Sự phát triển của trình độ quan hệ lao động trong nền KTTT

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp thúc đẩy hoạt động của tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp tại tỉnh lạng sơn (Trang 25 - 26)

Quan hệ lao động là chỉ quan hệ giữa chủ và thợ, quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động, hình thành trong quá trình sử dụng sức lao động, trong đó người lao động phải thực hiện một nội dung hoạt động lao động nào đó, còn người sử dụng lao động phải trả công hoặc trả lương và đảm bảo những điều kiện cần thiết khác cho người lao động theo quy định của pháp luật. Hợp đồng lao động là hình thức pháp lý chủ yếu và phổ biến nhất của các quan hệ lao động.

Trong nền kinh tế nhiều thành phần ở nước ta, quan hệ lao động cũng bao gồm nhiều loại. Trong doanh nghiệp nhà nước, quan hệ lao động là quan hệ giữa người sử dụng lao động với công nhân viên chức lao động; Trong doanh nghiệp ngoài nhà nước, quan hệ lao động là quan hệ giữa chủ doanh nghiệp với người lao động, quan hệ này hình thành trong việc thuê mướn lao động; trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, quan hệ lao động là quan hệ giữa người lao động Việt nam với các chủ doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp đa phần là người nước ngoài.

Theo pháp luật lao động Việt Nam thì quan hệ lao động còn được điều chỉnh bởi nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể và quy chế phối hợp hoạt động của Ban chấp hành công đoàn cơ sở (nếu có) với chủ doanh nghiệp. Đó là những thỏa thuận cụ thể giữa người lao động hoặc tập thể người lao động với người sử dụng lao động về việc làm, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương, tiền thưởng, hình thức trả lương, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hộ lao động… Tại Việt Nam, tình hình quan hệ lao động trong doanh nghiệp thể hiện qua các vụ ngừng việc tập thể, lãn công, đình công cụ thể như sau: Theo “Báo cáo Hội nghị Tổng kết tình hình năm 2011 và triển khai nhiệm vụ năm 2012” của Bộ Lao động, Thương binh và xã hội cho hay từ năm 1995 đến năm 2011, cả nước đã xảy ra 4.142 cuộc đình công. Bắt đầu từ năm 2008 số lượng đình công bùng nổ lên 720 vụ trên cả nước và tăng dần đến 2011 đã đạt con số kỷ lục với 857 cuộc diễn ra trong vòng 11 tháng, mỗi năm bình quân trên 500 cuộc, trong đó chủ yếu ở doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 71%. Sau đó, đến năm 2012 số vụ đình công đã giảm đi và một số người vẫn ngộ nhận rằng đó là do vai trò của tổ chức công đoàn đã tốt lên. Nhưng nguyên nhân thực chất chính là do sự đi xuống của nền kinh tế thị trường dẫn đến vấn đề thất nghiệp cũng tăng theo, vì vậy, với bối cảnh như hiện nay, đối với người lao động lúc này, có việc làm với họ đã là một sự ổn định đúng mong đợi, vì thế họ cũng không muốn phát sinh đình công có thể dẫn đến chấm dứt hợp đồng lao động. Điều đáng nói chính là vai trò của tổ chức công đoàn đối với các cuộc đình công vẫn chưa được thể hiện nhiều và 100% các cuộc đình công là sai luật, tự phát mặc dù 70% trong số đó xảy ra ở các doanh nghiệp có tổ chức công đoàn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp thúc đẩy hoạt động của tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp tại tỉnh lạng sơn (Trang 25 - 26)