Quan điểm về năng lực

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu năng lực quản lý tại doanh nghiệp trên địa bàn quận 1 thành phố hồ chí minh (Trang 34 - 37)

7. Kết cấu của luận văn

1.2.1. Quan điểm về năng lực

Năng lực không phải là khái niệm mới nhưng việc hiểu chính xác và đầy đủ khái niệm này đến nay còn chưa được thống nhất. Năng lực được hiểu như một khái niệm trừu tượng, chúng ta không thể lượng hóa được. Năng lực được hiểu là khả năng thực hiện được một công việc với một kết quả nhất định. Năng lực là yếu tố tiềm ẩn trong mỗi con người, nó có thể được do bẩm sinh và cũng có thể do quá trình học tập, tích lũy rèn luyện mà có được. Trong tiếng Anh, năng lực được hiểu là: Competency: là khả năng, cam kết, kiến thức và kỹ năng cho phép một người (hoặc một tổ chức) để hoạt động hiệu quả trong công việc hay tình huống. Capacity: là khả năng cụ thể của một thực thể (người hoặc tổ chức) hoặc nguồn lực, được đo bằng số lượng và mức độ chất lượng trong một khoảng thời gian xác định. Capability: là các khả năng của một thực thể (bộ phận, tổ chức, cá nhân, hệ thống) để đạt được của mục tiêu, đặc biệt trong mối quan hệ tổng thể của nó với nhiệm vụ được giao. Hiện nay có khá nhiều khái niệm về năng lực và các yếu tố cấu thành năng lực. Những khái niệm ấy được hiểu và trình bày trong các nghiên cứu khác nhau ở các thời kỳ khác nhau. Sau đây là một số cách tiếp cận khác nhau về năng lực: Theo từ điển tâm lý học Năng lực là tập hợp các tính chất tâm lý cá nhân, đóng vai trò điều kiện bên trong, tạo thuận lợi cho việc thực hiện tốt một

hoạt động nhất định. Cũng theo từ điển này, “năng lực làm việc” được định nghĩa là khả năng tiềm tàng của cá nhân nhằm hoàn thành một hoạt động với hiệu suất được đề ra trong một thời gian nhất định. Năng lực làm việc của con người không phải là bất biến mà thay đổi trong quá trình hoạt động. Sự biến đổi của năng lực làm việc phụ thuộc vào loại hình công việc, đặc điểm tâm sinh lý cá nhân, tình trạng sức khỏe và trình độ chuyên môn. Theo cách tiếp cận này, năng lực được phân loại thành: năng lực nói chung (thỏa mãn đồng thời nhiều hoạt động) và năng lực riêng (thích ứng với một dạng hoạt động nhất định). Cách tiếp cận này cũng chưa đề cập trực diện vào cấu trúc của năng lực nhưng đã đưa ra các yếu tố bên trong và bên ngoài của cá nhân tác động đến năng lực, cũng như năng lực không phải là bất biến mà thay đổi trong quá trình hoạt động.

Theo giáo trình Tâm lý học, khi nói đến một tổ hợp những thuộc tính tâm lý phù hợp với những yêu cầu của một hoạt động, đảm bảo cho hoạt động đó diễn ra có kết quả, là nói đến năng lực của con người trong lĩnh vực hoạt động ấy. Vì vậy, thông qua hoạt động, người ta có thể tạo ra năng lực. Sự xuất hiện sớm của năng lực ở mức độ cao tạo ra hiện tượng năng khiếu. Hơn nữa, nếu một người khi nhỏ không có năng khiếu gì đặc biệt, ta chưa thể kết luận về năng lực trong tương lai của người đó, vì khá nhiều trường hợp năng lực xuất hiện rất muộn. Ngược lại, đối với một người tỏ ra có năng khiếu đặc biệt lúc còn nhỏ, thì ta cũng chưa thể kết luận gì về năng lực của người đó trong tương lai. Thực tiễn cho thấy có những năng khiếu xuất hiện sớm những về sau lại không phát triển như mong muốn. Cho nên để đánh giá mức độ của năng lực cần phải đặt thành tích đạt được trong mối liên hệ với những điều kiện nhằm đạt thành tích ấy. Cũng trong giáo trình này, tác giả đã nêu lên mối liên hệ giữa năng lực và tư chất, năng lực và tri thức, năng lực và nguyện vọng:

Mối liên hệ giữa năng lực và tư chất: Khoa học xác nhận ngay từ khi được sinh ra, giữa những con người khác nhau có thể đã có sự khác nhau trong kiểu hoạt động thần kinh cấp cao, trong cấu tạo của các cơ quan cảm giác, vận động…sự khác nhau bẩm sinh về tư chất làm cho sự phát triển năng lực khác nhau ở những con người khác nhau. Vì vậy, không thể suy luận rằng năng lực khác nhau đến từ tư chất khác nhau. Trong những điều kiện cụ thể của hoạt động, tư chất có thể được phát triển theo những hướng

khác nhau (hoặc hoàn thiện hoặc mai một dần). Có thể nói tư chất là điều kiện cần, nhưng không phải là điều kiện đủ của sự phát triển năng lực. Nếu từ lúc sinh ra, ai đó có cơ quan thính giác được cấu tạo tinh vi, đó là yếu tố thuận lợi để sau này năng lực âm nhạc có thể phát triển. Vì vậy, không thể khẳng định năng lực âm nhạc sẽ không phát triển tốt đẹp nếu ngay từ khi sinh ra thiếu một cái tai cấu cấu tạo tinh vi. Mối liên hệ giữa năng lực và tri thức: Do năng lực gắn liền với một hoạt động nào đó nên muốn có năng lực nhất thiết phải có tri thức trong lĩnh vực hoạt động ấy. Không thể có năng lực toán học nếu hoàn toàn không có tri thức về toán, không thể có năng lực kinh doanh nếu không hiểu biết gì về các quy luật kinh tế, thị trường….Tuy nhiên sẽ sai lầm nếu

