Hoàn thiện chương trình đào tạo, bồi dưỡng giám đốc

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu năng lực quản lý tại doanh nghiệp trên địa bàn quận 1 thành phố hồ chí minh (Trang 95 - 99)

7. Kết cấu của luận văn

3.3.2.Hoàn thiện chương trình đào tạo, bồi dưỡng giám đốc

Xây dựng và triển khai thực hiện chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhằm trang bị cho giám đốc những kiến thức cần thiết về kinh doanh, về pháp luật, về quản trị doanh nghiệp và trách nhiệm xã hội; từng bước giúp đội ngũ giám đốc tiếp cận chuẩn mực quốc tế trong quản trị kinh doanh, quản trị doanh nghiệp để điều hành, quản trị doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất. Tuy nhiên, nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giám đốc hiện nay còn nhiều nội dung chưa phù hợp với nhu cầu giám đốc về trang bị tầm nhìn, chiến lược kinh doanh, thiếu tính thực tiễn, kiến thức chưa cập nhật (đặc biệt chương trình của các trường đại học), thiếu kiến thức về kỹ năng quản lý, quản trị doanh nghiệp, chương trình được thiết kế chưa hợp lý, trang bị kiến thức và kỹ năng thiếu đồng bộ [10]. Trước hết, cần xây dựng và thực hiện chương trình quốc gia về đào tạo giám đốc, triển khai rộng khắp chương trình đào tạo về khởi sự doanh nghiệp. Đặc biệt, cần xây dựng, đổi mới nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ giám

đốc nhất là kiến thức, kỹ năng về kinh tế, quản trị kinh doanh… theo hướng nâng cao tính thực tiễn của các chương trình đào tạo và khả năng thực hành của giám đốc. Đồng thời chương trình cần chú trọng nội dung giáo dục đạo đức, ý thức trách nhiệm, sự trung thực, tinh thần hợp tác, ý thức dân tộc, ý thức cộng đồng, tạo điều kiện để giám đốc Việt Nam giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với giám đốc nước ngoài.

Như vậy, khi thiết kế chương trình cần chú trọng chương trình đào tạo phù hợp với thực tế, thiết kế có thể áp dụng ngay vào thực tế. Cơ sở đào tạo cần đào tạo gắn lý thuyết với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp. Cơ sở đào tạo phải cập nhật thông tin để xây dựng chương trình giảng dạy phù hợp với sự phát triển và hội nhập hiện nay.

Chương trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giám đốc được hiểu là một bản thiết kế tổng thể cho một hoạt động đào tạo, bồi dưỡng. Đổi mới việc thiết kế chương trình bồi dưỡng cho đội ngũ giám đốc phải bắt đầu từ việc xác định mục đích, mục tiêu của bồi dưỡng cho đến việc thiết kế xây dựng chương trình và tổ chức đánh giá chương trình. Vì vậy Chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ giám đốc cần được xây dựng và hoàn thiện theo phương pháp CDIO4 nhằm trang bị toàn diện cho giám đốc cả về kiến thức chuyên môn, kỹ năng và phẩm chất đạo đức, trong đó tập trung bồi dưỡng nâng cao năng lực giám đốc trong quản trị, điều hành doanh nghiệp. Dựa trên mục tiêu bồi dưỡng đã được xác định một cách chi tiết, cụ thể, việc thiết kế chương trình bồi dưỡng phải đảm bảo sự hài hòa, phù hợp giữa các kiến thức, kỹ năng, phương pháp bồi dưỡng với mục tiêu đề ra. Do đó, chương trình bồi dưỡng cho đội ngũ giám đốc cũng phải được thiết kế trên cơ sở mục tiêu bồi dưỡng nói chung. Đồng thời chương trình đó cũng giúp xác định mục tiêu riêng biệt cho từng nhóm chuyên đề kỹ năng tương ứng với từng nhóm giám đốc trong các lĩnh vực, ngành nghề đã được đề tài khảo sát (nông nghiệp, thủy sản; công nghiệp, xây dựng; thương mại, dịch vụ).

Cần tổ chức biên soạn các chương trình, tài liệu phục vụ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giám đốc. Khi thiết kế chương trình cần có khảo sát, đánh giá để xem cần đưa những chuyên đề, kiến thức, kỹ năng gì, các chuyên đề này phải được thiết kế gắn với từng nhóm đối tượng giám đốc. Đối với chương trình bồi dưỡng giám đốc của thành phố Hồ

Chí Minh trên cơ sở kết quả nghiên cứu, khảo sát, với 15 kiến thức lãnh đạo, quản lý được đề cập trong bảng hỏi của đề tài, giám đốc trong mẫu khảo sát của đề tài chưa đáp ứng tốt các kiến thức về văn hóa doanh nghiệp, về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, các kiến thức về văn hóa - xã hội, kiến thức về tài chính, kế toán và kiến thức về hội nhập quốc tế. Một số kiến thức giám đốc đánh giá khá tốt như kiến thức về ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh, sản xuất, kiến thức về tin học, kiến thức về quản lý, lãnh đạo, kiến thức về chiến lược kinh doanh. Do đó, nhóm nghiên cứu kiến nghị chương trình bồi dưỡng giám đốc Thành phố cần có các nhóm chuyên đề kiến thức, kỹ năng sau:

- Nhóm kiến thức về kinh tế: bồi dưỡng các kiến thức về tài chính, kế toán, marketing, chiến lược kinh doanh.

- Nhóm kiến thức về nghiệp vụ quản lý: bồi dưỡng kiến thức về lãnh đạo, quản lý; quản trị nhân lực.

- Nhóm kiến thức về hội nhập quốc tế: bồi dưỡng kiến thức về hội nhập kinh tế; sở hữu trí tuệ; ngoại ngữ, công nghệ thông tin (gắn với cách mạng 4.0).

