PHẦN 2 : NỘI DUNG NGHIÊN CỨU
2.4. Đánh giá chung công tác quản lý thu thuế khu vực kinh tế ngoài quốc doanh tạ
2.4.3. Những tồn tại hạn chế
* Quản lý đối tượng nộp thuế, đăng ký thuế
+ Đối với doanh nghiệp
- Cơ chế liên thông một cửa giữa cơ quan thuế với Sở Kế hoạch và Đầu tư
hoạt động chưa thực sự thông suốt, vẫn còn hiện tượng doanh nghiệp được cấp chứng nhận ĐKKD, cấp MST nhưng chậm đến cơ quan thuế đăng ký, kê khai nộp thuế theo quy định.
- Hiện vẫn còn tình trạng có một số doanh nghiệp khi thay đổi thông tin thuộc loại bắt buộc phải kê khai bổ sung theo quy định nhưng không kê khai, làm cho các thông tin về doanh nghiệp tại cơ quan thuế trên hệ thống quản lý của ngành chưa thực sự chính xác. Một số doanh nghiệp khi sáp nhập, chuyển đổi sở hữu hoặc mua bán doanh nghiệp nhưng kê khai với cơ quan thuế còn chậm. Một số doanh nghiệp vì lý do khách quan phải tạm ngừng sản xuất, kinh doanh một thời gian nhưng không báo cáo cơ quan thuế cũng không kê khai thuế theo quy định. Một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, thực tế không còn hoạt động nhưng không làm các thủ tục giải thể, phá sản theo trình tự pháp luật để đóng hiệu lực cấp MST.
+ Đối với hộ kinh doanh
Quy chế phối hợp giữa Phòng Tài chính - Kế hoạch (Bộ phận ĐKKD) với Chi cục Thuế thực hiện chưa tốt, rất nhiều trường hợp hộ kinh doanh đã có giấy chứng nhận ĐKKD nhưng không đến Chi cục Thuế để đăng ký cấp MST theo quy định; hộ ĐKKD nhưng thực tế không kinh doanh, chủ yếu là dùng giấy phép kinh doanh để được vay vốn ngân hàng; một số trường hợp hộ kinh doanh ngừng kinh doanh, không nộp thuế cũng không trả giấy phép ĐKKD cho Phòng Tài chính - Kế hoạch (có nghĩa là có khai sinh nhưng không khai tử). Tuy nhiên, Phòng Tài chính - Kế hoạch cũng chưa có kế hoạch hậu kiểm để thu hồi giấy phép kinh doanh của những trường hợp này. Từ những nguyên nhân đó đã làm cho quá trình quản lý đối tượng nộp thuế của ngành thuế gặp nhiều khó khăn.
* Quản lý kê khai các doanh nghiệp và khoán thuế đối với hộ kinh doanh
+ Đối với doanh nghiệp
Việc kê khai thuế theo cơ chế tự khai tự nộp như hiện nay còn phụ thuộc vào tính tự giác của NNT. Do đó, có một số NNT đã lợi dụng cơ chế tự khai tự tự nộp để kê khai không đủ nghĩa vụ thuế, thậm chí gian lận tiền thuế ở nhiều mức độ khác nhau.
- Đối với thuế GTGT: Loại hành vi phổ biến nhất trong gian lận thuế GTGT là kê khai không trung thực trong khấu trừ thuế GTGT đầu vào, bao gồm sử dụng hóa đơn bất hợp pháp để khấu trừ khống các yếu tố đầu vào, không phân bổ thuế GTGT đầu vào cho phần hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT bán ra, kê khai khấu trừ thuế GTGT của phần chi phí vượt định mức, khấu trừ thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho các mục đích khác ngoài hoạt động sản xuất, kinh doanh; về doanh thu, thuế GTGT đầu ra, hành vi vi phạm chủ yếu vẫn là không xuất hóa đơn khi bán hàng hoặc ghi hóa đơn thấp hơn giá thực tế thanh toán hoặc xuất hóa đơn chậm so với thời điểm bán hàng thực tế.
- Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp: Các hành vi gian lận thuế làm tăng chi phí tính thuế thu nhập doanh nghiệp của các doanh nghiệp rất đa dạng, tương ứng theo các ngành nghề kinh doanh khác nhau. Đối với ngành xây dựng, các doanh nghiệp không thực hiện phản ánh kịp thời các chi phí phát sinh khi thực hiện công trình. Doanh nghiệp trong quá trình hoạt động thường xuyên thiếu vốn, thường mua chịu các nguyên vật liệu đầu vào và không có hóa đơn hợp lý hợp lệ về các khoản chi phí. Khi công trình hoàn thành và quyết toán, lúc này doanh nghiệp mới thực hiện hoàn thiện các thủ tục, các hóa đơn phản ánh chi phí đã phát sinh. Mức giá và khối lượng nhập nguyên vật liệu thời điểm quyết toán thuế và thời điểm nhận hàng về là có sự khác nhau, điều này sẽ làm tăng chi phí chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Ngoài ra, các công trình mà doanh nghiệp thực hiện rất đa dạng, cùng lúc thực hiện nhiều công trình khác nhau, nên khó bóc tách các khoản chi phí hợp lý hợp lệ và các hợp đồng lao động. Lợi dụng điều này, doanh nghiệp tăng mức lương, tăng số lượng lao động thực hiện cho công trình. Từ đó, làm tăng chi phí chịu thuế thu nhập doanh nghiệp; các doanh nghiệp còn thực hiện các hành vi gian lận thuế khác như khấu hao các tài sản để tính vào chi phí chịu thuế đối với các tài sản chưa và không phục vụ cho hoạt động sản xuất, ví dụ lấy chi phí khấu hao nhà ở vào chi phí hoạt động của doanh nghiệp khi doanh nghiệp dùng nhà ở làm văn phòng đại diện, các chi phí sinh hoạt của cá nhân khác như điện, nước, điện thoại cũng đưa vào chi phí chịu thuế của doanh nghiệp; thậm chí còn đưa các chi phí liên quan đến
hoạt động thăm người ốm, hoạt động từ thiện vào chi phí chịu thuế...; các hành vi như bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ không xuất hóa đơn bán hàng, hoặc bán hàng viết hóa đơn với giá trị thấp hơn một phần hoặc thấp hơn rất nhiều so với số tiền thực tế thu được.... Điều này làm giảm doanh thu tính thuế và giảm thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp.
+ Đối với hộ kinh doanh
Hiện nay, trên địa bàn huyện Chợ Gạo tỉnh Tiền Giang vẫn áp dụng thu thuế đối với hộ kinh doanh theo hình thức khoán thuế là chủ yếu. Trong quản lý thuế, thường xuyên có những hộ kinh doanh không chấp hành việc kê khai, nộp thuế, buộc cán bộ thuế phải nhắc nhở nhiều lần; việc xác định số thuế phải nộp còn thiếu tính khoa học, chưa đảm bảo quy trình quản lý thuế hộ kinh doanh như: chưa điều tra xác định doanh số thực tế của hộ kinh doanh làm cơ sở ổn định thuế mà chủ yếu hiệp thương số thuế phải nộp để tính ngược lại doanh số; còn rất nhiều trường hợp hộ xin tạm ngưng kinh doanh nhưng qua phúc tra thực tế thì phát hiện hộ vẫn kinh doanh bình thường. Biên chế của Đội thuế liên xã - thị trấn còn thiếu, một cán bộ phải phụ trách nhiều xã, trong khi đó Tổng cục Thuế lại không cho phép hợp đồng ủy nhiệm thu nên công tác quản lý thu thuế đối với hộ kinh doanh hiện nay cũng còn gặp nhiều khó khăn.
+ Công tác thu nộp tiền thuế
Đến cuối năm 2017, có 100% doanh nghiệp do Chi cục Thuế huyện Chợ Gạo tỉnh Tiền Giang quản lý đã thực hiện nộp thuế điện tử. Tuy nhiên, việc nộp thuế điện tử cũng gặp những hạn chế như một số doanh nghiệp khi phát sinh nghĩa vụ thuế nhưng trong tài khoản lại không có đủ tiền để thực hiện giao dịch, một số trường hợp phát sinh nghĩa vụ thuế nhưng không chịu nộp, dẫn đến số thuế nợ đọng tăng. Tại Chi cục Thuế huyện Chợ Gạo hiện nay vẫn còn duy trì việc hàng tháng cán bộ thuế trực tiếp đến từng hộ kinh doanh để thu thuế, không có trường hợp nào thực hiện nộp thuế qua Ngân hàng thương mại. Do vậy, ít nhiều cũng ảnh hưởng đến tiến độ thu, việc đăng nộp tiền thuế đôi lúc bị chậm trễ.
