PHẦN 2 : NỘI DUNG NGHIÊN CỨU
3.2. Giải pháp hoàn thiện Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tạ
3.2.5. Giải pháp hoàn thiện và nâng cao công tác quản lý tiến độ công trình
Quản lý tiến độ là một trong như những bước khởi đầu của công tác quản lý dự án đầu tư. Trong thời gian vừa qua, các dự án đầu tư của Ban QLDA tiến độ thực hiện còn chậm, chưa đạt kết quả đề ra. Nâng cao hiệu quả quản lý thời gian, tiến độ dự án nhằm khắc phục tình trạng chậm tiến độ của các dự án đầu tư, đáp ứng được kế hoạch thời gian đề ra để không ảnh hưởng tiến độ thực hiện dự án. Chính vì vậy cần có giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý thời gian và tiến độ dự án như sau:
- Ban QLDA cần tiến hành lập kế hoạch thời gian tiến độ một cách hợp lý, căn cứ trên kinh nghiệm thực tế tích lũy từ việc triển khai các dự án trước, sử dụng sơ đồ GANT, sơ đồ mạng công việc, ... một cách hiệu quả. Kinh nghiệm cho thấy, Ban QLDA không nên chỉ lập ra một kế hoạch và cho tiến hành ngay kế hoạch này mà phải cố gắng tìm ra nhiều phương án khác, sắp xếp lại quy trình các công việc từ đó chọn ra phương án tối ưu. Phương pháp lựa chọn là phương án có thời gian ngắn nhất nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng dự án trong nguồn kinh phí cho phép. Bên cạnh đó, Ban QLDA cũng nên xem xét lại thời gian thực hiện tất cả các công việc của dự án, xem liệu có thể rút ngắn thời gian của công việc nào mà vẫn đảm bảo được yêu cầu chung của dự án không, xem những công đoạn nào không thực sự cần thiết thì có thể bỏ qua hoặc rút ngắn đến mức tối đa thời gian dành cho công việc đó. Việc lập kế hoạch quản lý tiến độ dự án một cách tỉ mỉ, chi tiết sẽ giúp Ban QLDA có một các nhìn sâu sắc, cụ thể về tình hình hoạt động của dự án. Một kế hoạch chi tiết không chỉ giúp cho Ban QLDA giám sát sát sao tình hình thực hiện từng công việc mà còn giúp phát hiện kịp thời những sai sót phát sinh trong quá trình
thực hiện. Ngoài ra, kế hoạch nguồn lực cũng phải được lập một cách cẩn thận, hợp lý tránh hiện tượng thiếu nhân công và vốn gây chậm trễ tiến độ thực hiện dự án.
- Ban QLDA phải giám sát chặt chẽ tiến độ thi công xây lắp của Nhà thầu, qui định trách nhiệm về tiến độ thực hiện dự án đối với các bên liên quan một cách cụ thể, rõ ràng. Khi dự án được thực hiện đúng kế hoạch và thời gian thì sẽ nâng cao được hiệu quả thực hiện dự án.
Qua nghiên cứu về nguyên nhân ảnh hưởng tiến độ của các dự án Ban QLDA là chủ đầu tư cho thấy: công tác giải phóng mặt bằng và di dời công trình vật kiến trúc có ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ công trình, do đó hoàn thiện qui trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng là góp phần đẩy nhanh tiến độ công trình. Một số giải pháp để hoàn thiện công tác này như sau:
- Ban QLDA quan tâm thời gian của việc tiến hành các thủ tục pháp lý như: xin phê duyệt chủ trương đầu tư, xin thực hiện các thủ tục di dời các công trình công cộng như điện nước, … các thủ tục pháp lý này tương đối rờm rà, mất nhiều thời gian. Để khắc phục tình trạng này, cần phải tìm hiểu kỹ các thủ tục pháp lý từ Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Tài nguyên môi trường, Luật Điện lực và các văn bản dưới luật liên quan như Nghị định, Thông tư, …
- Ban QLDA cần củng cố, nâng cao năng lực và đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ thực hiện công tác đền bù GPMB. Nâng cao tinh thần trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của những cán bộ chuyên môn GPMB. Thường xuyên cập nhật và am hiểu tường minh Luật Đất đai, các văn bản Nhà nước, Chính phủ, của tỉnh về thực hiện GPMB đền bù và tái định cư.
- Phối hợp tốt với chính quyền điạ phương, các ngành liên quan như:
+ Lãnh đạo (Giám đốc, Phó Giám đốc) Ban QLDA cần có sự phối hợp tốt với các cấp chính quyền, phòng ban tranh thủ sự đồng thuận và sự giúp đỡ của chính quyền để công tác đền bù và GPMB không bị bế tắc. Thường xuyên đôn đốc Hội đồng đền bù GPMB hoàn thiện phương án đền bù và trình thẩm định, không để thời gian giải quyết kéo dài.
+ Chủ động phối hợp tốt hơn nữa với các cấp, các ngành, đồng thời tăng
cường tuyên truyền, vận động đối tượng để đạt được một số các thoả thuận có lợi trong công tác đền bù GPMB. Giải phóng các công trình, chặt cây cối thu dọn hoa màu, … để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Mặt bằng này, Ban QLDA và đơn vị thi công có phương án quản lý chặt chẽ không để dân tái, lấn chiếm sử dụng hành lang ATGT.
+ Tách công tác GPMB thành một tiểu dự án độc lập và giao cho địa phương là cấp huyện thực hiện, sau khi hoàn thành bàn giao mặt bằng cho Chủ đầu tư (Bộ GTVT đã áp dụng nhưng tỉnh Tiền Giang chưa thực hiện).
+ Có chính sách hỗ trợ đặc biệt đối với các hộ bị giải tỏa trắng vì họ không được hưởng lợi từ dự án.