đồng nhất năng lực với tri thức. Một người được coi có năng lực trong một lĩnh vực nào đó, khi trong lĩnh vực đó người ấy có những tri thức nhất định. Nhưng khi một người có tri thức trong một lĩnh vực nào đó, người đó chưa chắc đã có năng lực trong lĩnh vực ấy. Trên thực tế, không phải bất cứ ai có tri thức kinh doanh là tự động trở thành nhà kinh doanh có năng lực. Năng lực kinh doanh và tri thức kinh doanh là những vấn đề rất khác nhau. Để có năng lực kinh doanh người ta phải làm hàng loạt công việc, trong đó có việc tiếp thu tri thức kinh doanh.

Mối liên hệ giữa năng lực và nguyện vọng: mỗi cá nhân có thể có nguyện vọng về một điều gì đó, nhưng nguyện vọng ấy có biến thành hiện thực hay không còn tùy thuộc vào trình độ phát triển năng lực của người đó. Như vậy, năng lực là phương tiện để thực hiện nguyện vọng. Trình độ phát triển của năng lực quyết định quá trình hiện thực hóa nguyện vọng của cá nhân. Nguyện vọng cá nhân và năng lực quyện chặt lấy nhau và cùng phát triển. Khi người ta hứng thú với một đối tượng nào đó, người ta sẽ vượt qua mọi khó khăn, trau dồi năng lực để tiếp cận cho kỳ được đối tượng ấy. Mỗi bước phát triển mới của năng lực lại làm cho cá nhân đạt được kết quả cao hơn trong lĩnh vực gây hứng thú, do vậy, hứng thú được phát triển mạnh mẽ hơn. Như vậy, khi nói đến năng lực là phải nói năng lực của một hoạt động cụ thể nào đó. Vì thế, thông qua hoạt động, người ta có thể chủ động tạo ra năng lực. Cách tiếp cận nói trên chưa chỉ rõ được cụ thể các thành phần cấu thành năng lực. Các tác giả mới chỉ đề cập tính chất chung của các thành phần cấu trúc năng lực, chúng thay đổi tùy theo loại hình hoạt động.

Khi nói đến một tổ hợp những thuộc tính tâm lý phù hợp với những yêu cầu của một hoạt động, đảm bảo cho hoạt động đó diễn ra có kết quả, là nói đến năng lực của con người trong lĩnh vực hoạt động ấy. Vì thế, thông qua hoạt động, người ta có thể tạo ra năng lực...Từ các khái niệm có liên quan đến năng lực, có thể thấy rằng có khá nhiều khái niệm năng lực và các yếu tố cấu thành năng lực, dựa trên nhiều góc độ nghiên cứu khác nhau của nhiều nghiên cứu của các tác giả. Tuy nhiên học viên nhận thấy những khái niệm này không mâu thuẫn với nhau mà lại bổ sung cho nhau. Mặc dù được diễn đạt dưới các hình thức khác nhau nhưng học viên có thể thấy có những điểm chung sau: Năng lực được hiểu là khả năng thực hiện một dạng hoạt động nào đó. Vìvậy, khi nói đến năng lực là phải nói đến năng lực của một hoạt động trong một lĩnh vực cụ thể. Khi nghiên cứu năng lực cần xem xét năng lực trong mối liên hệ với môi trường hoạt động, đồng thời cần phải xem xét cả vấn đề năng khiếu, tư chất và mức độ phát triển của năng lực. Năng lực có thể thay đổi thông qua hoạt động. Do vậy, người ta có thể chủ động tạo ra năng lực. Các bộ phận cấu thành năng lực bao gồm những thuộc tính tâm lý phù hợp với những yêu cầu của một dạng hoạt động nào đó. Mặc dù, việc tìm ra các thành phần của cấu trúc năng lực không đơn giản nhưng các học giả cũng đã chỉ ra một số yếu tố cấu thành năng lực cụ thể như: kiến thức, kỹ năng, thái độ, kinh nghiệm, các mối quan hệ, động cơ (nguyện vọng), các phẩm chất cá nhân...Ngoài ra, các khái niệm về năng lực và các yếu tố cầu thành năng lực nêu trên còn khái quát nhưng những gợi ý hay định hướng rất cần thiết cho việc nghiên cứu về năng lực, và xác định những yếu tố cấu thành năng lực của một hoạt động cụ thể . Điểm đặc biệt quan trọng là các học giả đã đưa ra nhận định năng lực có thể thay đổi. Do đó cần phải có những giải pháp phù hợp để có thể nâng cao được năng lực. Đây cũng chính là mục tiêu nghiên cứu của đề tài của học viên.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu năng lực quản lý tại doanh nghiệp trên địa bàn quận 1 thành phố hồ chí minh (Trang 34 - 37)