PHẦN 2 : NỘI DUNG NGHIÊN CỨU
1.3. Một số vấn đề chung về kinh tế ngoài quốc doanh
1.3.2. Đặc điểm, vai trò của khu vực kinh tế ngoài quốc doanh
1.3.2.1. Đặc điểm của khu vực kinh tế ngoài quốc doanh
Trong cơ chế thị trường nền kinh tế bao gồm hai khu vực: Kinh tế nhà nước chủ yếu thực hiện chức năng dịch vụ công cộng, nặng về mục tiêu chính là lợi ích chung của toàn xã hội; KTNQD hay còn gọi là kinh tế tư nhân chủ yếu làm chức năng kinh doanh mưu cầu lợi nhuận. Từ đó, trong cơ cấu sản xuất xã hội, KTNQD được coi là một thực thể khách quan, gồm các thành phần kinh tế được xác định tùy theo đặc điểm kinh tế - xã hội và đường lối chính trị của mỗi Nhà nước trong từng giai đoạn khác nhau như, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, kinh tế cá thể, kinh tế tư bản nhà nước...
Khu vực KTNQD là khu vực kinh tế bao gồm các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh bằng vốn của các tổ chức, của một số cá nhân góp lại; hoạt động kinh doanh theo cơ chế thị trường vì mục tiêu lợi nhuận. KTNQD có nhiều đặc điểm riêng biệt, nhưng có thể khái quát một số đặc điểm cơ bản sau:
+ Sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, do tư nhân quản lý và phân phối lợi nhuận; + Có tính tư hữu cao, trình độ phổ biến thấp, cho nên hiểu biết về luật cũng như ý thức chấp hành pháp luật chưa cao;
+ Vốn ít, số lượng cơ sở nhiều, nằm rải rác, phân tán ở tất cả các địa phương trong cả nước;
+ Số thu hàng năm chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng số thu ngân sách;
+ Thường xuyên biến động về số lượng cơ sở, tùy thuộc vào chính sách, chế độ của Nhà nước trong từng thời điểm;
Mục tiêu của chủ doanh nghiệp trong khu vực KTNQD chính là lợi nhuận, do vậy, không ít cơ sở luôn tìm mọi cách, mọi sơ hở của cơ quan thuế, cán bộ thuế, chính sách, chế độ, để luồn lách, trốn thuế.
Các hình thức tồn tại, phát triển của khu vực KTNQD rất đa dạng với số lượng lớn, ý thức trong việc thực hiện luật pháp với mức độ khác nhau, tùy theo trình độ phát triển ở mỗi quốc gia. Song, rõ ràng đây là một lĩnh vực phức tạp trong quản lý thu thuế.
Sự phát triển ở khu vực KTNQD ở nước ta những năm qua đã tạo thêm nhiều của cải vật chất cho xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần không nhỏ vào sự ổn định xã hội và tăng trưởng kinh tế.
+ Nguồn vốn trong khu vực KTNQD nối tiếp từ thế hệ này sang thế hệ khác đã và đang được tích lũy ngày càng lớn. Ở hầu hết các nước, nguồn vốn đầu tư từ phía Nhà nước không đáng kể (chiếm từ 13% - 30% tổng vốn đầu tư). Các nước đều có chính sách thỏa đáng để huy động nguồn lực to lớn từ nguồn vốn của KTNQD. Nếu Chính phủ có chính sách đúng đắn, tạo môi trường thuận lợi, tạo lòng tin trong nhân dân, nhất định họ sẽ sẵn sàng bỏ vốn đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển và tăng trưởng mạnh mẽ.
+ KTNQD có tiềm năng lao động to lớn và góp phần đáng kể vào việc giải quyết việc làm cho xã hội. Ở nước ta, hàng năm bình quân có khoảng 1,25 triệu người đến tuổi lao động, bao gồm: lực lượng thanh niên đến tuổi lao động, số học sinh tốt nghiệp dạy nghề, trung học, cao đẳng, đại học hoặc những người lao động thất nghiệp do sắp xếp lại biên chế trong các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp hoặc do sắp xếp lại sản xuất trong các ngành kinh tế quốc dân, những người bán thất nghiệp ở nông thôn, thành thị. Đây là nguồn lao động rất dồi dào mà Nhà nước ta chưa khai thác hết được. Nếu chỉ thông qua các doanh nghiệp nhà nước thì sẽ không thu hút được hết những người lao động. Chỉ thông qua KTNQD với mọi hình thức, mọi quy mô, mọi loại ngành nghề, áp dụng nhiều phương thức tổ chức, sử dụng một cách linh hoạt mọi loại lao động của xã hội mới có thể tận dụng được lực lượng dôi dư.
Ở Việt Nam, tuy KTNQD mới được công nhận và phục hồi nhưng trong những năm qua nhưng đã xác định được chỗ đứng xứng đáng, có vai trò quan trọng trong sự nghiệp đổi mới đất nước.
Sự đóng góp của khu vực KTNQD không chỉ dừng lại ở mặt làm tăng tổng sản phẩm trong nước, thêm nhiều hàng hóa với nhiều mẫu mã đẹp, giá cả hợp lý mà còn tạo ra môi trường thuận lợi cho giải quyết việc làm, nâng cao đời sống xã hội, cả cho người sản xuất lẫn người tiêu dùng.
