Có rất nhiều cách định nghĩa biểu tượng, theo Từ điển tiếng Việt: “Biểu
tượng là hình thức của nhận thức, cao hơn cảm giác, cho ta hình ảnh của sự vật còn giữ lại trong đầu óc sau khi tác động của sự vật vào giác quan đã chấm dứt”
(Hoàng Phê, 2001). Vai trò của biểu tượng trong đời sống con người là vô cùng
quan trọng. Biểu tượng “khiến đứa trẻ và con người thấy mình không phải là sinh
linh đơn độc và lạc loài trong cái tập hợp rộng lớn xung quanh” hay “Biểu tượng
diễn đạt một thực tại đáp ứng nhiều nhu cầu về nhận thức, về tình yêu thương và sự
bình an” và tác giả cho rằng: “Cưỡng lại các biểu tượng là tự cắt què đi một phần
của chính mình, làm nghèo đi toàn bộ tự nhiên; và dưới cái cơ chế là hiện thực chủ nghĩa, chạy trốn lời mời xác thực nhất vào một cuộc sống hoàn chỉnh. Một thế giới không có biểu tượng thì sẽ ngạt thở: nó sẽ tức thì giết chết đời sống tinh thần của
con người” (Trần Trọng Dương, 2009).
Như vậy có thể hiểu biểu tượng văn hóa là những thực thể vật chất hoặc tinh thần (sự vật, hành động, ý niệm…) mà khi nhắc đến người ta sẽ nghĩ đến dân tộc ấy, miền đất ấy vùng văn hóa ấy và ngược lại. Biểu tượng văn hóa trong các tác phẩm thi ca còn có một số điểm khác so với biểu tượng văn hóa trong thực tế đời sống xã hội. Biểu tượng văn hóa trong các thơ giúp nhận rõ hơn thông điệp được gửi gắm, giúp khám phá ra cái thế giới tinh thần ngầm ẩn bên trong, những trầm tích văn
hóa… Đỗ Thị Thu Huyền trong Thơ dân tộc Tày sau năm 1945 phân biệt giữa biểu tượng thơ và biểu tượng văn hóa:
Biểu tượng thơ không trùng khít với biểu tượng văn hóa mà được cấu tạo lại thông qua tín hiệu nghệ thuật, chính là ngôn từ. Lúc này, ở trong một văn bản ngôn từ/ một tác phẩm thơ, biểu tượng văn hóa sẽ đóng vai trò là “mẫu gốc” để từ đó làm phong phú hơn các ý nghĩa cho biểu tượng thơ - ý nghĩa đặc trưng của biểu tượng văn hóa được lưu giữ và ý nghĩa phát sinh sau khi được tri nhận.
(Đỗ Thị Thu Huyền, 2015) Như một quy luật tất yếu, con người sinh ra và lớn lên ở đâu thì tiềm thức sẽ luôn hướng về nơi ấy và nơi ấy cũng ảnh hưởng sâu sắc đến tư duy, thẩm mĩ của con người. Như chúng ta đã biết, Dương Thuấn đến với thơ ca từ bản sắc dân tộc quê hương mình nên cả thiên nhiên, con người, phong tục tập quán mang đậm bản sắc độc đáo riêng của đồng bào miền núi. Thơ viết cho thiếu nhi của Dương Thuấn, thiên nhiên và đời sống của thiếu nhi vùng cao hiện lên tinh tế, phong phú, đa dạng với đầy đủ sắc màu, hình khối. Đó là hình ảnh của thiên nhiên như đại ngàn rừng núi, trời, mây, sương, trăng, thác lũ, mưa rừng, dòng sông, con suối,... Hình ảnh quê hương với những tập tục sinh hoạt, trang phục: cây đàn tính, tiếng khèn… Tất cả những điều ấy đi vào trong thơ Dương Thuấn không chỉ đơn thuần để để miêu tả hình ảnh, để phô diễn mà nó mang đến sức gợi cảm cao độ, gây ấn tượng sâu sắc đối với độc giả. Đặc biệt có những hình ảnh xuất hiện với tần số cao, lặp đi lặp lại nhiều lần, khi đó, chúng không còn là hình ảnh miêu tả đơn thuần mà ẩn chứa nhiều dụng ý, tư tưởng của tác giả. Từ những hình ảnh tiêu biểu cho quê hương, nhà thơ đã nâng chúng thành biểu tượng văn hóa đặc trưng cho những giá trị văn hóa dân
tộc, bản làng quê ông. Trong Tuyển tập thơ Dương Thuấn (tập III) viết cho thiếu
nhi, những hình ảnh xuất hiện với tần số cao mang tính biểu tượng lớn phải kể đến như: núi, mây, sương, trăng, con ngựa...