Khúc hát chan hoà tình yêu thương

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm thơ viết cho thiếu nhi của dương thuấn (Trang 75 - 86)

2.2. Văn hoá truyền thống là nguồn sữa nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ

2.2.2. Khúc hát chan hoà tình yêu thương

Kỉ niệm về khoảng trời tuổi thơ êm đềm, ngọt ngào của chính nhà thơ - người con xứ Tày trở thành nguồn cảm hứng bất tận để Dương Thuấn cất cao khúc hát chan hòa tình yêu gia đình, làng bản. Đó là hình ảnh thiếu nhi miền núi gắn với những câu chuyện bình dị trong cuộc sống hằng ngày, tình cảm gia đình đầm ấm, thầy cô bạn bè thân thương, gắn bó với những đồ vật quen thuộc…

Tình cảm gia đình là một đề tài luôn được các nhà thơ viết cho thiếu nhi khai thác bởi lẽ trên đời này, tình cảm gia đình luôn là tình cảm thiêng liêng, lớn lao và dạt dào nhất. Tình thân cũng là điều đầu tiên mà trẻ nhỏ có thể cảm nhận được một cách rõ ràng, sâu sắc. Cùng viết thơ cho thiếu nhi nhưng ở nội dung quen thuộc này, Dương Thuấn đặc biệt tập trung làm nổi bật hình ảnh của những em bé đáng yêu trong từng nếp nhà của đồng bào dân tộc Tày. Mỗi đứa trẻ dân tộc Tày đã được thần linh chúc phúc ngay từ khi mới sinh ra:

Đêm ngủ mọi em bé đều có bà mụ đến bên Đo một ngày bé lớn bao nhiêu

Ai ngoan được ban trí thông minh sắc đẹp Ai hư bị nguyền rủa cho xấu xí

Sáng ra bà mụ lại quay về

Đêm đêm mọi em bé đều có bà mụ đến bên

(Bà mụ)

Trong tín ngưỡng tâm linh của người Tày, các bà mụ là vị thần phù hộ giúp đỡ đường con cái. Mỗi gia đình người Tày quan niệm, bên cạnh mỗi đứa trẻ luôn có các bà mụ đến bên như một người mẹ đỡ đầu, vị thần hộ mệnh bảo vệ, che chở nâng đỡ cho đứa trẻ ấy khi sinh ra đến khi trưởng thành thì nó hoàn thiện, nó giỏi giang, khỏe khoắn. Về tâm linh là vậy, còn trong cuộc sống hiện thực, trẻ nhỏ là trung tâm của gia đình, của làng bản. Trẻ được tất cả mọi người yêu thương, chăm sóc, từ người thân trong gia đình cho đến những người trong làng bản, từ người trẻ đến người già, ai ai cũng muốn dành cho các em những điều tốt đẹp nhất:

Những người già ở đó Rất yêu quý trẻ con Ngày ngày đi trồng quả

Mùa nào quả cũng chín đầy vườn Không một ai hái đem đi bán Chỉ dành cho trẻ con ăn thôi.

(Mách với trẻ con)

Dương Thuấn đã vẽ nên bức tranh thể hiện tình cảm gia đình đầm ấm, tràn ngập yêu thương bằng cách diễn đạt dung dị đúng với bản tính của người dân tộc miền núi, tự nhiên như núi ngàn, thuần khiết như con suối. Các em lớn lên trong sự chở che trầm lặng mà mạnh mẽ của cha, những dịu dàng, ân cần quan tâm của mẹ và vô vàn bao dung, cưng chiều từ ông bà, anh chị:

Mẹ cho mái tóc Để em được xinh Bố cho dáng hình

Để em được đẹp Đếm mãi không hết

Ai ai cũng cho

(Cho)