Kết quả nghiên cứu đội ngũ giám đốc Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy đối với lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp với nhu cầu bồi dưỡng kiến thức chuyên môn thì có 70/284 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực cho là “rất cần thiết” (chiếm 24,6%), trong đó các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có nhu cầu bồi dưỡng kiến thức chuyên môn chiếm 67,1%, công nghiệp và xây dựng chiếm 28,6%. Như vậy khi thiết kế chương trình bồi dưỡng việc bổ sung kiến thức chuyên môn cho giám đốc là điều cần thiết.

- Nhóm kỹ năng: bồi dưỡng các kỹ năng sử dụng quyền lực và gây ảnh hưởng; kỹ năng giải quyết vấn đề; về kỹ năng giao tiếp, đàm phán và ký kết hợp đồng; kỹ năng

xây dựng tầm nhìn và lập kế hoạch; kỹ năng huy động và phối hợp các nguồn lực… Kết quả nghiên cứu cho thấy có 4 nhóm kỹ năng các giám đốc Thành phố còn hạn chế đó là kỹ năng xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp; kỹ năng khởi xướng sự thay đổi; kỹ năng ủy quyền; kỹ năng gây ảnh hưởng và xây dựng hình ảnh. Do đó chương trình bồi dưỡng khi thiết kế cần tập trung mạnh hơn vào 4 kỹ năng này.

Hiện nay, thành phố Hồ Chí Minh cũng đã ban hành khung chương trình mẫu thực hiện đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân của Thành phố giai đoạn 2016 – 2020 [19]. Chương trình này xác định đào tạo, bồi dưỡng 3 nhóm kiến thức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giám đốc bao gồm:

- Đào tạo khởi sự doanh nghiệp: Nhận thức kinh doanh và ý tưởng kinh doanh; Lập kế hoạch kinh doanh; Những vấn đề về thị trường và Marketing trong khởi sự doanh nghiệp; Tổ chức sản xuất và vận hành doanh nghiệp; Kiến thức và kỹ năng cần thiết thành lập doanh nghiệp; Quản trị tài chính trong khởi sự doanh nghiệp;

- Đào tạo về quản trị doanh nghiệp: Bồi dưỡng những vấn đề cơ bản về quản trị doanh nghiệp; Quản trị chiến lược; Quản trị nhân sự; Quản trị Marketing; Quản trị dự án đầu tư; Quản trị tài chính; Quản trị về kỹ thuật và công nghệ; Quản trị chất lượng; Quản trị hậu cần kinh doanh; Thương hiệu và sở hữu công nghiệp, sở hữu trí tuệ; Những vấn đề cơ bản về hoạt động tham gia hội chợ, triển lãm thương mại của doanh nghiệp; Đàm phán và ký kết hợp đồng; Ứng dụng công nghệ thông tin cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; Kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa; Kỹ năng bán hang; Kỹ năng làm việc nhóm; Kỹ năng quản trị của chủ doanh nghiệp; Văn hóa doanh nghiệp; Tâm lý học lãn đạo, quản lý; Một số vấn đề kinh doanh trên thị trường quốc tế; Lập dự án, phương án kinh doanh; Hội nhập kinh tế quốc tế

- Đào tạo quản trị doanh nghiệp chuyên sâu: Quản trị sản xuất chuyên sâu; Quản trị nhân sự chuyên nghiệp; Quản trị tài chính chuyên nghiệp; Quản trị marketing chuyên nghiệp; Quản trị dự án đầu tư, tài chính; Quản trị về kỹ thuật và công nghệ; Kỹ năng điều hành chuyên nghiệp; Phát triển năng lực quản trị hiệu quả

Thực tế các chuyên đề này chưa có sự khác biệt trong đào tạo, bồi dưỡng giám đốc thuộc các loại hình doanh nghiệp các nhau. Do đó, khi thiết kế chương trình bồi dưỡng cho đội ngũ giám đốc Thành phố cần đảm bảo chương trình này bao gồm các chuyên đề kiến thức, kỹ năng mà đội ngũ giám đốc đang cần và các chương trình này phải được thiết kế riêng gắn với các nhóm giám đốc trong 03 nhóm doanh nghiệp: nông nghiệp, thủy sản; công nghiệp xây dựng; thương mại, dịch vụ. Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cũng xác định cần phải thiết kế và xây dựng chương trình chuẩn trong

đào tạo, bồi dưỡng giám đốc “xác định nội dung chương trình nhằm khắc phục các hạn chế và phát huy ưu thế giữa các doanh nghiệp và tạo cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp trong từng ngành… Phân tích theo ngành nhằm nắm bắt, dự báo hoạt động của các doanh nghiệp trong một ngành, nghề cụ thể; từ đó xác định các hẹn chế lẫn cơ hội cho sự tăng trưởng của ngành, làm nền tảng cho việc thiết kế chương trình hỗ trợ phù hợp, có tác dụng và hiệu quả nhất” [19].

Nhìn chung giám đốc trong mẫu khảo sát của đề tài còn hạn chế về các kiến thức, kỹ năng, phẩm chất liên quan đến năng lực xây dựng và phát triển doanh nghiệp, năng lực ủy quyền, năng lực xử lý xung đột, năng lực sử dụng quyền lực và gây ảnh hưởng, năng lực khởi xướng sự thay đổi. Do đó, khi thiết kế các chương trình đào tạo, bồi dưỡng giám đốc cần tập trung vào việc đào tạo, bồi dưỡng các nội dung này.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu năng lực quản lý tại doanh nghiệp trên địa bàn quận 1 thành phố hồ chí minh (Trang 95 - 99)