Kinh nghiệm của các ngân hàng tại Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nâng cao chất lượng tín dụng ngân hàng chính sách xã hội huyện phú lương, tỉnh thái nguyên (Trang 35 - 38)

1.3.2.1 Kinh nghiệm tại Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Phổ Yên tỉnh Thái Nguyên

Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Phổ Yên nằm trong hệ thống Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Thái Nguyên với mục đích sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính do Ngân hàng Chính sách Xã hội huy động cho người nghèo và các đối tượng chính sách ưu đãi phục vụ sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện đời sống, góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo ổn định xã hội.

Nguồn vốn mà NHCSXH huyện Phổ Yên có chủ yếu được sử dụng vào việc cho vay ưu đãi hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. Nguồn vốn này được tập trung cho vay 6 đối tượng chính đó là: cho vay hộ nghèo, cho vay giải quyết việc làm, cho vay học sinh sinh viên, cho vay hộ nghèo làm nhà ở, cho vay hộ sản xuất vùng khó khăn và cho vay nước sạch vệ sinh môi trường. Ngoài ra Ngân hàng Chính sách Xã

hội huyện Phổ Yên còn cho vay các đối tượng như: Xuất khẩu lao động, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn và vốn cho thương nhân hoạt động tại vùng khó khăn. Qua 3 năm 2016 – 2018 tổng doanh số cho vay tăng dần, năm 2018 tổng doanh số cho vay đạt 155.301 triệu đồng tăng 45,54% so với năm 2017. Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Phổ Yên rất quan tâm tới quy mô cho vay. Doanh số cho vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Phổ Yên chủ yếu tập trung ở ngành trồng trọt và chăn nuôi. Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Phổ Yên đã thực hiện tốt kế hoạch cho vay, đã cân đối được nguồn vốn dành cho đầu tư trung hạn và dài hạn một cách hợp lý. Doanh số cho vay ngắn hạn chiếm tỷ trọng nhỏ và giảm qua các năm. Việc đầu tư vốn vay của hộ nghèo và đối tượng chính sách đã mang tính sản xuất hàng hóa, chuyển hẳn từ sản xuất cây, con truyền thống, tự cung, tự cấp sang áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất sản phẩm hàng hóa cung cấp cho thị trường [17].

Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Phổ Yên đã thực hiện công tác tăng cường quản lý cho vay, công tác kiểm tra, xử lý làm lành mạnh hóa chất lượng cho vay và các biện pháp ngăn chặn tình trạng tiêu cực: vay chồng chéo, sử dụng vốn sai mục đích, vay hộ... vì vậy tổng dư nợ tăng nhưng dư nợ quá hạn lại giảm [17].

1.3.2.2 Kinh nghiệm tại Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Ba Bể tỉnh Bắc Kạn

NHCSXH huyện Ba Bể bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2002. Từ 02 chương trình tín dụng ban đầu (hộ nghèo, giải quyết việc làm), đến nay trên địa bàn huyện đã có 14 chương trình tín dụng, cụ thể như: Chương trình cho vay hộ nghèo theo Quyết định số 16/2003/QĐ-TTg ngày 22/01/2003 của Thủ tướng Chính phủ; chương trình cho vay giải quyết việc làm theo Quyết định số 61/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; chương trình cho vay xuất khẩu lao động theo Quyết định 71/2009/QĐ-TTg ngày 29/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ; chương trình cho vay hộ sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn theo Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ; chương trình cho vay hộ cận nghèo theo Quyết định số 15/2013/QĐ-TTg ngày 23/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ; chương trình cho vay hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số nghèo theo Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ...

Tính đến ngày 31/7/2017, tổng dư nợ các chương trình đạt 253.892 triệu đồng, tăng 247.735 triệu đồng so với ngày mới đi vào hoạt động, bình quân trong giai đoạn 15 năm, mỗi năm dư nợ tăng 16.515 triệu đồng. Các chương trình tín dụng đã được tổ chức thực hiện kịp thời và đúng chính sách, chế độ; tiền vốn được giao trực tiếp cho người thụ hưởng ngay tại xã, đảm bảo nguyên tắc công khai, dân chủ [18], [19].

