Về mô hình tổ chức

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh tiền giang (Trang 26 - 30)

CHƯƠNG 1 : CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUỸ TÍN DỤNG NHÂN DÂN

1.1 KHÁI QUÁT VỀ QUỸ TÍN DỤNG NHÂN DÂN

1.1.2.1 Về mô hình tổ chức

Mô hình tổ chức 02 cấp của hệ thống QTDND đã khắc phục được mối liên kết lỏng lẻo của mô hình 3 cấp, mạng lưới QTDND Trung ương được mở rộng, có khả năng tiếp cận nhanh chóng hơn với QTDND để tăng cường chức năng điều hòa vốn nội bộ, hỗ trợ, phục vụ thành viên. Để đáp ứng được các yêu cầu thực tế, QTDND Trung ương đã chuyển đổi thành TCTD Hợp tác xã (NHHTX) Việt Nam (Co-op Bank) từ ngày 24/6/2013. Mục tiêu tổng quát là đưa hệ thống Co-op Bank và các QTDND trở thành một bộ phận quan trọng trong hệ thống các tổ chức tín dụng nhằm góp phần đáp ứng nhu cầu vốn trong khu vực nông nghiệp, nông thôn và từng

bước tại khu vực đô thị trên cơ sở các nguyên tắc tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau cho các nhu cầu về vốn cho SXKD nhằm cải thiện đời sống của các thành viên.

Mô hình tổ chức của QTDND được thể hiện qua hình 1.1.

Hình 1.1: Sơ đồ tổ chức của QTDND

Nguồn: Cổng thông tin điện tử của Hiệp hội QTDND Việt Nam

 Thành viên của Quỹ tín dụng nhân dân

Thành viên là những người sáng lập cũng như xây dựng QTDND dựa trên tinh thần đoàn kết, hợp tác để cùng có lợi, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau. Họ thành lập và duy trì QTDND để QTDND hỗ trợ họ. Nếu QTDND hoạt động tốt, phát triển mạnh thì họ sẽ được hưởng lợi, được hỗ trợ lâu dài. Chính vì thế mà các thành viên rất có ý thức trách nhiệm đóng góp xây dựng cho QTDND bằng cách làm tròn các nghĩa vụ đối với QTDND. Họ làm tròn vai trò của người sở hữu đối với QTDND như góp vốn đầy đủ, thực hiện các quyền quản lý, giám sát QTDND theo đúng trách nhiệm cũng như làm tròn vai trò của khách hàng khi sử dụng thường xuyên các dịch vụ của QTDND.

Thành viên của QTDND bao gồm các cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và tán thành Điều lệ, tự nguyện tham gia góp vốn thành lập QTDND.

Theo Thông tư 04/2015/TT-NHNN ngày 31 tháng 3 năm 2015 của Thống đốc NHNN Việt Nam Quy định về Quỹ tín dụng nhân dân thì mức vốn góp xác lập tư cách thành viên tối thiểu là 300.000 đồng và mức góp vốn thường niên tối thiểu là 100.000 đồng. Tổng mức góp vốn tối đa của một thành viên QTDND không vượt quá 10% vốn điều lệ của QTDND. QTDND hoạt động trên địa bàn liên xã phải có tối thiểu 300 thành viên tại thời điểm đề nghị, không hạn chế số lượng thành viên tối đa.

 Đại hội thành viên

Các thành viên của QTDND thực thi quyền lợi của họ thông qua Đại hội thành viên hoặc Đại hội đại biểu thành viên (gọi chung là Đại hội thành viên) có nhiệm vụ, quyền hạn như nhau. Thực hiện theo quy định tại Thông tư 04/2015/TT- NHNN thì số lượng đại biểu bầu tham dự Đại hội đại biểu thành viên do Điều lệ QTDND quy định nhưng phải đảm bảo: không được ít hơn 30% tổng số thành viên đối với QTDND có từ trên 100 đến 300 tháng viên; không được ít hơn 20% tổng số thành viên đối với QTDND có từ trên 300 đến 1.000 thành viên; không được ít hơn 200 đại biểu đối với QTDND có từ trên 1.000 thành viên. Tại Đại hội thành viên, mọi quyết định hay sự hình thành ý chí chung của các thành viên được thực hiện theo nguyên tắc bình đẳng, dân chủ. Đại hội thành viên là cơ quan có quyền quyết định cao nhất của QTDND về những vấn đề lớn, quan trọng liên quan tới các lĩnh vực then chốt của QTDND như: Thông qua, sửa đổi, bổ sung điều lệ QTDND; tăng giảm vốn điều lệ, mức góp vốn của thành viên; thông qua quyết toán năm, báo cáo hoạt động của Ban kiểm soát, Ban điều hành, dự kiến phân phối lợi nhuận; bầu, miễn nhiệm các thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Trưởng ban kiểm soát; quyết định việc sáp nhập, giải thể hay thay đổi tư cách pháp nhân của QTDND; thông qua phương hướng hoạt động kinh doanh năm tới,…

