành nhằm đạt được mục tiêu đề ra. Bản kế hoạch chủ nhiệm là văn bản trong đó thiết kế cụ thể toàn bộ nội dung công tác chủ nhiệm lớp, chương trình hành động của chủ nhiệm trong từng tháng với thời gian, công việc và địa điểm cụ thể. Đó là kết quả sáng tạo của GVCN, phản ánh năng lực dự đoán và thiết kế của GVCN và được Hiệu trưởng phê duyệt.

1.3.4.3. Tổ chức thực hiện các hoạt động giáo dục cho học sinh.

Thông qua quá trình dạy học, GVCN khai thác được nội dung, hình thức tổ chức, phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực; khai thác được tiềm năng giáo dục qua việc xử lý các tình huống nảy sinh trong giờ học. GVCN cố vấn cho học sinh thiết kế kịch bản tổ chức các dạng hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, sinh hoạt lớp, các chương trình ngoại khóa…; Lôi cuốn, khuyến khích, động viên học sinh tham gia vào việc tổ chức và thực hiện các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, sinh hoạt dưới cờ, giờ sinh hoạt lớp, hoạt động tư vấn trong công tác hướng nghiệp, học nghề…; Tổ chức cho học sinh tự đánh giá kết quả đạt được và rút kinh nghiệm.

1.3.4.4. Xử lý các tình huống giáo dục

Giáo viên nói chung và đặc biệt là GVCN lớp phải có được các kỹ năng xử lý các tình huống giáo dục, biết phát hiện và nhận dạng được tính chất của tình huống xảy ra, biết thu thập các thông tin cần thiết và lựa chọn được phương án để giải quyết

tình huống một cách hợp lý, mang tính giáo dục tốt nhất, đồng thời phải lôi cuốn được học sinh vào toàn bộ quá trình xử lý tình huống giáo dục.

Người GVCN phải tạo được niềm tin với học sinh thông qua việc xây dựng mối quan hệ thân thiện, tôn trọng, tin cậy và hợp tác, biết cách khơi gợi học sinh chia sẻ những vấn đề hoặc khó khăn đang gặp phải. Từ đó, GVCN tư vấn cho học sinh có được những lựa chọn, quyết định và giải quyết vấn đề một cách tích cực nhất.

1.3.4.5. Giáo dục học sinh cá biệt

Học sinh cá biệt là những học sinh có biểu hiện đặc biệt so với học sinh bình thường. Những biểu hiện này diễn ra theo 2 hướng:

+ Tích cực: Thể hiện khả năng vượt trội, luôn có sự sáng tạo đòi hỏi GVCN phải nhạy cảm để nắm bắt và hướng dẫn các em phát triển đúng hướng.

+ Tiêu cực: Thể hiện thiếu ý thức tổ chức kỷ luật; học tập yếu kém; vô lễ, thiếu tôn trọng thầy, cô và người lớn tuổi; không vâng lời cha mẹ; chây lười trong các hoạt động chung; sinh hoạt bê tha, ăn chơi, đua đòi, quậy phá... Đây còn gọi là những HS có hành vi không mong đợi. GVCN phải chú ý tìm hiểu, xác định nguyên nhâ.n, năng lực, sở trường, nhu cầu của các em để có những ứng xử phù hợp, khơi dậy ở HS lòng tự trọng để các em tự hoàn thiện bản thân. Đồng thời, GVCN cần phối hợp chặt chẽ với gia đình, GVBM, tập thể lớp, các tổ chức xã hội trong và ngoài nước để xây dựng kế hoạch GD đạt kết quả.

1.3.4.6. Thực hiện vai trò tư vấn cho học sinh

Trước hết, người GVCN phải tạo được niềm tin với HS thông qua việc xây dựng mối quan hệ thân thiện, tôn trọng, tin cậy và hợp tác, biết cách khơi gợi học sinh chia sẻ những vấn đề hoặc khó khăn đang gặp phải. Từ đó, GVCN tư vấn cho học sinh có được những lựa chọn, quyết định và giải quyết vấn đề một cách tích cực nhất.

1.3.4.7. Tổ chức đội ngũ cán bộ tự quản và xây dựng tập thể HS lớp tự quản

Xây dựng tập thể HS phát triển và thân thiện vừa là mục đích vừa là phương tiện để GD nhân cách từng HS, đồng thời đưa tập thể đến trạng thái phát triển cao hơn

là nhiệm vụ của GVCN. Nguyên tắc giáo dục trong tập thể bằng tập thể cần được quán triệt trong công tác chủ nhiệm lớp.

