Đối với EVFTA, cũng giống như tất cả các Hiệp định thương mại tự do khác, trong xu thế hội nhập và tự do hóa thương mại, Việt Nam, với tư cách là nước xuất khẩu, sẽ phải đáp ứng các tiêu chuẩn (rào cản) của các quốc gia thuộc EU. Trong một số trường hợp, ở những mức độ khác nhau, các rào cản thương mại này trên thực tế đã có những tác động tiêu cực đối với phát triển kinh tế nói chung và hoạt động xuất khẩu nông sản nói riêng, đặc biệt đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Trong những năm vừa qua, hoạt động xuất khẩu nông sản đã là một hoạt động mũi nhọn, có những đóng góp to lớn vào phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, do chưa nắm rõ các quy định có tính chất bắt buộc dưới dạng các rào cản kỹ thuật nên nhiều lô hàng xuất khẩu của Việt Nam đã bị trả lại, thậm chí, một số mặt hàng đã bị suy giảm nghiêm trọng cả về số lượng và kim ngạch xuất khẩu; cá biệt có mặt hàng mất thị trường. Vì vậy trở ngại đầu tiên đối với doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đầu tiên phải kể đến hiểu rõ hiểu đúng các quy định về rảo cản kỹ thuật TBT được quy định trong EVFTA cũng như các quy định liên quan đến Quy chuẩn kỹ thuật, Tiêu chuẩn kỹ thuật, Thủ tục đánh giá hợp quy, và từng bước đáp ứng được các tiêu chuẩn này, đồng nghĩa với việc gia tăng chi phí sản xuất khi phải thực thi các quy định nghiêm ngặt này. Ngoài ra, cũng giống như quy tắc xuất xứ, nếu không đáp ứng được cho dù chỉ là một tiêu chuẩn thì mặt hàng nông sản sẽ không được áp dụng ưu đãi về thuế quan, mục đích cuối cùng được hướng tới khi ký kết Hiệp định.