1.3.2.2. Vai trò của khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đối với nền kinh tế Việt Nam
Khu vực KTNQD bao gồm các doanh nghiệp ngoài quốc doanh (Công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân) và các hộ cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong nền kinh tế thị trường, KTNQD là thành phần kinh tế không thể thiếu và đóng vai trò ngày càng mạnh mẽ, tương xứng với tiềm năng và đóng góp xứng đáng vào sự tồn tại vào sự phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đòi hỏi Nhà nước phải có các chính sách, điều kiện thuận lợi để khu vực này phát huy được vai trò của mình trong tình hình kinh tế hiện nay [23].
- Khu vực kinh tế ngoài quốc doanh phát triển góp phần làm tăng của cải vật chất cho xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Nước ta là nước có nền kinh tế đang phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhiều thành phần, do vậy mục tiêu phát triển kinh tế là hàng đầu. Khu vực KTNQD là khu vực có nhiều đặc điểm thuận lợi cho quá trình làm tăng của cải vật chất cho xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế như là: khu vực thu hút nhiều lao động, đối tượng hoạt động rộng tạo thuận lợi cho việc phát triển kinh tế ở mọi nơi trong nước, rút ngắn khoảng cách về thu nhập giữa thành thị và nông thôn, đồng thời góp phần khai thác những tiềm năng to lớn của nền kinh tế như tài nguyên, sức lao động, thị trường... mà vẫn chưa được khai thác một cách hiệu quả.
- Khu vực kinh tế ngoài quốc doanh phát triển góp phần giải quyết việc làm cho người lao động
Nước ta là nước có dân số hơn 80 triệu dân, do đó đối tượng lao động là rất lớn. Vấn đề thất nghiệp được đặt ra cần được giải quyết. Trong khi khu vực kinh tế Nhà nước và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài luôn đòi hỏi lao động phải có văn hóa, trình độ kỹ thuật nhất định thì mới có thể làm việc trong khu vực trên
dẫn đến một khối lượng lớn lao động đang ở tuổi lao động không thể làm việc ở trong hai khu vực này. Vậy, điều đáng nói ở đây là so với 2 khu vực trên thì khu vực KTNQD có vai trò thu hút nhiều thành phần lao động, từ những lao động có trình độ cao đến những lao động thủ công, từ những hợp đồng ngắn hạn đến những hợp đồng dài hạn, theo mùa vụ hoặc theo thời gian nhất định... Do đó khu vực này góp phần giải quyết thất nghiệp và tạo ra sự phát triển cân đối cho nền kinh tế.
- Khu vực kinh tế ngoài qốc doanh phát triển tạo cho ngân sách có nguồn thu ổn định và ngày càng tăng
Trước hết, phải khẳng định các khoản nộp ngân sách của khu vực KTNQD mới đúng bản chất là “thuế”. Khác với các doanh nghiệp Nhà nước, Nhà nước không phải chủ sở hữu tư liệu sản xuất của các doanh nghiệp khu vực KTNQD, Nhà nước thu thuế của khu vực này mà không phải đầu tư trực tiếp vào khu vực này. Nguồn thu từ khu vực này rất lớn, ngày càng tăng và được dùng chủ yếu để đầu tư vào các ngành nghề kinh tế mũi nhọn, xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ các ngành kinh tế yếu kém. Vậy, khu vực KTNQD có vai trò điều hòa thu nhập và đóng góp vào NSNN rất lớn.
- Khu vực kinh tế ngoài quốc doanh phát triển góp phần tăng vốn đầu tư cho xã hội
Khu vực này tạo ra một thị trường vốn tín dụng lớn và hứa hẹn nhiều tiềm năng cho sự phát triển của các ngân hàng ở nước ta do sự đổi mới kinh tế. Nhờ chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần nên khu vực KTNQD đã hình thành và huy động một lượng vốn đầu tư lớn cho xã hội. Đây là một nguồn vốn quan trọng, song khai thác chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, khu vực KTNQD càng phát triển thì nhu cầu về vốn ngày càng tăng và có mối quan hệ mật thiết với các ngân hàng, đóng góp vào sự lớn mạnh của hệ thống ngân hàng trong công tác huy động vốn.
- Ngoài những vai trò trực tiếp nêu trên, khu vực kinh tế ngoài quốc doanh còn có tác dụng trên nhiều mặt sau:
+ Khu vực KTNQD phát triển thỏa mãn một phần nhu cầu tiêu dùng xã hội, giúp cho Nhà nước, trong điều kiện vốn còn hạn hẹp, có thể tập trung đầu tư vào
những ngành nghề mũi nhọn, có tác dụng đến toàn bộ nền kinh tế và đời sống xã hội, tránh đầu tư phân tán, dàn trải.
+ Khu vực KTNQD tồn tại và phát triển góp phần thúc đẩy sự hình thành và phát triển kinh tế hàng hóa, tạo ra sự cạnh tranh sống động trên thị trường, thúc đẩy kinh tế Nhà nước tăng cường hạch toán kinh doanh, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, hạ giá thành sản phẩm.