Để đồng vốn đến tay hộ nghèo đạt hiệu quả cao, cán bộ Phòng giao dịch NHCSXH huyện đã khắc phục khó khăn, năng động tìm mô hình cho vay hiệu quả theo từng địa bàn; phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện ủy thác vay vốn như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên để người dân tiếp cận với nguồn vốn dễ dàng hơn. Đồng thời thông qua phương thức ủy thác cho vay đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hội, đoàn thể thường xuyên tiếp xúc với hội viên, nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của hội viên, giúp hội viên phát triển kinh tế gia đình, chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng lên. Đến nay, dư nợ ủy thác qua 04 hội, đoàn thể đã đạt 251.374 triệu đồng, chiếm 99% tổng dư nợ. Trong đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ quản lý 99.708 triệu đồng, chiếm 39,67% tổng dư nợ; Hội Nông dân quản lý 80.377 triệu đồng, chiếm 31,98% tổng dư nợ; Hội Cựu chiến binh quản lý 32.884 triệu đồng, chiếm 13,08% tổng dư nợ; Đoàn Thanh niên quản lý 38.405 triệu đồng,chiếm 15,28% tổng dư nợ [18], [19].

Từ nguồn vốn vay của NHCSXH, phong trào phát triển sản xuất, chăn nuôi của hộ gia đình không ngừng lan rộng, xuất hiện nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập khá. Đã có hơn 18.000 lượt hộ nghèo được vay vốn, góp phần giúp nhiều hộ thoát nghèo; thu hút hơn 1.200 người lao động có việc làm, 2.371 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn; xây dựng được 373 căn nhà cho hộ nghèo và tạo điều kiện cho 887 lao động được vay vốn đi xuất khẩu lao động...Đến nay, tín dụng chính sách đã lan tỏa đến 100% thôn, bản và mở rộng đến nhiều đối tượng giúp cho người dân trên địa bàn huyện được dễ dàng tiếp cận nguồn vốn [18].

1.3.3 Bài học kinh nghiệm rút ra cho Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên

Từ kinh nghiệm của các ngân hàng trên thế giới và Việt Nam về nâng cao chất lượng tín dụng ngân hàng chính sách, chúng ta có thể học hỏi và rút ra được nhiều bài học bổ ích cho NHCSXH huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên nhằm nâng cao chất lượng tín dụng:

- Thường xuyên bám sát chủ trương của Đảng và Nhà nước, chấp hành nghiêm túc Nghị quyết của Ủy ban nhân dân huyện, chỉ đạo điều hành của Ban Giám đốc NHCSXH tỉnh để tổ chức thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng được Chính phủ giao.

- Cho vay phải thông qua các tổ chức trung gian Hội, Đoàn thể trên cơ sở kiểm tra một cách cụ thể các dự án của hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn tránh trường hợp vay vốn sai mục đích từ đó phương pháp cho vay phù hợp.

- Về lãi suất cho vay, cần phải áp dụng lãi suất ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhưng không để thấp hơn lãi suất thị trường quá nhiều gây tính ỷ lại cho người vay mà nên để mức lãi suất ưu đãi bằng 80% mức lãi suất bình quân của thị trường là phù hợp.

- Về quy mô cấp tín dụng; từ kinh nghiệm các nước cho thấy quy mô cấp tín dụng chính sách ở nước ta chưa phù hợp, một số chương trình cho vay có mức vay thấp chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn và sử dụng vốn của các hộ vay.

- Về cơ sở hạ tầng, tài chính: Hiện nay cơ sở hạ tầng, tài chính của NHCSXH từng ngày được bổ sung nhưng vẫn chưa đủ để đáp ứng được yêu cầu. Các cấp các ngành cần tập trung đầu tư, hỗ trợ thêm cho NHCSXH để đáp ứng được nhiệm vụ được giao. - Định hướng cho người dân cách sử dụng nguồn vốn, song song với cho vay vốn là đào tạo nghề và lợi dụng những thế mạnh nhất định tại địa phương để phát huy tối đa hiệu quả sử dụng vốn vay.

- Tranh thủ sự chỉ đạo, hỗ trợ của địa phương về cơ sở vật chất, về vốn, tạo sự chủ động cho chi nhánh phát huy nội lực trong việc huy động nguồn vốn có lãi suất thấp hoặc không trả lãi để cân đối nguồn vốn cho vay các chương trình vay vốn, tránh tư tưởng trông chờ hoàn toàn vào sự cân đối vốn từ Trung ương.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nâng cao chất lượng tín dụng ngân hàng chính sách xã hội huyện phú lương, tỉnh thái nguyên (Trang 35 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)