Đội ngũ cán bộ lớp là những người trợ giúp đắc lực giúp GVCN thực hiện chức năng của mình. Đội ngũ cán bộ lớp tốt, có trách nhiệm sẽ tạo cho lớp thành tập thể tốt, qua đó có tác dụng GD tích cực đến các thành viên trong lớp, nhưng đội ngũ cán sự không phải là công cụ, hay cánh tay nối dài của GVCN. GVCN cần phải bồi dưỡng năng lực tổ chức và quản lý tập thể lớp cho đội ngũ cán bộ lớp để đảm bảo sự thống nhất giữa quản lý của GVCN và tự quản của HS.

1.3.4.8. Phối hợp với gia đình học sinh và các lực lượng giáo dục khác

Gia đình là môi trường giáo dục – lực lượng giáo dục đầu tiên, ảnh hưởng một cách sâu sắc đến HS. GVCN lớp là người thay mặt nhà trường thực hiện sự liên kết này. GVCN lớp giúp CMHS hiểu rõ chủ trương, kế hoạch giáo dục của nhà trường và mục tiêu, kế hoạch phấn đấu của lớp trong năm học. GVCN lớp thống nhất với gia đình về yêu cầu, nội dung, biện pháp, hình thức giáo dục. Đảm bảo sự thống nhất trong giáo dục học sinh và tăng cường sức mạnh đồng bộ nhằm đem lại hiệu quả GD toàn diện nhất.

Giáo dục mỗi cá nhân HS và tập thể HS là trách nhiệm của tất cả các giáo viên, các lực lượng giáo dục trong nhà trường, trong đó GVCN lớp giữ vai trò chủ đạo. GVCN lớp thường xuyên gặp gỡ trao đổi với giáo viên bộ môn đang giảng dạy tại lớp của mình về tình hình học tập của HS, nắm chắc ý thức học tập, thế mạnh, thế yếu của từng HS ở mỗi môn học.

GVCN cần có kế hoạch kết hợp với tổ chức Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh để tiến hành giáo dục toàn diện ở lớp; Tuyên truyền, vận động, thu hút gia đình học sinh, các lực lượng giáo dục tham gia vào các hoạt động giáo dục của lớp, của trường.

1.3.4.9. Kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục của HS lớp chủ nhiệm

Đánh giá là một nội dung không thể thiếu trong công tác của GVCN lớp trong nhà trường. Đánh giá kết quả học tập, rèn luyện, phát triển nhân cách của HS đòi hỏi sự khách quan, chính xác, công bằng của người GVCN lớp. Mục đích của đánh giá là nhằm thúc đấy sự cố gắng vươn lên của HS, kích thích ở các em động cơ phấn đấu

đúng đắn, hình thành niềm tin vào khả năng của bản thân, vào tập thể và thầy cô giáo. Vì vậy, GVCN lớp phải xác định được mục đích và nội dung đánh giá với các tiêu chí phù hợp; xác định được hình thức, phương pháp, kỹ thuật thiết kế công cụ đánh giá đảm bảo độ tin cậy; thu thập thông tin từ nhiều nguồn; xử lý thông tin để đưa ra kết luận đánh giá khách quan, có tính khích lệ, động viên. Đặc biệt, GVCN lớp phải tổ chức được hoạt động tự đánh giá và sử dụng kết quả đánh giá để hướng dẫn HS tự giáo dục và giáo viên điều chỉnh nội dung, phương pháp giáo dục, kết hợp với gia đình học sinh và các lực lượng giáo dục khác để xây dựng kế hoạch cho giai đoạn sau.

1.3.4.10. Xây dựng, quản lý và sử dụng hồ sơ giáo dục

Việc xây dựng được hồ sơ công tác chủ nhiệm, hồ sơ của lớp đảm bảo tính cập nhật thường xuyên, đầy đủ, có tính pháp lý và được bảo quản an toàn và bí mật sẽ giúp cho GVCN có được những kênh thông tin chính xác để phục vụ cho việc đánh giá, ra các quyết định giáo dục và làm các loại báo cáo một cách tốt nhất.

1.3.4.11. Ứng dụng tin học và ngoại ngữ vào việc thực hiện nhiệm vụ

Ngoài việc khai thác những thông tin phục vụ công tác, làm báo cáo, trao đổi thông tin học sinh… người GVCN nếu có kiến thức tốt về tin học và ngoại ngữ sẽ tiếp cận và giao tiếp với học sinh được nhiều hơn, dễ dàng nắm bắt được những thông tin về học sinh để có phương pháp giáo dục kịp thời và chính xác.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý đội ngũ giáo viên chủ nhiệm lớp ở các trường trung học phổ thông thành phố sóc trăng tỉnh sóc trăng​ (Trang 37 - 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(169 trang)