2.5.2.1 Những tồn tại trong hoạt động tín dụng tại NHCSXH huyện Phú Lương
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động tín dụng tại NHCSXH huyện Phú Lương còn một số tồn tại, hạn chế như sau:
- Mạng lưới hoạt động của NHCSXH huyện Phú Lương chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế đặt ra. Điểm giao dịch chưa phủ hết các xã trong huyện; địa điểm giao dịch tại các xã chưa thuận lợi cho khách hàng; các thiết bị phục vụ còn thiếu và sơ sài như máy tính, máy in, hệ thống mạng Internet...
- Nguồn vốn hoạt động còn hạn hẹp. Chủ yếu nguồn vốn tín dụng chính sách do Trung
ương chuyển về, vốn ngân sách địa phương còn hạn chế. Nguồn vốn chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn, đặc biệt là nhu cầu cho vay chương trình hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, giải quyết việc làm, cho vay NS&VSMTNT.
- Hoạt động tín dụng tại NHCSXH huyện Phú Lương chưa chú trọng đến việc công khai hóa, xã hội hóa chính sách tín dụng.
- Vòng quay vốn tín dụng của ngân hàng có xu hướng giảm qua các năm. Cụ thể năm 2015, vòng quay vốn tín dụng là 0,22 vòng; năm 2016 là 0,23 vòng; năm 2017 giảm còn 0,2 vòng; năm 2018 là 0,18 vòng.
- Hoạt động tín dụng tại NHCSXH huyện Phú Lương chưa khống chế được nợ quá hạn. Tỷ lệ nợ quá hạn có xu hướng tăng. Năm 2015, nợ quá hạn là 181 triệu đồng, năm 2016 nợ quá hạn là 234 triệu đồng, năm 2018 nợ quá hạn là 284 triệu đồng. Tỷ lệ nợ quá hạn có xu hướng tăng. Năm 2015, tỷ lệ nợ quá hạn là 0,06%; năm 2016 tỷ lệ này là 0,07%; năm 2017 và 2018 tỷ lệ nợ quá hạn là 0,08%.
- Hoạt động tín dụng tại NHCSXH huyện Phú Lương thiếu minh bạch về cơ chế cho vay. Cơ chế cho vay được quy định trong các chương trình tín dụng chính sách, tuy nhiên việc xét duyệt hồ sơ các đối tượng cho vay tại Ngân hàng chưa thực hiện công khai, minh bạch.
- Công tác kiểm tra, giám sát hoạt đông tín dụng chưa được quan tâm đúng mức. Ngân hàng kiểm tra các hộ vay vốn chưa được thường xuyên. Thời gian giao dịch chưa được nhanh chóng, thuận tiện và hồ sơ, thủ tục giao dịch chưa được đơn giản, cho khách hàng. Ngân hàng chưa thường xuyên tuyên truyền về các chương trình tín dụng đến các tổ Tiết kiệm và Vay vốn và khách hàng.
2.5.2.2 Nguyên nhân dẫn đến các tồn tại trong hoạt động tín dụng tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phú Lương
Những tồn tại trong hoạt động tín dụng tại NHCSXH huyện Phú Lương xuất phát từ một số nguyên nhân sau đây:
- Số lượng cán bộ làm công tác chuyên môn của NHCSXH huyện Phú Lương còn thiếu so với yêu cầu công việc, địa bàn sinh sống của dân cư phân tán nên việc tăng cường các điểm giao dịch gặp nhiều khó khăn. Thêm vào đó, công cụ làm việc lạc hậu, chủ yếu còn làm thủ công, chỉ đủ sức tổ chức nghiệp vụ hạch toán kế toán tiền vay và tổ chức một tổ giải ngân lưu động hàng ngày tại xã; không có đủ điều kiện tổ chức triển khai thường xuyên các nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát, dịch vụ huy động vốn, dịch vụ thanh toán và các dịch vụ khác đến người vay; chi phí đầu tư các trang thiết bị phục vụ cho công tác chuyên môn chưa được đầu tư thích đáng dẫn đến giảm chất lượng dịch vụ tín dụng của Ngân hàng..
- Do đặc thù của NHCSXH là thực hiện các chương trình tín dụng chính sách theo yêu cầu của Nhà nước nên nguồn vốn chủ yếu là từ NSNN, nguồn vốn địa phương hạn chế.