Đặc biệt ông viết nhiều về tình cảm của trẻ với bà, với mẹ, với người chị gái trong gia đình. Trẻ có một niềm hạnh phúc mang tên lớn lên trong tình yêu thương của ông bà. Tuổi thơ của các em cũng nhờ có ông, có bà mà trở nên êm đềm hơn, nhiều kỉ niệm hơn. Đối với trẻ, ông bà như ông bụt, bà tiên từ trong cổ tích bước ra đời thực, nhân từ, thông thái biết hết mọi sự trên thế gian và dẫn đường trẻ đến với cái thiện bằng những câu chuyện thần kì, bằng những lời bảo ban ân cần yêu thương:

Mỗi lần cháu cầm chổi quét nhà Bà thường hay nói:

- Nhà mình sắp có khách xa… Mấy bận như thế đều có khách Có phải tiếng chổi gọi khách về? Có lần bị bụi rơi vào mắt

Bà lại bảo đem chổi làm gối Lúc ngủ say chổi sẽ quét bụi đi…

(Chổi rơm thần kì)

Càng lớn các em sẽ càng thấu hiểu sâu sắc ông bà thương mình thế nào. Trong mắt ông bà, các em chẳng bao giờ lớn. Dù ngoài kia cháu là ai, thì về đến nhà với ông bà, cháu vẫn mãi chỉ là một đứa cháu bé bỏng cần được yêu thương, vỗ về mà thôi. Những lời dặn dò yêu thương của bà trở thành lời động viên, nguồn động lực khi cháu đi xa nhà:

Đi đường chân mỏi Đem sỏi lên nghe Thì chân sẽ khỏi Thần kì như thế Hòn sỏi của bà

(Hòn sỏi thần kì)

Giấc ngủ êm đềm của trẻ thơ đâu chỉ có lời mẹ đưa ru mà còn có người chị đảm đang, mẫu mực. Trong mắt các em, chị đâu khác gì mẹ khi luôn thương em, thường hay ru em, chơi cùng em, dạy bảo em điều hay lẽ phải, nâng niu chăm sóc em chu đáo:

Ngỗng bé ơi, sao mà bé ti Gà vịt ơi, sao mà bé ti Vịt bé ơi, sao mà bé ti Cái bé bé ti

Sao mà không cố ăn đi

Cho lớn nhanh bằng chị bằng dì

(Dỗ em)

Dương Thuấn đã cho thấy nền tảng gia đình có ảnh hưởng lớn đến nhận thức của thiếu nhi. Nếu trẻ được sống trong một gia đình hạnh phúc, ở đó các thế hệ ông bà, cha mẹ, anh chị em sống yêu thương, quan tâm, hòa thuận với nhau thì trẻ cũng sẽ biết yêu thương, quan tâm đến mọi người. Gia đình là nguồn cội, là chiếc nôi bồi đắp cho các em những tình cảm tốt đẹp góp phần giúp tâm hồn các em phát triển vẹn tuyền. Hình ảnh rất đời thường ông bà ngồi nhổ tóc sâu cho nhau gieo vào lòng trẻ hạt mầm biết quan tâm, chăm sóc người thân, đi vào trong trò chơi thuở bé của

trẻ với tất cả mĩ cảm và trở thành kí ức ấm áp mỗi khi nhớ về: “Bên nhau ta ngồi/

Chơi nhổ tóc sâu/ Như ông với bà/ Vẫn nhổ cho nhau” (Làm ông làm bà)

Tình yêu hồi đáp tình yêu, các em nhận thức được tình yêu thương của mọi người dành cho mình nên cố gắng chăm ngoan để người lớn vui lòng. Các em mang đến niềm vui cho tất cả mọi người xung quanh bằng sự hồn nhiên, ngây thơ của tâm hồn con trẻ. Các em cũng mang đến niềm xúc động cho mọi người khi có suy nghĩ

sâu sắc và thể hiện hành động yêu thương: “Mẹ ơi, con không muốn xa mẹ bao giờ/

Con sợ những đêm nằm vắng mẹ/.../ Mẹ ơi, mẹ hãy mãi ở bên con/ Khi con ngủ say

thì mẹ chuyện trò cùng bà mụ” (Mẹ và bà mụ). Thiếu nhi trong thơ Dương Thuấn

rất vô tư, không suy nghĩ quá nhiều nhưng tuyệt nhiên không hề vô tâm một chút nào. Tình cảm của các em dành cho những người thân trong sáng biết bao. Tình yêu

của các em được thể hiện trong chính những hành động sinh hoạt hằng ngày của các em:

Đường nhà ông Núi cao

Dốc đứng

Chân cứng mới mong leo Cầm gói quà lẩm nhẩm “Mau đưa về cho ông” Đi tí

Hết vèo

(Về ông)

Mặt khác, Dương Thuấn cũng cho thấy chính những chuẩn mực trong lối sống gia đình sẽ là kim chỉ nam giúp trẻ nhận thức được phải trái, đúng sai, tốt xấu, từ đó định hình cho trẻ một nhân cách tốt. Yêu thương mọi người nhưng đôi khi sự tinh nghịch của trẻ nhỏ sẽ gây ra không ít rắc rối. Tuy nhiên, chính những nghịch ngợm, sai quấy của các em đã phản ánh chân thực tâm lý lứa tuổi của trẻ nhỏ và những rắc rối mà các em mang lại càng khiến tình cảm gia đình thêm gắn bó. Những lúc như thế, nền tảng gia đình đóng vai trò giáo dục rất lớn đối với sự phát triển nhân cách ở

trẻ. Trong bài Gia Nêm hóa cáo, Dương Thuấn làm nên cuộc đối thoại của trẻ với

các thành viên trong gia đình:

Có cậu Gia Nêm Suốt ngày nghịch đất O không biết đọc Mặt mũi lem nhem Ông đi làm về Kêu to: Cáo, cáo Cáo là Gia Nêm Răng nhọn ra rồi Tóc hung hung đỏ…

Gia Nêm nhăn nhó - Không phải cáo đâu Cháu Gia Nêm đây Bà đi làm về

Cũng kêu như ông - Cáo, cáo, cáo, cáo… Gia Nêm tìm chị Hỏi chị: Chị ơi Có phải là em

Hóa thành cáo rồi… Chị nghiêm trang bảo - Em mà nghịch bẩn Mới thành cáo thôi Bây giờ rửa mặt Ngồi vào bàn học Cáo lại thành người…

(Gia Nêm hóa cáo)

Cậu bé Gia Nêm nghịch phá được người lớn dạy bảo nhẹ nhàng, ân cần. Mọi người trong nhà Gia Nêm bằng sự dí dỏm, khôn ngoan đã giúp bé hiểu rằng bé nghịch bẩn, lười vệ sinh, lười học, không chăm ngoan là không nên, nếu không sửa chữa sẽ bị giống loài cáo xấu xí, gian manh. Dương Thuấn bằng kinh nghiệm dạy con, không đưa ra một mệnh lệnh, yêu cầu các em phải thế này, thế kia mà qua chuyện của cậu bé Gia Nêm, các em tự đánh giá và rút ra bài học cho mình để rồi tự biết chọn hành động như thế nào nếu muốn trở thành con ngoan, muốn được mọi người quan tâm, bạn bè yêu quý.

Thiếu nhi trong thơ Dương Thuấn không chỉ có một mái gia đình đầm ấm yêu thương mà còn có đời sống tình cảm thầy trò thắm thiết, bạn bè thân ái. Đặc biệt hơn với Dương Thuấn, có lẽ vì từng là thầy giáo nên ông luôn dành một tình cảm

sâu sắc đối với mái trường, lớp học, thầy cô ở vùng cao. Dương Thuấn đã viết những bài thơ dung dị như lời trẻ thủ thỉ tâm sự muốn kể cho người lớn nghe về

những điều rất lí thú mới được thầy dạy đó là “Thầy dạy em chữ/ Để em nên

người/.../ Thầy dạy cách nói/ Thầy dạy lời ăn/ Thầy cho tri thức/ Giỏi nghìn giỏi

trăm” (Ơn thầy). Tuổi nhỏ các em yêu thầy cô giáo, kính trọng và nghe lời thầy cô,

