1.2.1. Nhà nước tạo hành lang pháp lý cho hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài
Thực tiễn khẳng định rằng, vai trò của nhà nước trong quản lý nền kinh tế chỉ có thể được thực hiện và phát huy đầy đủ nhất, có hiệu quả nhất khi được xác lập dưới hình thức pháp luật nhất định và được đảm bảo thực hiện bởi cơ chế pháp luật thích hợp,...Việc ban hành hệ thống luật pháp hoặc điều chỉnh luật pháp đối với quan hệ kinh tế đem lại cho sự quản lý của Nhà nước những khả năng và đảm bảo thực tế với phạm vi rộng lớn trong việc thực thi các chính sách của mình (Hoàng Thế Liên & cộng sự, 2001).
Hoạt động ĐTTTRNN là hoạt động mang đầy đủ đặc tính của nền kinh tế thị trường nên nó cũng không tránh khỏi những “tật” cố hữu của bất kỳ thị trường như tính tự phát, chạy theo lợi nhuận tối đa, không chú ý tới lợi ích xã hội, ...Vì vậy, việc ban hành hệ thống luật pháp cho hoạt động ĐTTTRNN là công cụ quản lý hữu hiệu và khoa học của Nhà nước nhằm định hướng, giới hạn “hành lang” cho các
hoạt động ĐTTTRNN để phát huy mặt tích cực của hoạt động hợp tác đầu tư đồng thời thiết lập “hàng rào pháp lý” để ngăn chặn các ảnh hưởng tiêu cực của chính các hoạt động này, giữ ổn định và cân đối cho các hoạt động đầu tư trong xã hội.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan hoạt động ĐTTTRNN gồm: Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; Pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội; Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước; Nghị định của Chính phủ; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ... (Hành lang pháp lý, 2013); (Đinh Nguyễn An, 2014)
Vai trò của nhà nước với hoạt động ĐTTTRNN đầu tiên được thể hiện qua việc ban hành hệ thống pháp luật về hoạt động ĐTTTRNN. Nhà nước điều chỉnh hoạt động ĐTTTRNN bằng hệ thống luật pháp là biện pháp hành chính áp đặt, cho phép hoặc không cho phép. Trong quá trình áp dụng luật khó tránh khỏi vướng mắc do luật hoặc các văn bản dưới luật thiếu cụ thể, thiếu chính xác, do người vận dụng chưa hiểu, do sai lệch cố ý hoặc do biến động trong thực tế mà luật chưa đề cập đến nên sự sửa đổi, bổ sung các văn bản dưới luật là cần thiết. Việc tạo hành lang pháp lý cho hoạt động ĐTTTRNN sẽ tạo ra những đột phá mới, góp phần cải cách thể chế kinh tế, tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng, nâng cao năng lực cạnh tranh của môi trường đầu tư, kinh doanh. Những quy định pháp lý đảm bảo chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất và rõ ràng sẽ tạo thuận lợi thúc đẩy hoạt động ĐTTTRNN của các doanh nghiệp, cá nhân. (Thu Trang 2015, tr. 17)