Việc xã hội hóa chính sách tín dụng gặp nhiều khó khăn do Ngân hàng chưa đẩy mạnh công tác huy động vốn từ các Tổ TK&VV, các tổ chức cá nhân trong xã hội, chủ yếu dựa vào nguồn vốn cấp từ Trung ương theo các chương trình tín dụng. Thêm vào đó, vốn phân bổ cho các chương trình tín dụng đôi khi còn chậm do vốn từ Trung ương chuyển về chậm.
- NHCSXH huyện Phú Lương chưa thực hiện tuyên truyền thường xuyên về các chính sách tín dụng. Ngân hàng chưa cụ thể hóa các quy định về hồ sơ, thủ tục vay vốn, chưa quan tâm nhiều đến việc tuyên truyền, giải thích cơ chế cho vay của Ngân hàng đối với các đối tượng cho vay. Điều này làm cho chất lượng tín dụng của ngân hàng bị ảnh hưởng, phát sinh nợ quá hạn hoặc các khoản vay không phát huy được hiệu quả như mong muốn.
- Nợ quá hạn tăng là do việc đôn đốc thu hồi nợ tại một số nơi thực hiện chưa hiệu quả, chưa thường xuyên; một số nơi địa bàn rộng, phân tán nên việc đôn đốc thu hồi nợ gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, một số đối tượng vay chây ỳ không trả nợ. Cơ chế xử lý nợ rủi ro do nguyên nhân khách quan chưa phù hợp và triển khai chậm.
- Số lượng khách hàng lớn, món vay nhỏ lẻ nên với lượng cán bộ như hiện nay chưa đáp ứng đủ nhu cầu cho công việc. Công tác kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của tổ chức Hội, Đoàn thể nhận ủy thác cấp dưới chưa được thực hiện thường xuyên; kiểm tra chưa phát hiện được tồn tại sai xót. Đặc biệt công tác rà soát hộ vay bỏ đi khỏi nơi cư trú của một số nơi chưa được thực hiện thường xuyên, dẫn đến có trường hợp bỏ đi không rõ nơi cư trú, ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng tại địa bàn.
Kết luận chương 2
Trong chương này, luận văn phân tích đánh giá thực trạng tín dụng và chất lượng tín dụng tại NHCSXH huyện Phú Lương tỉnh Thái Nguyên qua 4 năm 2015-2018. Kết quả phân tích cho thấy NHCSXH huyện Phú Lương đã thực hiện cho vay 11 chương trình tín dụng ưu đãi theo quy định của Chính Phủ. Các chương trình tín dụng được tổ chức thực hiện kịp thời và đúng chính sách, chế độ. Chính sách đầu tư được tập trung cho vay hộ nghèo, vùng nghèo, cho vay học sinh, sinh viên, cho vay giải quyết việc
làm, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn. Đến nay, vốn tín dụng chính sách xã hội đã đến với 15 xã, thị trấn trên địa bàn toàn huyện. Dư nợ tín dụng và số lượt hộ được vay vốn tăng qua các năm. Các chương trình tín dụng ưu đãi đang thực hiện trên địa bàn đã bám sát các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương, phù hợp với sự phát triển của từng vùng; nguồn vốn tín dụng ưu đãi do NHCSXH cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần đáng kể vào công cuộc giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới tại các xã, từ đó tạo nên sức mạnh tổng hợp hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, được cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương ghi nhận và đánh giá cao.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động tín dụng tại NHCSXH huyện Phú Lương còn một số tồn tại, hạn chế như nguồn vốn tín dụng chính sách chủ yếu do Trung ương chuyển về, vốn ngân sách địa phương còn hạn chế; Vòng quay vốn tín dụng thấp; Tỷ lệ nợ quá hạn có xu hướng tăng; Địa điểm giao dịch tại các xã chưa thuận lợi cho khách hàng (hiện tại mỗi xã mới chỉ có 1 điểm giao dịch); Việc kiểm tra các hộ vay vốn chưa được thường xuyên; Thời gian giao dịch chưa được nhanh chóng, thuận tiện và hồ sơ, thủ tục giao dịch chưa được đơn giản, cho khách hàng; Tại một số nơi, Ban quản lý Tổ TK&VV hoạt động chưa đều...
Những nghiên cứu về thực trạng chất lượng tín dụng tại NHCSXH huyện Phú Lương là cơ sở đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng tại Ngân hàng được trình bày ở chương 3.
CHƯƠNG 3 ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TÍN DỤNG TẠI NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI HUYỆN PHÚ LƯƠNG, TỈNH THÁI NGUYÊN