Hội nhập kinh tế quốc tế đồng nghĩa với cạnh tranh khốc liệt, trên thực tế, EVFTA bên cạnh việc cam kết mở cửa thị trường, cả hai bên đều có xu hướng tiến hành áp dụng ở mức độ nhất định về bảo hộ che chắn, sử dụng một loạt công cụ nhằm hỗ trợ trực tiếp hoặc trợ cấp thu nhập trước sự áp lực cạnh tranh mạnh mẽ khi mở cửa thị trường. Sức ép cạnh tranh mà Việt Nam phải đối mặt không chỉ là cạnh tranh giữa các sản phẩm nội địa và hàng ngoại mà còn là giữa doanh nghiêp với nhau, giữa quốc gia với nhau.
Về sản phẩm, hàng hóa xuất xứ từ EU cũng như các dịch vụ được cung cấp bởi khu vực này từ lâu đã nổi tiếng mẫu mã đẹp, chất lượng cao vậy các sản phẩm của Việt Nam làm sao có thể cạnh tranh về phương diện chất lượng, thương hiệu, hàm lượng khoa học công nghệ, giá cả với các sản phẩm của EU. Đây chính là bài toán khó của doanh nghiệp nội địa Việt Nam.
Bên cạnh thách thức cạnh tranh về sản phẩm, Việt Nam phải đối đầu với sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, thể hiện ở khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, chiến lược đổi mới, sáng tạo và phát triển bền vững. EVFTA mở ra cơ hội tuy nhiên cũng là thách thức đối với năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh việc mở cửa và tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu, vấn đề đặt ra là khả năng đáp ứng nhu cầu lớn, chất lượng cao của thế giới. Hội nhập tồn tại cùng với sức ép, cạnh tranh quyết liệt sẽ xảy ra với không ít sản phẩm và hệ thống phân phối của Việt Nam. Với các doanh nghiệp, nếu không thể cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài khác thì phải đối mặt với thất bại không chỉ trong việc tham gia vào thị trường quốc tế, mà ngay tại chính thị trường Việt Nam cũng có thể bị các doanh nghiệp nước ngoài chiếm thị phần, gia tăng áp lực, đưa hàng hóa, dịch vụ xuất từ nước họ sang phân phối, tiêu dùng tại thị trường Việt nam nếu như hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam kém cạnh tranh hơn, dẫn đến việc ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh, và có thể dẫn tới thua lỗ, phá sản.
Áp lực cạnh tranh gia tăng còn thể hiện ở cấp độ Quốc gia, đối với EVFTA chính là cạnh tranh giữa Việt Nam và các quốc gia thuộc EU. Năng lực cạnh tranh cấp độ quốc gia thể hiện ở nhiều phương diện, trong đó đề cập đến việc quốc gia sẽ xây dựng và ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế như thế nào, cùng với đó là các chính sách bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp nội địa, bảo vệ một cách hợp pháp thị trường trong nước. Đứng trước cơ hội hội nhập thương mại quốc tế lớn nhất từ trước đến nay, hơn khi nào hết chính phủ và các Bộ ngành liên quan cần tạo một nền tảng vững chắc và hết sức tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tạo một môi trường kinh doanh thuận lợi nhằm tăng cường thúc đẩy hợp tác và tăng trưởng kinh tế.