* Công tác kiểm tra thuế
Công tác kiểm tra thuế mới chỉ đáp ứng được một phần với yêu cầu quản lý thuế mới. Tình trạng gian lận thuế còn diễn ra phổ biến, trong khi số lượng doanh nghiệp ngày càng tăng, số lượng cán bộ thuế làm công tác kiểm tra có hạn. Tỷ lệ doanh nghiệp được kiểm tra còn chưa cao. Hầu hết các doanh nghiệp được kiểm tra đều có sai phạm phải xử lý truy thu, xử phạt về thuế. Những doanh nghiệp qua kiểm tra phát hiện gian lận thuế, Chi cục Thuế mới chỉ dừng lại ở mức độ truy thu số tiền thuế khai thiếu, xử phạt chậm nộp tiền thuế và phạt do khai sai.
Việc kiểm tra theo rủi ro còn rất hạn chế do chất lượng của công tác thu thập, phân tích thông tin, dữ liệu, đánh giá rủi ro theo quy định của Luật Quản lý thuế còn lúng túng, chưa tổ chức thu thập được thông tin về tình hình sản xuất, kinh doanh, số liệu về tỷ lệ GTGT, số liệu về giá cả thị trường,... nên không có đủ thông tin cho quá trình phân tích. Việc áp dụng tin học hỗ trợ cho phân tích thông tin, kiểm tra còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc phân tích thông tin chỉ mới dừng lại ở các thông tin trên các hồ sơ khai thuế của NNT.
Công tác phối hợp với các cơ quan chức năng khác như Công an, Quản lý thị trường, Thanh tra... chưa có hiệu quả. Trình độ chuyên môn của một số cán bộ kiểm tra còn hạn chế, đặc biệt là kiến thức về kinh tế ngành, kỹ năng khai thác thông tin, xử lý thông tin trong quá trình tác nghiệp cũng làm hạn chế hiệu quả của công tác này.
* Công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế
Tình hình nợ đọng thuế có dấu hiệu ngày càng phức tạp, mức độ tuân thủ của NNT có xu hướng giảm, dẫn đến số thuế nợ đọng ngày càng tăng, số thuế nợ khó thu ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nợ thuế. Thời gian qua, Chi cục Thuế chưa tổ chức cưỡng chế được trường hợp nào nhằm tác động ý thức của NNT.
* Công tác tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuế
Công tác tuyên truyền hỗ trợ NNT trong thời gian qua cơ bản đáp ứng nhu cầu của NNT. Tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập:
- Các hình thức tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng còn đơn điệu, cứng nhắc, chưa có sự đổi mới, sáng tạo để thu hút sự quan tâm của NNT
và xã hội. Xét một cách khách quan và cụ thể, vẫn còn có những thông tin được cung cấp chưa đảm bảo tính đầy đủ, chính xác, kịp thời cho NNT.
Hình thức hỗ trợ NNT chưa đa dạng, đồng bộ, phong phú: vẫn chủ yếu theo một chiều, tính tương tác giữa NNT và cơ quan thuế còn hạn chế. Cơ quan thuế chưa thực sự coi NNT là trung tâm của công tác tuyên truyền hỗ trợ, chưa khảo sát phân loại đối tượng cụ thể để áp dụng các hình thức phù hợp với nhu cầu của từng nhóm đối tượng khác nhau. Cơ quan thuế vẫn chủ yếu cung cấp những dịch vụ mà mình có, chưa thực sự cung cấp những nội dung mà NNT cần; ứng dụng công nghệ thông tin vào tuyên truyền hỗ trợ NNT trong công tác đăng ký thuế, kê khai thuế, nộp thuế điện tử; giải đáp trực tuyến qua mạng ngành Thuế với sự hỗ trợ của công nghệ chưa được phát triển mạnh.
* Sự phối hợp giữa cơ quan thuế với các ban, ngành
Công tác quản lý thuế ngày nay cần được sự phối hợp với chính quyền địa phương các cấp, các ban ngành liên quan. Thực tế công tác phối hợp quản lý thuế giữa cơ quan thuế với chính quyền địa phương các cấp, các ban ngành trong huyện chưa được chặt chẽ. Các ban, ngành còn xem công tác quản lý thuế là việc riêng của cơ quan thuế. Do đó, quá trình thu thập, nắm bắt thông tin từ các cơ quan phục vụ cho việc quản lý thuế gặp không ít khó khăn. Một số ban, ngành, địa phương còn vô tình tạo điều kiện cho NNT trong việc không chấp hành nghĩa vụ thuế.
CHƯƠNG 3: GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN CÔNG TÁC QUẢN LÝ THU THUẾ ĐỐI VỚI KHU VỰC KINH TẾ NGOÀI QUỐC DOANH TẠI
CHI CỤC THUẾ HUYỆN CHỢ GẠO TỈNH TIỀN GIANG