 Hội đồng quản trị

Hội đồng quản trị do Đại hội thành viên trực tiếp bầu ra để thay mặt thành viên quản trị QTDND. Thành viên Hội đồng quản trị phải là thành viên của QTDND. Hội đồng quản trị chịu trách nhiệm về các quyết định của mình trước Đại hội thành viên và trước pháp luật. Chủ tịch Hội đồng quản trị là người đại diện cho QTDND trước pháp luật. Tùy theo quy mô nguồn vốn hoạt động của QTDND, Chủ tịch Hội đồng quản trị có thể làm việc theo chế độ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm. Chủ tịch Hội đồng quản trị là người lập chương trình, kế hoạch hành động của Hội đồng quản trị; triệu tập và chủ trì các cuộc họp của Hội đồng quản trị; phân công và theo dõi các thành viên Hội đồng quản trị thực hiện nghị quyết Đại hội thành viên và quyết định của Hội đồng quản trị; kiểm tra, đánh giá công việc điều hành QTDND của Ban điều hành QTDND.

Số lượng thành viên Hội đồng quản trị do Đại hội thành viên quyết định nhưng tối thiểu là 3 người; nhiệm kỳ của Hội đồng quản trị tối thiểu là 2 năm và tối đa là 5 năm.

 Ban kiểm soát

Ban kiểm soát do Đại hội thành viên bầu ra nhằm thay mặt các thành viên kiểm tra, giám sát mọi hoạt động của QTDND. Ban kiểm soát có tối thiểu 3 thành viên, trong đó ít nhất phải có một kiểm soát viên chuyên trách. Thành viên của Ban kiểm soát phải là thành viên của QTDND và không được là thành viên của Hội đồng quản trị hoặc nhân viên của QTDND để tránh xung đột về quyền lợi, không đảm bảo việc kiểm tra giám sát một cách khách quan. Việc kiểm tra, giám sát bao gồm: giám sát hoạt động của Hội đồng quản trị, của Ban điều hành QTDND; giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ được quy định theo Pháp Luật hay Điều lệ, đặc biệt là việc hoàn thành nhiệm vụ tương trợ thành viên; kiểm tra về hoạt động tài chính,tín dụng, giám sát việc chấp hành chế độ kế toán, phân phối thu nhập, sử dụng các quỹ và tài sản của QTDND,.... Việc giám sát được tiến hành thường xuyên bằng việc đánh giá các báo cáo của Hội đồng quản trị cũng như Bộ máy điều hành.

Đó là các báo cáo định kỳ về sự phát triển kinh doanh của QTDND và kế hoạch hoạt động của QTDND trong ngắn, trung và dài hạn. Bên cạnh đó, Ban kiểm soát còn có các nhiệm vụ khác như triệu tập Đại hội thành viên trong những trường hợp nhất định, báo cáo trước Đại hội thành viên, cùng tham gia vào một số các công việc đặc biệt, xử lý các kết quả kiểm toán, các khoản lỗ, báo cáo quyết toán hàng năm và báo cáo tình hình kinh doanh.

 Bộ máy điều hành

Bộ máy điều hành là cơ quan có chức năng lãnh đạo thực hiện các hoạt động nghiệp vụ của QTDND. Tùy vào tình hình thực tế bộ máy điều hành gồm có Giám đốc, Phó Giám đốc; giúp việc cho Bộ máy điều hành còn có Kế toán trưởng (hoặc Trưởng phòng kế toán), nhân viên nghiệp vụ trong các lĩnh vực kế toán, tín dụng, ngân quỹ, bảo vệ và các nhân viên khác tùy theo thực tế hoạt động của QTDND.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh tiền giang (Trang 26 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(114 trang)