Khi còn là một cậu bé sống ở bản Hon cùng với gia đình, Dương Thuấn đã đắm mình trong bầu không khí đậm đà bản sắc dân tộc Tày. Đến khi trưởng thành, ông có nhiều năm sống xa quê, công tác ở nhiều nơi, tiếp thu nhiều nền văn hóa khác nhau nhưng nhà thơ vẫn không nguôi quên về một quãng đời ấu thơ ăm ắp kỉ
niệm. Và như một lẽ dĩ nhiên của người con dân tộc Tày, ông có một vốn văn hóa dân tộc rất phong phú và sự am hiểu sâu sắc về nếp cảm nếp nghĩ của đồng bào mình. Những nếp sống sinh hoạt hằng ngày làm nên phong tục tập quán lâu đời đến những lễ hội văn hóa vùng cao, những trò chơi dân gian hấp dẫn, gia đình đầm ấm yêu thương hòa nhịp cùng cuộc sống người dân làng bản… là nguồn sữa nuôi dưỡng nhà thơ lớn lên. Theo thời gian, nguồn sữa quê hương trở thành một mạch ngầm thấm sâu chảy mãi trong con người và hồn thơ Dương Thuấn. Đến với hồn thơ Dương Thuấn là đến với tình yêu ông dành cho bản Hon của người Tày ở Bắc Kạn. Điều này làm cho thơ Dương Thuấn trở nên đặc biệt và để lại dấu ấn đậm nét trong suốt những trang thơ ông viết cho thiếu nhi. Trong thơ viết cho thiếu nhi của Dương Thuấn, ta thấy đồng bào dân tộc Tày có một đời sống tinh thần hết sức phong phú và các em thiếu nhi vùng cao được sống trong bầu khí của những ngày lễ hội cùng những phong tục tập quán của quê hương mình. Điều này đã trở thành một phần kí ức sâu đậm, là tuổi thơ không thể phai mờ trong tâm hồn trẻ thơ vùng cao để rồi từ đó, dù sau này bước chân có đi khắp trăm phương ngàn hướng, các em vẫn cất lên khúc ca chan hòa tình yêu quê hương làng bản.