đối với các em điều thầy cô dạy là đúng và hay. Bài học đầu tiên được xem như hành trang đầu đời của bé là những điều thân quen nhưng để lại ấn tượng sâu sắc

trong tâm hồn thiếu nhi vùng cao: “Cô giáo dạy em tập vẽ/ Vẽ cái bếp lửa nhà sàn/

Có chị đang ngồi quay xa/ Có bà đang ngồi kể chuyện…” (Buổi đầu đến lớp). Qua

ánh nhìn trong veo của thiếu nhi vùng cao, tình thầy trò gắn liền với cuộc sống làng bản, ngôi nhà sàn, bếp lửa. Bài học đầu tiên mà các em lĩnh hội được từ thầy cô chính là lòng yêu quê hương, đất nước của mình, yêu và tự hào về dân tộc mình từ những điều nhỏ nhặt, thân quen.

Trong thơ viết cho thiếu nhi, Dương Thuấn luôn ý thức trân trọng, giữ gìn

truyền thống “tôn sư trọng đạo”, một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta từ bao đời.

Điều này được thể hiện qua sự thấu hiểu nỗi vất vả, gian truân của thầy cô “cõng”

con chữ lên ngàn. Giao thông cách trở, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, nhận thức về việc học còn hạn chế… là những khó khăn mà các thầy cô đang giảng dạy ở vùng cao phải đối mặt hàng ngày. Đối với các em miền xuôi, các em có nhiều điều kiện thuận lợi mở rộng tri thức còn ở miền núi, các em được tiếp xúc với con chữ đã là điều đáng mừng. Kiến thức các em thu nhặt được khi ngồi trên lớp cứ rơi mòn theo những con dốc vắt kiệt mồ hôi nhưng cuộc sống của các em học sinh nhờ những chăm lo của thầy cô đã có nhiều chuyển biến. Hiểu được tấm lòng yêu trẻ, thương nghề, tận tụy hy sinh của thầy cô giáo, thiếu nhi ca ngợi công lao ấy bằng cách nói của người dân tộc mộc mạc, đơn sơ như những bông hoa rừng:

Ơn thầy to lắm To hơn ông trời (...)

Không thể đo được Như non như bể

Ơn thầy em nhớ Mang theo tháng năm

(Ơn thầy)

Bài thơ là một lời tri ân đối với người thầy giáo cũ của mình. Thầy như một người cha thứ hai ần cần dạy bảo đưa các lớp học trò đến chân trời mới. Từ ngữ, giọng điệu trẻ thơ hồn nhiên, vui tươi đong đầy tình cảm của các em dành cho các thầy cô kính yêu, nhớ công ơn cô thầy dìu dắt mình nên người. Hình ảnh người thầy kính yêu không bao giờ phai trong tâm trí bất cứ người học trò vùng cao nào. Xúc động vô ngần khi tình thầy trò ở bản làng được Dương Thuấn kể lại trong bài thơ Bức ảnh cũ:

Bức ảnh chụp vào lớp một Tám mươi năm đi qua rồi Nhưng ông vẫn còn giữ mãi Cất kỹ ở dưới đáy hòm Mỗi năm đến ngày nhà giáo Ông thời lại mở ra xem

Ngắm bức ảnh mình ngày nhỏ Thầy trò đứng ở ngoài hiên Thầy giáo cười mặt khắc khổ Lũ học trò nhỏ cười theo Cứ mỗi lần xem bức ảnh Ông tôi lại nước mắt rơi…

(Bức ảnh cũ)

Người thầy thắp sáng tri thức cho thiếu nhi vùng cao đã dẫn lối bao nhiêu bao nhiêu lứa học trò vượt núi băng rừng, rời mái trường cũ khám phá những chân trời mới. Thầy giáo ở lại với phấn trắng, bảng đen. Bẵng đi một đời người, cậu học trò ngày ấy giờ đã là một cụ già tám mươi tuổi, bức ảnh cũ như chiếc chìa khóa mở ra hòm kí ức về thầy và những đứa trò nhỏ ở lớp học vùng cao. Bức ảnh lưu giữ nụ

cười vẫn còn nguyên nụ cười đó, lời thầy dạy ngày nào vẫn vang mãi trong tim là một hoài niệm đẹp ngậm ngùi xót xa mỗi khi nhớ về.

Dù sống ngay giữa bản làng hay khi đã trở thành người của muôn nơi thì nhà thơ vẫn luôn luôn là người con của bản Hon. Thơ viết cho thiếu nhi của Dương Thuấn thể hiện những suy nghĩ, chiêm nghiệm sâu sắc được thể hiện qua lăng kính trẻ thơ đượm nét hồn nhiên, chân thật bắt nguồn từ những sự vật nhỏ bé quen thuộc như chiếc chổi rơm, cái túi đựng trầu, hòn sỏi nhỏ, chiếc gậy, cái cọn, cây cầu, tiếng mõ trâu, cái cầu thang, mái nhà sàn, con đường mòn… Mỗi một đồ vật là một sự khám phá mới của Dương Thuấn. Dường như nhà thơ không để cho những vật vô tri vô giác đó nằm im một chỗ mà ông luôn đánh thức chúng dậy với những cảm xúc tinh tế, hầu hết những đồ vật đều gợi nhớ về một thời ấu thơ thân thương với ông bà và gia đình. Nếu như cây chổi, hòn sỏi, cái túi đựng trầu gợi nhớ đến kỉ niệm ấu thơ về người bà thì ngôi nhà sàn của ông là vô vàn những kỉ niệm yêu thương của các em về gia đình:

Ngôi nhà sàn của ông nội Trải rát mai vàng óng

Cầu thang lên sàn cao chín bậc Chị thường hay ra đứng đón bạn Bà thường hay đưa khách xa về

Ngôi nhà sàn có vô vàn kỉ niệm Dù đi trăm nơi, lên bao tòa nhà lớn Chẳng thích bằng nhà sàn của ông

(Ngôi nhà sàn)

Dương Thuấn phát hiện những đồ vật nhỏ bé, khá lạ lẫm đối với các bạn nhỏ miền xuôi nhưng chưa bao giờ vô dụng, tầm thường thậm chí còn rất thần kì đối với những em bé xứ Tày. Chúng đã đóng góp một phần nhỏ bé để làm sạch, làm đẹp cuộc sống cho con người vùng cao. Một trong những đồ vật quen thuộc nhưng điểm xuyết những nét chấm phá độc đáo mang lại hình ảnh tuyệt đẹp không dễ có ở

những vùng miền khác là những chiếc cọn nước. Cọn nước thể hiện sự sáng tạo, tài hoa của đồng bào miền núi trong chinh phục thiên nhiên, không ầm ầm tiếng máy, chẳng cần đổ xăng dầu, không hao tốn điện năng như những chiếc máy bơm, những chiếc cọn cứ miệt mài guồng, đưa nước về bản, về ruộng, như những chiếc động cơ

trung thành và nhẫn nại đảm bảo nước tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp: “Cót

két...Cót két…/ Ngày đêm quay không mỏi/ Bản vắng có tiếng con làm vui” (Cái cọn). Mỗi chiếc cọn được sinh ra, người dân thêm một niềm vui có nước cho cánh đồng, điều đó như báo hiệu một mùa no ấm, sung mãn sẽ về với bà con buôn làng. Những vòng xoay của cọn nước chứa đựng bao tìm tòi, trăn trở, gửi gắm bao ước vọng đổi đời, cha ông bước lên vững chãi với niềm say mê sáng tạo và khẳng định bản lĩnh làm chủ trên quê hương xứ sở của mình. Hình ảnh những chiếc cọn nước

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm thơ viết cho thiếu nhi của dương thuấn (Trang 75 - 86)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(165 trang)